(VOV5) - "Khi bỗng dưng một giai điệu vang lên trong đầu là khi mình biết rằng mình phải sáng tác"...
Nhạc sỹ Nguyễn Quang Long là một trong những cái tên được nhắc tới nhiều nhất khi nói tới âm nhạc truyền thống Việt Nam nói chung và nghệ thuật hát xẩm nói riêng. Trong gần 3 thập kỷ qua, anh cùng những cộng sự đã nỗ lực phục hồi và đưa nghệ thuật hát xẩm trở lại và quen thuộc với công chúng. Và mới đây, anh mang đến cho những người yêu nhạc một bất ngờ thú vị, khi cho ra mắt ca khúc “Mong ngày tương phùng” – một bản “dân ca đời mới” với giai điệu dễ nhớ, dễ thuộc. Ca khúc nói lên nỗi lòng của những chàng trai, cô gái về người mình thương với nét rạo rực, rộn ràng mùa xuân Kinh Bắc, khi các liền anh, liền chị háo hức đi trảy hội mỗi dịp đầu xuân.
Nhạc sỹ Nguyễn Quang Long |
Nghe âm thanh chương trình tại đây:
BTV Bảo Trang: Thưa nhạc sỹ Nguyễn Quang Long, trước giờ vẫn nghe nói anh là người gắn bó với xẩm, góp phần rất lớn trong việc hồi sinh xẩm, đưa xẩm gần hơn với thế hệ đương thời. Thế nên thật bất ngờ khi được đón nhận ca khúc Mong ngày tương phùng của anh trong những ngày gần tết nguyên đán năm nay!
Nhạc sỹ Nguyễn Quang Long: Với chính bản thân tôi cũng rất bất ngờ khi năm nay lại có món quà xuân – không phải một bài xẩm mà 1 ca khúc mang chất liệu dân gian Kinh Bắc để gửi tặng cho quý vị yêu nhạc. Ca khúc này đến với tôi rất tình cờ. Năm 2020, sau nhiều năm ăn Tết Hà Nội, tôi quyết định đưa gia đình về ăn Tết Kinh Bắc, cụ thể là thành phố Bắc Giang, nơi tôi được sinh ra và lớn lên. Trong không khí đặc biệt của ngày xuân Kinh Bắc, được đón Tết trên quê hương là 1 trong 49 làng quan họ cổ - bây giờ là phường Tương Giang, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Cha tôi cũng là một trong những hạt nhân văn nghệ của tỉnh Hà Bắc cũ, có nhiều bạn bè là các nghệ nhân, nghệ sỹ hát quan họ nổi tiếng vùng Kinh Bắc. Ngày còn thơ, tôi cùng bố thường đạp xe từ Bắc Giang xuống Bắc Ninh rồi về đến Từ Sơn, nên tôi có đầy ắp những kỉ niệm về miền Kinh Bắc trong tâm hồn. Có lẽ vì thế nên sau nhiều năm không ăn Tết ở quê, thì Tết năm đó đã cho tôi dạt dào cảm xúc để viết ca khúc Mong ngày tương phùng.
BTV Bảo Trang: Như anh nói, ca khúc này được viết cách đây 2 năm rồi mà giờ mới được ra mắt. Có phải vì anh không mặn mà với ca khúc bằng các bài xẩm hay không?
Nhạc sỹ Nguyễn Quang Long: Cũng không hẳn như vậy đâu. Tôi rất gắn bó với nghệ thuật hát xẩm, tự đặt trách nhiệm cho mình là phải đồng hành và vực dậy nghệ thuật hát xẩm cho đời sống tinh thần của chúng ta, nếu không thì sẽ ngắt đi một mạch nguồn, một di sản quý của dân tộc. Vì thế mà không phải một nhạc sỹ sáng tác nhưng tôi cũng đã tìm tòi để cho ra những bài xẩm mới, nối tiếp mạch nguồn truyền thống mà cha ông đã đã để lại. Chính vì thế mà quý vị sẽ thấy những bài xẩm rất quen thuộc. Đó là niềm hạnh phúc mà Quang Long luôn cảm thấy may mắn khi đã chọn nghệ thuật hát xẩm.
Tuy nhiên, hát xẩm không phải là tất cả phần tâm hồn của tôi. Tâm hồn tôi được vun đắp bởi nền âm nhạc dân gian và nền văn hóa phong phú của xứ Kinh Bắc gồm hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang ngày nay. Tôi luôn có những cảm xúc rất đặc biệt, nên lâu lâu lại sáng tác. Khi bỗng dưng một giai điệu vang lên trong đầu là khi mình biết rằng mình phải sáng tác, giống như khi tôi sáng tác bài Mong ngày tương phùng vậy. Nhưng tôi cũng gần như không nghĩ đến chuyện mình sẽ là một nhạc sỹ sáng tác ca khúc bởi vì tôi là nhà nghiên cứu, lý luận trong lĩnh vực phê bình âm nhạc. Tôi nghĩ tôi chỉ sáng tác cho vui thôi. Thế nhưng có lần, nhạc sỹ Giáng Son được tỉnh Bắc Giang mời viết một ca khúc, thì Giáng Son cũng muốn hai chúng tôi có 1 kỉ niệm dành cho Kinh Bắc. Vậy là Giáng Son gửi cho tôi phần âm nhạc mà cô ấy đã viết. Tôi thấy trong đó đã có chất dân gian rồi, chỉ cần thêm một vài luyến láy nữa để đủ chất Kinh Bắc hơn. Giáng Son cũng “ra đề bài” là muốn viết lời thế nào cũng được nhưng đầu bài và cuối bài phải có từ “Bắc Giang”. Giá trị nghệ thuật của vùng Kinh Bắc được tạo nên bởi chính nét đẹp của văn hóa, của những câu ca quan họ, vì thế mà tôi đã viết Về đây tình tang với: “Bắc Giang thêm nồng câu hẹn hò; Tháng Giêng ta lại về...”, nhưng cái quý nhất mà tôi nghĩ tạo nên văn hóa Kinh Bắc – đó là tình người, nên tôi đã viết “Đôi bên bác mẹ đã bằng lòng, cho nên duyên vẹn nghĩa vợ chồng. Tình ta ngọt hương trái vải thiều. Càng yêu miền quê đất linh thiêng...” Đó là vùng Kinh Bắc Thượng với không gian văn hóa rất độc đáo và đặc sắc của dân tộc VN chúng ta.
BTV Bảo Trang: Là những thử nghiệm, các ca khúc như Mong ngày tương phùng và Về đây tình tang cũng rất dễ thương, dễ cảm nhận, dễ thuộc, dễ tiếp cận. Anh có dự định sẽ tiếp tục sáng tác các ca khúc bên cạnh những bài xẩm?
Nhạc sỹ Nguyễn Quang Long: Nếu quý vị nghe Mong ngày tương phùng, Về đây tình tang hay một vài ca khúc nữa mà Quang Long sẽ giới thiệu trong năm 2024 thì sẽ luôn luôn là những ca khúc rất dễ thương, dễ cảm nhận, dễ thuộc, dễ tiếp cận. Bởi tôi đã học theo các cụ nghệ nhân từ xưa, sáng tác những bài dân ca rất đơn giản, dễ nhớ, dễ thuộc để hòa quyện vào trong tâm hồn của mọi khán giả, thuộc các lứa tuổi, nghề nghiệp khác nhau. Tôi sẽ tiếp tục giới thiệu những sáng tác mới, khai thác chất liệu dân gian để gứi tới công chúng yêu nhạc trong năm mới này.