(VOV5) - Tôi nghĩ rằng thế mạnh của mình chính là áp dụng những hiểu biết về âm nhạc dân gian để đưa vào các tác phẩm đương đại kể cả của phương Tây, và tôi cố gắng khai thác triệt để các tác phẩm Việt Nam.
Hiện đang theo học chương trình Tiến sỹ tại trường Đại học Bắc Texas – Hoa Kỳ, Nghệ sĩ sáo Flute Lê Thư Hương cũng xuất hiện thường xuyên với vai trò nghệ sỹ độc tấu, hòa tấu và trong dàn nhạc giao hưởng với các buổi hòa nhạc, liên hoan âm nhạc quốc tế uy tín tại nhiều nước trên thế giới. Nói về học trò của mình, nghệ sĩ sáo quốc tế James Scott đã dành cho cô những lời nhận xét đầy tâm huyết: “Nghệ thuật trình diễn của Lê Thư Hương mang đến sự ấm áp và chân thật qua phong cách biểu diễn đầy cảm xúc đến tuyệt vời, khả năng điều khiển cây sáo điêu luyện chứa đựng những thanh âm đẹp và một kỹ thuật dày dặn”.
Nghệ sĩ Lê Thư Hương
|
Nghe âm thanh chương trình tại đây:
BTV: Chào nghệ sĩ Lê Thư Hương. Được biết hiện nay chị đang theo học tiến sĩ tại Mỹ, nhưng luôn giữ sự kết nối đặc biệt với khán giả Việt Nam?!
Nghệ sĩ Lê Thư Hương: Chào quý thính giả. Hiện tại tôi đang làm nghiên cứu sinh tại Mỹ nhưng lúc nào cũng đau đáu nghĩ về Việt Nam và cách tốt nhất để giữ liên lạc thường xuyên, để được làm nghề và cũng là trách nhiệm của mình trong sự nghiệp biểu diễn là luôn giữ sự tương tác và giao lưu thường xuyên với khán giả, đặc biệt là khán giả quê nhà. Đó là lý sao với lịch làm việc và học tập dày đặc tại Mỹ nhưng tôi luôn dành thời gian trong mỗi dịp hè để về nước, giao lưu và gặp lại các khán giả trên quê hương.
BTV: Học nhạc cụ phương Tây nhưng lại muốn khai thác yếu tố dân tộc, truyền thống của người Việt Nam. Làm thế nào để thể hiện khí chất, tinh thần của người Việt. Đó là cái khác với người phương Tây, thông qua nhạc cụ của họ?
Nghệ sĩ Lê Thư Hương: Lợi thế của tôi chính là tôi là người Việt. Tôi chơi nhạc cụ phương Tây và phần lớn là đánh các tác phẩm phương Tây. Nhưng khi trình diễn tôi cố gắng khai thác yếu tố dân tộc và khí chất VN thì đã có sẵn trong mình rồi. Đặc biệt đối với tôi, cái riêng của mỗi nghệ sĩ chính là bản sắc dân tộc có trong mình, màu sắc riêng với những yếu tố dân gian, âm nhạc Việt Nam đã tự nhiên sẵn trong mình rồi. Khi dùng nhạc cụ phương Tây là cây sáo flute và trình diễn các tác phẩm Việt Nam thì đương nhiên tôi có nhiều lợi thế vì mình hiểu cội nguồn văn hóa dân tộc, hiểu kết cấu màu sắc trong âm nhạc dân gian, qua đó thể hiện tác phẩm sẽ ra chất Á Đông hơn nhiều so với các nghệ sĩ phương Tây. Tôi cũng nghĩ yếu tố quan trọng và tiên quyết để khẳng định cái tôi của mỗi nghệ sĩ chính là màu sắc riêng, tiếng nói riêng trong sự thể hiện âm nhạc của mỗi người. Chính vì thế tôi nghĩ rằng thế mạnh của mình chính là áp dụng những hiểu biết về âm nhạc dân gian để đưa vào các tác phẩm đương đại kể cả của phương Tây, và tôi cố gắng khai thác triệt để các tác phẩm Việt Nam, biểu diễn các tác phẩm đó trong càng nhiều dịp càng tốt, cũng là để quảng bá văn hóa Việt Nam, để công chúng biết nhiều hơn đến những tác phẩm của Việt Nam.
BTV: Khi Thư Hương biểu diễn các tác phẩm Việt Nam ở nước ngoài, công chúng đón nhận như thế nào?
