Nhạc sĩ sáng tác phải hướng người nghe đến tính chuyên nghiệp

(VOV5) - Nhắc tới nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc, công chúng không chỉ biết tới ông qua những ca khúc như: Trăng chiều, Ru con mùa đông, Phác thảo mùa Thu, mà ông còn được biết tới là một nhạc sĩ viết nhiều và sung sức ở mảng âm nhạc giao hưởng - thính phòng. 


 Nhạc sĩ sáng tác phải hướng người nghe đến tính chuyên nghiệp - ảnh 1
Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc chỉ đạo dàn hợp xướng


Nghe âm thanh bài viết tại đây: 


Ông đã xuất bản Tập 10 tác phẩm cho hợp xướng không nhạc đệm A capella và đặc biệt là Tuyển chọn 60 romances và ca khúc cho giọng hát và piano. Trò chuyện với nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc ông cho biết: “Ở Việt Nam, thường thì bài hát là người đệm piano tự đệm chứ ít có phần bài đệm của tác giả viết. Tôi là người chơi piano và cũng lại là người sáng tác, đã có nhiều năm đệm cho khoa thanh nhạc của Học viện âm nhạc rất nhiều bản romance của thế giới nên tôi nghĩ đã sáng tác là tôi phải viết cả phần piano nữa. Tôi đã xuất bản tuyển tập 60 bài ca khúc cho giọng hát và piano. Đấy là một sự chuyên nghiệp hóa thanh nhạc”.

 

Cùng với hàng trăm tác phẩm thanh nhạc, nhạc giao hưởng, thính phòng, nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc còn nổi tiếng là người viết và đạt nhiều giải thưởng âm nhạc cho điện ảnh, sân khấu như: Ngõ hẹp,Người đàn bà nghịch cát,Tướng về hưu, Người đàn bà bị săn đuổi,Dòng sông hoa trắngĐêm Bến Tre... Tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 13(Năm 2011), ông đã giành cả hai giải âm nhạc xuất sắc nhất cho phim nhựa Mùa ổi và phim video Nắng chiều. Đặc biệt ông là người giành giải “Kim Tước” cho nhạc phim xuất sắc nhất tại Liên hoan Phim quốc tế Thượng Hải lần thứ 8 (năm 2005) cùng một số giải thưởng khác ở trong nước. Ông cũng đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật năm 2012.

 

Trong suốt mấy chục năm qua, nhiều tác phẩm của nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc đã được các nghệ sĩ Việt Nam trong đó có NSND Đặng Thái Sơn và cả các nghệ sĩ thế giới lựa chọn biểu diễn và thu đĩa CD, DVD. Gần đây nhất là tác phẩm Trống cơm của ông đã được nghệ sĩ Hoài Xuân cùng các nghệ sĩ Romania chọn biểu diễn trong chương trình xuyên Việt. Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc không dấu nổi xúc nói: “Ban đầu tác phẩm Trống cơm tôi viết cho piano và nhạc sĩ Đặng Thái Sơn đã biểu diễn ở nhiều nước, sau đó các nghệ sĩ Hồng Quang, Quang Trung cũng đã biểu diễn tại Ba Lan. Tôi cũng đã chuyển soạn cho dàn nhạc giao hưởng và sau này tôi có viết lại cho một nhóm các nghệ sĩ Cello. Họ là những người bạn đã từng học ở Học viện âm nhạc Quốc gia nhưng nay đã không còn làm nghề nữa, nhưng họ tập hợp nhau lại và chơi nhạc nên họ chơi cũng chưa đạt được như ý đồ tôi viết. Rồi gặp Hoài Xuân có đề nghị và tôi rất vui vì khi nghe các nghệ sĩ quốc tế chơi thì mới đúng được sắc thái, tình cảm và cả tốc độ mà tôi mong muốn thể hiện trong các phẩm. Đây thực sự là một sự hữu duyên. Ở tác phẩm Trống Cơm, tôi khai thác tối đa những kỹ thuật của đàn Cello và tìm những âm lạ trên đàn để khai thác tạo nên những sắc thái mới mẻ cho tác phẩm”.

 

Lần đầu tiên đến Việt Nam và biểu diễn tác phẩm âm nhạc Việt Nam trong tour diễn xuyên Việt, nghệ sĩ Ella Bokor – romania xúc động nói: "Lần đầu tiên được chơi một tác phẩm Việt Nam ở chính đất nước Việt Nam, Ella cảm thấy rất vinh hạnh. Mặc dù không hiểu hết ý nghĩa của tác phẩm, nhưng qua giai điệu của tác phẩm,  qua cách chơi đàn và những gì từ âm nhạc mà Ella cảm nhận thì Alla hiểu được rằng âm nhạc phản ánh một phần nào đó về đất nước, con người Việt Nam. Trước khi đến Việt Nam, tôi cũng đã tìm hiểu về Việt Nam qua tranh ảnh trên internet, nhưng khi đến đây thì rất thích bởi phong cảnh đẹp, con người thân thiện và tôi sẽ còn phải khám phá nhiều hơn nữa trong những ngày ở Việt Nam”.

                                                        

Với nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc, dù viết ở thể loại nào thì giai điệu cũng được ông đề cao trong lối tư duy sáng tạo của mình. Trong sáng tác của mình, bên cạnh những tác phẩm khí nhạc đòi hỏi học thuật cao, ông sáng tác nhiều ca khúc, nhưng là những ca khúc nghệ thuật (romance) để hướng người nghe âm nhạc có tính chuyên nghiệp. Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc cho rằng: “Khí nhạc đối với người Việt Nam vẫn là một thể loại khó nghe. Viết bài hát có lời thì người nghe cảm nhận từ lời sang âm nhạc sẽ dễ nghe hơn vì người ta dựa vào lời để tưởng tượng. Nếu chỉ phần âm nhạc thì người ta chưa có thói quen tưởng tượng. Năm 1986 tôi có viết tập ca khúc trải dài theo năm tháng như mùa hè có Tình ca mùa hè, Mùa thi năm ấy. Hay mùa Xuân có Ru con trong mưa mùa Xuân, Tình ca mùa Xuân. Mùa Thu có 7 đến 8 bài như Hoài niệm mùa Thu, Mùa Thu sang, Phác thảo mùa thu, Mùa thu ước mong.

Phản hồi

Các tin/bài khác