(VOV5) - Các bài hát được giới thiệu: Hát từ đồng hoang, Tôi, sông là bến đò, Mai kia lòng độ lượng, Một sớm con về.
Nhạc sỹ Miên Đức Thắng được biết đến từ những năm 1965 – 1966 với tập ca khúc “Từ đồng hoang” phản đối chiến tranh, đòi lại hòa bình, tự do cho dân tộc. Năm 1989, ông chuyển sang sống và làm việc tại CHLB Đức, và chỉ khoảng hơn 10 năm sau, ông lại trở về Việt Nam, về với quê hương nghệ thuật để sáng tác.
Các bài hát được giới thiệu: Hát từ đồng hoang, Tôi, sông là bến đò, Mai kia lòng độ lượng, Một sớm con về.
Nhạc sỹ Miên Đức Thắng (Ảnh: petrotimes.vn)
|
Nghe âm thanh tại đây:
Những giai điệu và ca từ trong ca khúc “Hát từ đồng hoang” - một sáng tác của nhạc sỹ Miên Đức Thắng - chắc hẳn sẽ gợi lại trong tâm trí chúng ta một giai đoạn không thể nào quên của dân tộc, khi những sinh viên Sài gòn xuống đường biểu tình trong phong trào “Hát cho dân tôi nghe”. Năm 1967, tập nhạc "Hát từ đồng hoang" gồm 10 ca khúc của Miên Đức Thắng, khi ấy 23 tuổi, đã được Tổng hội sinh viên Sài Gòn ấn hành, tạo được hiệu ứng mạnh mẽ lan rộng trong cộng đồng… Những ca khúc phản chiến của Miên Đức Thắng đã để lại một tình cảm tinh khiết, bồi hồi, thúc giục trong lòng thế hệ học sinh - sinh viên đương thời. Năm 1969, tác giả Từ đồng hoang bị chế độ ngụy kết án 5 năm tù khổ sai biệt xứ… Và đến ngày hôm nay, gần nửa thế kỷ nhìn lại, ông tâm sự: "Khi đất nước chiến tranh tôi khát khao đất nước hòa bình nên có những bài hát như thế. Rồi khi đất nước hòa bình, còn nhiều khó khăn, tôi có dịp đi các nước văn minh giàu có, mình mong đất nước mình thoát khỏi nghèo khổ, tiếng chim thánh thót hơn, lòng người vui hơn, thì trong nhạc của mình cũng ra những ước mơ như vậy. Quê hương là nỗi ám ảnh không nguôi đối với tôi. Khi tôi ngồi trên 1 chuyến xe tân tiến, tôi lại nhớ đến quê hương với những con tàu còn rất cũ kỹ, và tôi mong đường sá rộng hơn, văn minh hơn cho người mình bớt khổ. Và từ nay cho đến cuối đời có lẽ tôi vẫn nghĩ là những người nào thương quê nhà cũng vẫn mong cho quê nhà tươi sáng, hạnh phúc hơn" .
Nhạc sỹ Miên Đức Thắng là người đa tài, hát hay và chơi thành thạo nhiều nhạc cụ như piano, keyboard, guitar, harmonica, mandolin… Ông chia sẻ, ngày còn bé, mỗi đêm có trăng và mưa thường mang đến những cảm xúc nhẹ nhàng và muốn hát lên… Cứ như thế, âm nhạc đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu để người nghệ sỹ không ngừng sáng tác và hát. Thời gian sống ở nước ngoài, ông cũng trải nỗi nhớ quê hương qua âm nhạc. Ông đã hát lên những ca khúc Việt Nam ở tất cả những nơi ông từng đi qua: Đức, Pháp, Bỉ, Thụy Sĩ, Hà Lan, Mỹ…
Giờ đây, khi sống giữa lòng quê hương, những xúc cảm nghệ thuật trong ông như được tìm về đúng cội nguồn của nó. Miên Đức Thắng giờ làm thơ, vẽ tranh, làm gốm, và tất nhiên, vẫn sáng tác nhạc. Và người nghệ sỹ ấy, không phải là người đàn ông đã bôn ba qua bao thăng trầm nơi xứ người, mà vẫn như chàng thanh niên trẻ trung, khí thế với một trái tim nồng nhiệt dành cho quê hương. Ông chia sẻ: "Đối với tôi, tác phẩm nghệ thuật bao giờ cũng có ý nghĩa về một đất nước, một con người, về một chu kỳ sống được tạo dựng lên ở trên đó. Tôi đã được sinh ra và lớn lên ở miền Nam, và được theo dòng những thăng trầm của lịch sử. Hồi nhỏ tôi đã được dạy rằng không có nơi nào đẹp bằng quê hương. Và quê hương dù thế nào vẫn là một dấu ấn của đời sống, tâm hồn mình. Khi nói “I come back home” - Tôi trở về nhà. Trong tiếng Anh “house” nghĩa là nhà, đất đá gạch vữa, nhưng “home” có nghĩa là quê hương, là nơi thiêng liêng. Đối với mỗi người đi xa trên thế giới đều hiểu rằng quê hương là cái có thật, và mỗi người đều muốn tìm được chính mình trên dòng sông đó".