Nghệ sĩ Lê Thư Hương: Lần gần nhất, trong một chương trình riêng của Thư Hương tại trường Đại học Bắc Texas, tôi có trình diễn một tác phẩm Việt Nam dành cho sáo flute, sáo anto-flute, đàn Harp của tác giả Phan Quang Phục – người Đà Nẵng đã sang Mỹ định cư từ lâu. Tác phẩm của anh là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các thủ pháp âm nhạc phương Tây và các chất liệu âm nhạc dân gian Việt Nam. Trong chương trình đó tôi có đánh 4 tác phẩm gồm 3 tác phẩm phương Tây và 1 tác phẩm Việt Nam. Sau đó phản hồi ca khán giả đều thích nhất tác phẩm âm nhạc Việt Nam. Bởi vì đối với nhiều người, đây là lần đầu tiên họ có cơ hội thưởng thức một tác phẩm khác ngoài các giáo trình và những kho tàng tác phẩm phương Tây. Vì vậy họ rất lạ lẫm vì âm nhạc phương Đông trong suy nghĩ của họ vốn gắn với âm nhạc ngũ cung, nhưng trong tác phẩm của tôi trình diễn hôm đó thì lại dùng sáo flute và đàn Harp là loại đàn rất đặc trưng của âm nhạc phương Tây. Tên tác phẩm là Chuyện tình Mỵ Nương. Khi tiếng sáo cất lên, khán giả có thể cảm nhận được những ai oán, đau khổ của Mỵ Nương trong tình yêu. Những lúc Mỵ Nương tự sự, tiếng sáo rất giống tiếng hát của con người. Cũng có lúc nó mang âm hưởng sáo trúc là loại nhạc cụ phổ biến của Việt Nam. Bên cạnh đó cái đàn Harp được tượng hình và tượng trưng cho cây đàn tranh của Việt Nam, với hình ảnh Mỵ Nương ngồi đó đàn và hát. Đối với bản thân những người nghệ sĩ là tôi và nghệ sĩ đàn Harp người Ba Lan đang học nghiên cứu sinh tại Mỹ, khi chúng tôi khai thác tác phẩm cũng cảm thấy rất thú vị và ngạc nhiên bởi sự tài tình của tác giả khi kết hợp được các yếu tố đó. Chính vì vậy chúng tôi đã tìm tồi, khai thác và phát triển các yếu tố đó để khi nó ra thành âm thanh, nó vẫn giữ được hồn Châu Á đồng thời đảm bảo được những kỹ thuật và những đòi hỏi khắt khe của âm nhạc phương Tây.
BTV: Thường xuyên biểu diễn với vai trò của một nghệ sỹ độc tấu, hòa tấu và trong dàn nhạc giao hưởng. Một nghệ sĩ chơi nhạc cụ, lại là kèn flute- để trở thành một nghệ sĩ solo chắc hẳn là hành trình khó khăn?
Nghệ sĩ Lê Thư Hương: Cũng phải trải lòng rằng tôi rất tự hào và hạnh phúc vì với công sức, khổ luyện bỏ ra rất nhiều để có được trình độ vào vai trò nghệ sĩ solo với dàn nhạc 80 người biểu diễn trong 20-30 phút trước khán giả - đó cũng là sự thử thách lớn đối với các nghệ sĩ. Tôi may mắn được mời biểu diễn với các dàn nhạc lớn ở trong và ngoài nước. Tôi nghĩ mỗi thể loại âm nhạc đều có lượng khán giả riêng, những người hiểu, trân trọng và yêu thích – là động lực để chúng tôi làm nghề. Hơn nữa bây giờ có nhiều tín hiệu đáng mừng vì có nhiều nghệ sĩ – trong đó có tôi – luôn muốn kết hợp để tạo sự cân bằng trong mỗi chương trình. Ví dụ như chương trình Nguyệt Hạ mà tôi và nghệ sĩ hát Giang Trang và nghệ sĩ guitar Lê Thu đã làm 2 năm trước. Chúng tôi coi hát là một nhạc cụ, 3 người có vai trò tương đương nhau nên phần hát không bị khai thác từ đầu đến cuối như trong các chương trình khác. Khán giả cũng rất thích thú với sự cân bằng đó vì họ được thưởng thức các phân đoạn với sáo – guitar và hát đan xen, hòa quyện. Hoặc tour Mỹ Linh sắp tới mà tôi tham gia, cũng có sự kết hợp của dàn nhạc, vừa semiclasic mà cũng vừa clasic, trong đó có các nhạc cụ dây, kèn, trống… Nó là sự kết hợp mà theo tôi sẽ rất ăn ý giữa ban nhạc điện tử và dàn nhạc cổ điển. Các nhạc sĩ và các nghệ sĩ sẽ tận dụng tối đa các yếu tố khác nhau và giống nhau giữa các thể loại âm nhạc khác nhau để đem đến sự thú vị cho khán giả.
BTV: Xin cảm ơn nghệ sĩ Lê Thư Hương.