(VOV5) - Mỗi một ca khúc viết về mùa xuân đều được khai thác ở những khía cạnh khác nhau, những lát cắt cuộc sống khác nhau nhưng hầu như tất cả những ca khúc viết về mùa xuân đều khiến người nghe thêm yêu cuộc sống.
Mùa xuân khởi đầu của một năm mới. Lá hoa khoe sắc, trời đất giao hòa mang sức sống mới cho vạn vật khiến lòng người ngập tràn bao cảm xúc và khát vọng. Mùa xuân cũng là nguồn cảm hứng dào dạt để các nhạc sĩ viết lên những giai điệu, thanh âm, ca từ mượt mà, sâu lắng. Nhiều ca khúc viết về mùa xuân đã lưu lại trong ký ức những người yêu nhạc Việt Nam.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
"Mùa xuân đầu tiên" là một trong những ca khúc nổi tiếng viết về mùa xuân của tân nhạc Việt Nam. "Mùa xuân đầu tiên" được nhạc sĩ Văn Cao sáng tác vào thời điểm giáp tết Bính Thìn 1976, sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Cả giai điệu lẫn ca từ của bài hát rất nhẹ nhàng, như một bức tranh quê yên bình, hiền hòa, quen thuộc với nhiều người dân Việt Nam. Nhạc sĩ Cát Vận nói về ca khúc này: “Khi đất nước thống nhất, cảm giác của nhạc sĩ Văn Cao lúc đó mới là mùa xuân thực sự của dân tộc. Đây là một bài hát dung dị, lời ca thì sâu sắc, rất thân thiết, chân tình. Trong các sáng tác của nhạc sĩ Văn Cao, đây là một sáng tác mà sức sống của nội tâm rất đằm thắm, mãnh liệt và tinh tế”.
Cùng với “Mùa xuân đầu tiên” của nhạc sĩ Văn Cao là nhiều tác phẩm tiêu biểu viết về mùa xuân như: “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh”, “Mùa xuân bên cửa sổ” của cố nhạc sĩ Xuân Hồng; “Mùa xuân đến rồi đó” của nhạc sĩ Trần Chung. Nếu như mùa xuân của nhạc sĩ Xuân Hồng chất chứa sự hứng khởi tràn đầy, thăng hoa trời đất thiên nhiên giao thoa vần vũ thì mùa xuân của nhạc sĩ Trần Chung lại nhẹ nhàng, tinh khôi như tiếng gọi êm đềm, tha thiết của người yêu trong nhạc phẩm “Mùa xuân đến rồi đó”.
Với nhạc sĩ Ngọc Khuê, mùa xuân – mùa của sự sống lại được cảm nhận theo một góc khác. Đó là sự tươi mới, ấm áp của tình yêu, giai điệu, ca từ rộn rã với nhiều cung bậc rất đỗi riêng tư. Nhắc đến nhạc sĩ Ngọc Khuê, người ta sẽ nghĩ ngay đến những sáng tác thắm đượm tình yêu quê hương, mối tình nồng nàn, man mác về mảnh đất Hà Nội yêu dấu như: “Mãi là em - mùa Xuân”; “Khoảnh khắc mùa Xuân”; “Trở về mùa Xuân”, “Mùa Xuân làng lúa làng hoa”. Nếu xét về số lượng thì các tác phẩm viết về chủ đề mùa xuân của nhạc sĩ không nhiều so với hàng trăm nhạc phẩm của ông, nhưng hầu hết các tác phẩm ấy lại gây được ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng. Nhạc sĩ Ngọc Khuê cho biết: “Khi mùa Xuân về, tiết trời bắt đầu thay đổi, cây lá bắt đầu đâm chồi nảy lộc…luôn tạo cho người sáng tác cảm xúc mới, lạ và có khi không năm nào giống năm nào cả. Tôi cũng đã có một số bài hát về mùa Xuân và tôi vẫn cảm thấy có thể viết nhiều bài hát, ý tưởng mới nữa về mùa Xuân. Về bài “Mùa Xuân làng lúa làng hoa”, tôi viết cuối năm 1980 và mùa xuân năm 1981, bài hát được phát lần đầu tiên trên Đài Tiếng nói Việt Nam trong một chương trình giới thiệu các tác phẩm mới viết về mùa Xuân”.
Với nhạc sĩ Phó Đức Phương, các hình ảnh mới của mùa xuân mà ông miêu tả là sức lao động và tình yêu trong lao động. Cái đẹp của mùa xuân có thêm thành quả của các công trình lao động và cái vui say của mùa xuân có thêm cái vui say của tuổi trẻ của tình yêu gắn bó với công trình lao động làm đẹp giàu cho đất nước.
Mùa xuân trong ca khúc "Tình ca trên những công trình mới" chính là cái không khí hội hè của tình cảm nó phảng phất như có những làn điệu dân ca, những câu hát trao duyên của nam nữ ở ngay trên mặt trận mới: lao động và dựng xây Tổ Quốc. Nhạc sĩ Phó Đức Phương cho biết: “Mùa Xuân thì người ta nghĩ đến sự sinh sôi, nảy nở, đến tuổi trẻ. Tôi viết bài hát này khi còn trẻ. Mùa Xuân là vĩnh viễn, luôn là biểu tượng của tuổi trẻ, trong đó gắn với sự dựng xây. Mùa Xuân với công trình mới dường như cũng là một khái niệm gắn bó với nhau”.
Mỗi một ca khúc viết về mùa xuân đều được khai thác ở những khía cạnh khác nhau, những lát cắt cuộc sống khác nhau nhưng hầu như tất cả những ca khúc viết về mùa xuân đều khiến người nghe thêm yêu cuộc sống. “Mùa xuân gọi”, “Tạm biệt chim én” của nhạc sĩ Trần Tiến là tiếng nói tươi trẻ nhưng cũng đi vào chiều sâu của tâm hồn. “Một nét ca trù ngày xuân” của nhạc sĩ Nguyễn Cường, “Hơi thở mùa xuân” của nhạc sĩ Dương Thụ, “Lời tỏ tình của mùa xuân” của nhạc sĩ Thanh Tùng, “Hoa cỏ mùa xuân” của nhạc sĩ Bảo Chấn, “Thì thầm mùa xuân” của nhạc sĩ Ngọc Châu... đều là cách hòa quyện giữa tình yêu với thiên nhiên. Không gượng ép, không khô cứng, sự đắm say trong hơi thở, trong vòng tay của tình yêu làm cho người thưởng thức càng khát khao, càng quý trọng, thêm cuộc sống.