Nhạc sĩ Huy Trân: Còn mãi những khúc ca dành cho tuổi thơ

(VOV5) - Nhạc sĩ Huy Trân đã đi xa, nhưng những tác phẩm âm nhạc của ông mãi còn đó – trong những khúc ca trẻ thơ trong veo, đầy ắp niềm yêu cuộc sống này.

Thêm một tin buồn cho người yêu nhạc Việt, khi mới đây Nhạc sĩ Huy Trân qua đời do tuổi cao, hưởng thọ 87 tuổi. Cả cuộc đời gắn bó với sáng tác và nghiên cứu âm nhạc, nhạc sĩ Huy Trân được người yêu nhạc thương mến gọi là “nhạc sĩ của tuổi thơ”, khi ông sở hữu gia tài rất nhiều giải thưởng cho các nhạc phẩm thiếu nhi của mình.

Nhạc sĩ Huy Trân: Còn mãi những khúc ca dành cho tuổi thơ   - ảnh 1Nhạc sĩ Huy Trân

BTV Bảo Trang sẽ cùng quý vị nghe lại một số ca khúc của nhạc sĩ Huy Trân, những ca khúc mãi khắc ghi trong ký ức của rất nhiều người Việt.

Nghe âm thanh chương trình tại đây:

 

Ca khúc Bầu trời này, mặt đất này là ca khúc đã để lại dấu ấn trong sự nghiệp âm nhạc của nhạc sĩ Huy Trân, được ông phổ nhạc từ bài thơ Thiếu nhi và hòa bình của nhà thơ Diệp Minh Tuyền. Năm 1979 được UNICEF lấy làm năm Quốc tế Thiếu nhi và một cuộc thi những ca khúc thiếu nhi được tổ chức tại Thụy Điển, thu hút hàng trăm quốc gia tham dự. Bài hát Bầu trời này, mặt đất này đã lọt vào danh sách 24 ca khúc thiếu nhi quốc tế hay nhất và đoạt giải.

Phần lời thơ đầy ý nghĩa của nhà thơ Diệp Minh Tuyền, phần âm nhạc đậm chất dân gian của nhạc sỹ Huy Trân và phần phối khí do nhạc sỹ Quang Khải thực hiện vang lên qua giọng hát của các bạn thiếu nhi trong đội Sơn Ca:“Hãy bay đi những đám mây đen - Hãy im đi những tiếng bom rền - Em cần bầu trời xanh trong sáng - Em cần mặt đất bình yên…” đã trở thành một niềm vinh dự lớn lao cho Tổ quốc, vinh dự cho các nghệ sỹ Việt Nam.

Là một nhà sưu tầm và nghiên cứu âm nhạc dân gian nhiều năm, nhạc sỹ Huy Trân đã thuộc như nằm lòng các thể loại âm nhạc của từng vùng đất Việt Nam, từ Bắc bộ cho tới Trung bộ, Trung Nam bộ, rồi cả Nam bộ. Trong các sáng tác của mình, ông thường vận dụng một cách linh hoạt, mềm mại những chất liệu âm nhạc đó, đưa hồn cốt nhạc Việt vào những bài hát của mình, đồng thời giúp các bài hát trở nên gần gũi hơn với các em thiếu niên, nhi đồng. Bài hát “ Gà gáy” do ông sáng tác dựa theo dân ca Cống Khao với lời ca giản dị như “Con gà gáy le té le te rồi ai ơi...” được nhiều em nhỏ trên khắp Việt Nam yêu thích.

Đó là năm 1960, nhạc sĩ trẻ Huy Trân về công tác tại Ban Nghiên cứu âm nhạc thuộc Vụ Nghệ thuật, Bộ Văn hóa, nơi ông công tác suốt 20 năm. Hai mươi năm sưu tầm, nghiên cứu các loại nhạc cụ của các dân tộc nên ông đã hoàn thành nhiều công trình có giá trị như tập sách “Nhạc khí dân tộc Việt Nam và tính năng của nó” hay tiểu luận “Đàn bầu Việt Nam”, tiểu luận này được dịch sang tiếng Anh và tiếng Pháp.

Nhưng đáng chú ý nhất là lần lên xã Nậm Khao, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Chỉ mươi ngày “nằm” ở bản Bô Lếch mà anh cán bộ nghiên cứu dân ca trẻ đã “say đắm” những điệu hát, những câu hát do mấy chị mấy em người dân tộc Cống Khao hát lúc vui vầy. Vậy là Huy Trân cặm cụi suốt mấy buổi để nghe hát đi hát lại rồi ghi thành những nốt nhạc. Bản nhạc được hình thành và những ca từ do Huy Trân viết dựa trên giai điệu của lời hát cũng từ đó tuôn chảy. Chỉ mấy câu đơn giản nhưng nó đã đem lại niềm hứng khởi vui tươi mới mà lại vẫn rất Cống Khao. Và cho đến nay, Con gà gáy le té vẫn được các em nhỏ yêu mến, và được chọn in trong sách giáo khoa âm nhạc lớp 3. Cùng với đó, ông còn có bài Hòa bình cho bé in trong sách giáo âm nhạc khoa lớp 1 và bài Hãy cho em bầu trời xanh in trong sách giáo khoa âm nhạc lớp 5.

Nhạc sĩ Huy Trân quê gốc ở xã Phù Đổng ngoại thành Hà Nội, nhưng các cụ đã lưu lạc rồi định cư ở thành Nam từ hai đời trước. Ông được sinh ra và lớn lên ở Nam Định. Khi trở về Thủ đô, Huy Trân học lớp trung cấp ngắn hạn đào tạo cán bộ âm nhạc do Bộ Văn hóa mở và ở lại trường làm giáo viên theo kiểu người học trước dạy lại cho người học sau. Mấy năm “làm thầy” đáng nhớ ấy, ông đã có những “học trò lớn” như ca sĩ Tường Vi, nhạc sĩ Trần Trương… đó là những năm 1955 – 1959. Sau này, ông công tác tại Viện Âm nhạc từ năm 1960 – 1980 và chặng đường công tác cuối của ông là khi ông về Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội làm biên tập viên âm nhạc cho đến khi nghỉ hưu năm 1996. Thời gian này ông ít sáng tác nhưng mấy trăm bài viết cho chương trình “Câu chuyện âm nhạc” lại đem lại cho ông sự cảm mến từ bạn nghe đài.

Bên cạnh đó, nhạc sĩ Huy Trân còn có các công trình nghiên cứu tiêu biểu như: Tiểu luận và sách nghiên cứu âm nhạc dân gian cổ truyền tiêu biểu: Đàn bầu Việt Nam, Các nhạc khí dân tộc Hà Nhì, Một số hình thức hòa tấu nhạc tài tử Nam Bộ, Nhìn qua kho tàng nhạc khí Việt Nam, công trình nghiên cứu Nhạc khí dân tộc Việt Nam biên soạn cùng với Lê Huy.

Giờ đây, khi nhạc sĩ Huy Trân đã đi xa, nhưng những tác phẩm âm nhạc của ông mãi còn đó – trong những khúc ca trẻ thơ trong veo, đầy ắp niềm yêu cuộc sống này.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác