Vào dịp kỉ niệm ngày thương binh liệt sỹ 27/7 năm nay, nhạc sĩ Nguyễn Bá Hùng chính thức cho ra mắt Tổ khúc Làng bên sông – một tác phẩm kể lại hình ảnh người lính bằng âm nhạc rất xúc động. Với lời ca da diết, trữ tình, giai điệu bi hùng, Nguyễn Bá Hùng cho biết, anh đã dành tới 3 năm để hoàn thành Tổ khúc Làng bên sông, vừa là lời tri ân, vừa là chút tình mà người nhạc sĩ trẻ muốn bày tỏ để xoa dịu nỗi đau mất mát của những gia đình có liệt sĩ đến nay chưa trở về.
PV: Thưa Nhạc sỹ Nguyễn Bá Hùng, Tổ khúc "Làng bên sông" đã được anh viết trong vòng 3 năm. Chắc hẳn anh đã gửi gắm rất nhiều suy ngẫm và tình cảm trong đó?
Nhạc sĩ Nguyễn Bá Hùng: Tổ khúc Làng bên sông tôi đã viết trong một thời gian rất dài, có thể nói là dài suốt từ khi tôi mới tập viết nhạc cho tới bây giờ. Trong suốt 3 năm, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về những câu chuyện, về cách lựa chọn ca từ, cách phát triển giai điệu. Đối với một người không học về chuyên ngành sáng tác thì việc lựa chọn ca từ và phát triển giai điệu đối với tôi không dễ chút nào. Nhất là với một đề tài đặc biệt, với cách đặt vấn đề câu chuyện một cách đặc biệt, thì đó là một nội dung khó khiến tôi phải trăn trở. Tôi luôn tự khắt khe với bản thân mình trước, mình phải thấy hài lòng với tác phẩm trước, rồi sau đó mới gửi bản nháp đầu tiên của tác phẩm để nhờ người khác góp ý.
Trong 3 năm ấp ủ tác phẩm này, đã có lúc tưởng chừng như tôi đã bỏ cuộc vì thấy bế tắc trong suy nghĩ, không thể tìm cách nào đó để tiếp tục những giai điệu, những ca từ... Nhưng đến khi nghĩ về những liệt sỹ đang còn nằm lại trong lòng đất mẹ, giữa những cánh rừng hay một nơi nào đó trên đất nước Việt Nam hay cả ở nước bạn. Tôi rất thương các anh, và cố gắng hoàn thành ca khúc. Và khi viết xong bản hoàn chỉnh, tôi vẫn còn tiếp tục suy nghĩ thêm mấy tháng trời để điều chỉnh trước khi phát hành. Với rất nhiều thời gian và tâm huyết dành cho tác phẩm này, tôi hy vọng tác phẩm này có thể đến được với nhiều công chúng yêu nhạc, và đặc biệt là với những gia đình có thân nhân đã hi sinh vì đất nước.
PV: Tôi đã được nghe nhiều ca khúc của Bá Hùng viết về đề tài người lính, nhưng một Tổ khúc thì lại là điều hoàn toàn khác. Nó rất mới mẻ và bất ngờ. Vậy tại sao là 1 tổ khúc chứ không phải 1 ca khúc?
Nhạc sĩ Nguyễn Bá Hùng: Từ “tổ khúc” hiện nay ít khi mọi người dùng, chỉ có thông dụng với âm nhạc cổ điển. Tại sao lại là một “tổ khúc” chứ không phải “ca khúc”? Xét về cấu trúc, một “tổ khúc” có nhiều đoạn, nhiều khúc nhỏ. “Khúc” là một hình thức tồn tại đơn chiếc, còn “tổ khúc” thì là gộp lại của nhiều “khúc” – hiểu nôm na là như vậy. Ban đầu tôi không tính toán là mình sẽ viết “tổ khúc”, thậm chí là dù đã được học về các cấu trúc, hình thức, thể loại... nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ viết trường ca hay một tổ khúc. Việc tôi viết tổ khúc là một sự ngẫu nhiên, hay một hướng đi trong hành trình khám phá chính bản thân mình. Tôi định viết một ca khúc nhưng rồi sau đó tâm hồn mình rộng mở, phát triển thêm những ý tưởng mới và dần dần tác phẩm hình thành, cứ lớn dần lớn dần và vượt ra ngoài cấu trúc của một ca khúc thông thường, và cuối cùng là cho ra đời một tổ khúc. Và khi nói về tác phẩm này, tôi cũng xin gửi lời cảm ơn nhạc sĩ Đạt Kìm là người đã chia sẻ và hướng dẫn tôi. Anh đã sửa cho tôi khi tôi đang bị cảm giác bế tắc không biết viết tiếp theo hướng nào. Anh Đạt Kìm đã định hướng và đưa tôi trở lại với sự tự tin để tiếp tục hành trình tiếp tác phẩm này.
Nhạc sĩ Nguyễn Bá Hùng (phải) và ca sĩ Đào Mác |
Chung quy lại, Tổ khúc Làng bên sông không phải cái gì quá đặc biệt và mới mẻ với âm nhạc thế giới, nhưng với âm nhạc đại chúng tại VN hiện nay thì Tổ khúc gần như không còn được nhắc đến nữa. Tuy nhiên, theo tôi nghĩ, để kể về truyền thống đấu tranh, lịch sử hào hùng của cha ông thì dù có 1 hay 100 tổ khúc cũng không thể nào kể hết. Dù có 100 hay 1.000 bài ca thì cũng không thể nào kể hết những trận đánh, những hi sinh, đau thương, mất mát của cả dân tộc VN trong quá trình chiến đấu với giặc ngoại xâm để bảo vệ nền hòa bình và độc lập toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc.
PV: Anh vẫn sẽ theo đuổi đề tài này chứ?
Nhạc sĩ Nguyễn Bá Hùng: Tôi đã, đang và sẽ tiếp tục theo đuổi đề tài này. Từ một cái duyên cớ tự nhiên nào đó mà đã khiến tôi mong muốn viết về đề tài người chiến sĩ công an nhân dân và người lính bộ đội Cụ Hồ. Cùng với đó là những tác phẩm viết về quê hương, về người mẹ, về các đề tài xã hội như người lao công, người lái xe... Những đề tài đó khi tôi viết, tôi cảm thấy như mình đang đóng góp một phần trách nhiệm của người trẻ đối với xã hội, vì những bài hát đó phản ánh góc nhìn của người trẻ tôn trọng lịch sử, tôn vinh những giá trị mà những người đi trước đã tạo ra. Nhờ những đóng góp đó mà chúng ta có được đất nước hòa bình, phát triển thịnh vượng như bây giờ. Thứ hai, những tác phẩm đề tài xã hội đó muốn nói với mọi người rằng mỗi người chúng ta đều có một vai trò nhất định trong xã hội. Dù làm bất kỳ ngành nghề nào thì chúng ta đều phải tôn trọng nghề nghiệp của nhau. Có như thế chúng ta mới nhìn thấy được bức tranh chung của xã hội được cấu thành từ nhiều thành phần, thêm yêu những người xung quanh, và từ đó hình thành một xã hội mà trong đó tình yêu thương là cốt lõi. Dựa trên mối quan hệ đó mà đời sống của chúng ta sẽ vui tươi, tốt đẹp và hạnh phúc hơn.
PV: Vâng, xin cảm ơn nhạc sỹ Nguyễn Bá Hùng!