Nhạc sĩ Trần Tiến: Tôi thích du ca từ thiện hơn...
Bảo Trang -  
(VOV5) - Dù trải qua những khó khăn do căn bệnh ung thư vòm họng, nhưng âm nhạc vẫn luôn bên ông, trở thành nguồn sống để vượt qua bệnh tật.
Có thể nói, Trần Tiến là một cây đại thụ của nền âm nhạc đương đại Việt Nam. Ông được mọi người yêu mến bởi âm nhạc đậm chất đời, chất phiêu lãng, bởi phong cách du ca đầy ngẫu hứng của ông, với chiếc mũ nồi và cây đàn ghita quen thuộc. Ông không thuộc về những sân khấu được trang trí lộng lẫy sắc màu, mà thuộc về những điều gần gụi, bình dị nhưng sâu lắng. Ở đó, ông đã chạm tới những miền xúc cảm của người nghe. Và đến giờ, khi đã tránh xa khỏi ồn ào phố thị, ông vẫn cho ra đời những sáng tác mới cho riêng mình, và nghĩ về những điều thật bình dị.
Nhạc sĩ Trần Tiến |
Nghe âm thanh chương trình tại đây:
"Có lẽ vì tôi đã ở ẩn quá lâu nơi vùng biển Vũng Tàu hoang vắng, xinh đẹp. Và cũng có lẽ, đã nghe lời anh Trịnh Công Sơn khuyên khi ngồi uống rượu với anh: “Chúng mình hãy cố gắng viết nhiều bài hát tử tế tặng cuộc đời thôi, còn nên xa sân khấu và các cuộc gặp gỡ để được sống như một người bình thường”. Nếu không có đại dịch Covid-19 đẩy hàng triệu người vào cảnh thương tâm và xót xa, thì tôi đã không trở lại sân khấu cùng mọi người di hát an ủi và chia sẻ với các chiến sỹ áo xanh và bệnh nhân trong những thời gian vừa qua. Có lẽ vì thế, các bầu show đã phát hiện ra và đã đưa tôi trở lại gặp các bạn. Tôi vốn không thích bị áp lực khi phải hát một show bán vé, tôi thích hát du ca từ thiện hơn. Nhưng thôi đành, thời nay còn ai tổ chức du ca nữa đâu. Ban tổ chức đã hát lại bài ca cũ của tôi trước đây có tựa đề Hát cho cô bé không có tiền mua vé xem hát, mà bây giờ chính là bài Mặt trời bé con".
"Nhạc sỹ Nguyễn Cường thường nói, tôi sinh ra là để du ca. Thực ra tôi sinh ra từ một nhà giàu, do thời thế mà trắng tay. Tôi bị vứt vào đường phố, để một ngày thoát khỏi nghề cửu vạn theo một đoàn văn công mà hóa kiếp du ca.Nếu số phận không đẩy tôi vào cuộc chiến với cõi sinh - tử. Thì làm sao tôi biết đến lãng tử. Không đẩy tôi vào đời giang hồ, phiêu bạt thì làm sao tôi biết đến phiêu du".
Bảo Trang