(VOV5) - Ngóng về quê xa, những sáng tác mới của Trần Lệ Giang đều đầy ắp những cảm xúc nhung nhớ...
Khi nhắc tới tên tuổi nhạc sỹ Trần Lệ Giang, người yêu nhạc sẽ nhớ ngay những tác phẩm của bà đã đi vào tâm hồn biết bao người Việt. Đó là Đất nước tình yêu với “mây xám bay chỉ còn ánh trăng ngà; và khi chúng ta yêu nhau, chẳng kẻ thù nào là con tim ta yếu mềm”; Hay đó là Ước mơ xanh với “Vườn ươm mến yêu ơi, sớm chiều em say sưa / Những búp non tươi đẹp rực trong nắng mai hồng”... Những ca khúc ra đời từ những năm 80, khi tác giả mới chỉ là một cô sinh viên của Nhạc viện Hà Nội, và mãi sau này vẫn có một đời sống rực rỡ trong lòng khán giả.
Nhạc sĩ Trần Lệ Giang |
Nhạc sỹ Trần Lệ Giang hiện đang định cư tại Scotland. Sau những thăng trầm của cuộc sống, bà đã trở lại với âm nhạc – niềm đam mê mà bà tâm sự rằng chưa bao giờ vơi cạn. Trong chuyên mục Giai điệu quê hương hôm nay, BTV Bảo Trang sẽ giới thiệu với quý vị chùm 5 ca khúc mang đậm âm hưởng dân ca của nhạc sỹ Trần Lệ Giang.
Nghe âm thanh chương trình tại đây:
Chùm 5 ca khúc của nhạc sĩ Trần Lệ Giang:
- Chốn đi về (mang một thoáng chất ả đào)
- Em đi hội xuân (âm hưởng chèo, làn điệu lới lơ)
- Mượn một thoáng chèo (âm hưởng chèo, làn điệu đào liễu)
- Ký ức dòng Tiêu Tương (kết hợp âm hưởng nhiều làn điệu quan họ)
- NGÓNG VỀ QUÊ MẸ (kết hợp âm hưởng nhiều làn điệu quan họ)
"Với tuổi đã về chiều, lại ở xa xứ, các sáng tác mới sau này khi quay lại với âm nhạc của tôi hầu như là những nỗi niềm cảm xúc thương nhớ về cội nguồn. Có những lúc nỗi nhớ thương ấy, những ký ức tuổi thơ êm đềm ấy tràn về rất rõ ràng, làm cho lòng mình ngẩn ngơ, đi tới đi lui, ra ngó vào trông như lạc về chốn cũ. Chợt nhớ một làn điệu quan họ “Ra ngõ mà trông”, bỗng thấy sao mà giống mình đến vậy. Tôi lại ngồi vào đàn, mượn âm hưởng của làn điệu ấy để viết ra những dòng hồi tưởng những tháng ngày êm đềm thuở xưa. Viết mà lòng bồi hồi rưng rưng nhớ về cha mẹ.
Cảm ơn hai ca sĩ Đỗ Tố Hoa và Vũ Minh Vương, cùng nhạc sĩ phối khí Dương Đức Thụy đã cùng tôi đồng hành đưa những người con xa quê về với cội nguồn. Tiếng sáo trúc của nghệ sĩ Ngọc Tú đã làm cho quãng đường của cuộc hành trình như ngắn lại. Tôi ngỡ như mình đã tới đầu làng khi nghe tiếng sáo chơi vơi, réo rắt. Xin mời mọi người cùng nghe ca khúc “Ngóng về quê mẹ”.
"Tôi sẽ cố gắng tiếp tục viết thêm những ca khúc theo lối dân gian đương đại, với hình thức thể hiện mới mẻ hơn, hấp dẫn và có chiều sâu" |
"Có ai đó nói là nếu phàm là người Việt Nam thì ai cũng phải biết đến những hình ảnh thân quen như cây đa, bến nước, sân đình, rặng tre, cánh cò, lời ru của mẹ... Và phải biết một vài làn điệu dân ca đặc trưng của dân tộc. Việt Nam có một kho tàng dân ca lâu đời và rất phong phú của các vùng miền khác nhau. Là người con của sông Hồng, tôi quan tâm nhiều đến ả đào, chèo và quan họ. Những ca khúc tôi viết gần đây đều được phát triển từ các làn điệu dân ca. Tôi sẽ cố gắng tiếp tục viết thêm những ca khúc theo lối dân gian đương đại, với hình thức thể hiện mới mẻ hơn, hấp dẫn và có chiều sâu. Tôi muốn góp phần giữ gìn các làn điệu dân ca của nền văn hóa truyền thống dân tộc".
“Chốn đi về” là tên bài thơ của thi sĩ Quang Nhật, một người anh của tôi, anh viết khi cảm tác trước bức ảnh tôi đang viết nhạc bên cây đàn mà tôi gửi về anh chị nhân dịp Giáng sinh cùng lời chúc an lành. Tôi rất thích thơ của anh, những vần thơ rất hay, tình cảm và sâu sắc. Trong bài có những câu như: Bản tình ca mây thả xuống quê nhà; hoặc Ngôi nhà cũ trong mơ mà có thực / Khúc ca em làm chốn để đi về... Tuyệt quá, xao động quá! Tôi đã xin phép anh được nhặt những tứ thơ ấy để viết ca khúc, và thế là ca khúc “Chốn đi về” đã được ra đời. Nó chính là cảm xúc rất thực của con người xa xứ như tôi nhớ về những năm tháng tuổi thơ nơi quê hương Bát Tràng của tôi mà đã rất lâu rồi tôi chưa về lại. Nhớ mái nhà thân thương, nơi đó có cha mẹ, anh chị em tôi quây quần bên bếp lửa khi đông về. Nhớ ánh trăng mùa hạ soi rọi khóm hoa quỳnh trước sân mà mẹ tôi trồng thuở đó. Nhớ từng con ngõ nhỏ, con đường về làng qua những triền đê có đầm sen, có cây gạo đầu làng. Tôi viết ca khúc này nhờ mây ngàn gió nhẹ gửi về quê nhà. Giai điệu trong bài có những quãng nốt mang âm hưởng ả đào được nghệ sĩ Đào Tố Loan thể hiện rất tuyệt vời. Cảm ơn nhạc sĩ phối khí Vũ Huyền Trung đã cho một bản hòa âm rất xao xuyến ân tình".