Những bài ca mang dáng hình Tổ quốc

(VOV5) - Tổ quốc, quê hương, đất nước, những cụm từ ấy luôn hiện hữu và gợi lên niềm tự hào dân tộc và sự xúc động mạnh mẽ trong trái tim mỗi người. Hình ảnh lá cờ Tổ quốc và những danh lam thắng cảnh của quê hương đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho giới văn nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật. 

Những bài ca mang dáng hình Tổ quốc - ảnh 1

Nghe âm thanh tại đây:


Chủ đề về biển đảo, về quê hương, đất nước với những giai điệu trầm hùng, sâu lắng luôn được người yêu nhạc ghi nhớ để thêm hiểu, thêm yêu quê hương.  Đi cùng với đó, hình tượng lá cờ Tổ quốc cũng được nhắc tới nhiều trong các tác phẩm đi suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. Ở mỗi thời kỳ, hình tượng lá cờ lại được khắc ghi với những cung bậc cảm xúc khác nhau của người nghệ sĩ. Trò chuyện với nghệ sĩ trẻ Tạ Quang Thắng, anh cho biết:

"Lá cờ là điều mà ta bắt gặp hàng ngày. Những dịp lễ tết, 2/9, tất cả đường phố rợp cờ hoa rồi những hoạt động thể thao, giao lưu quốc tế, mọi người khoác trên mình lá cờ đi diễu hành rất là vui và đó còn là niềm tự hào dân tộc. Khi nhìn lá cờ mỗi người có một suy nghĩa khác. Riêng bản thân thì mình nghĩ đến cha mẹ, đến thế hệ những người đi trước đã phải hy sinh chống giặc ngoại xâm. Và những gì mình được nghe kể đấy là tinh thần của người Việt Nam, tinh thần của thanh niên đã vượt qua khó khăn vươn lên chiến thắng. So với sự khó khăn cuả các cụ ngày xưa thì mình chẳng là gì cả và mình phải tiếp tục vững bước đi tiếp để làm một điều gì đó và quan trọng hơn cả là mình tự hào vì có một thế hệ cha anh đi trước để mình tự hào tiếp bước. "                                                          

Âm nhạc có vài trò hết sức quan trọng trong đời sống xã hội. Nhiều tác phẩm âm nhạc ra đời, trở thành những biên niên sử bằng âm thanh tái hiện lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.Trong kháng chiến, mỗi bài ca như những câu chuyện ghi lại thời khắc lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước. Trong hòa bình và ngày nay, trong sự đi lên đất nước, âm nhạc có vai trò thúc đẩy sự  phát triển, hội nhập. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên cho rằng: " Nếu ngày xưa trước khi đất nước thống nhất,  đã có những phong trào tiếng hát át tiếng bom và ở những đô thị miền Nam có phong trào hát cho đồng bào tôi nghe. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ chủ quyền đất nước hôm nay, thì âm nhạc luôn gắn bó với đời sống. Âm nhạc luôn sẵn sàng vì đất nước để cống hiến".

Còn đối với nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, ông tâm niệm: "Tôi là một người lính, sự quan tâm của tôi đối với sự bình yêu của đất nước này rất là lớn. Thế hệ chúng tôi đi bộ đội cũng rất nhiều sự trăn trở, nhưng chúng tôi đã làm được nhiệm vụ của chúng tôi. Không phải ai cũng thành công nhưng hãy nghĩ rằng chúng ta đã dâng hiến được một điều gì đó cho đất nước này, đấy là một điều quan trọng nhất".

Có thể thấy dù trong khói bom, lửa đạn hay trong quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước thì vai trò của âm nhạc rất quan trọng. Âm nhạc đã và đang đồng hành cùng sự phát triển của đất nước. Những bài ca mang dáng hình Tổ quốc sẽ mãi ngân rung như mạch nguồn tuôn chảy minh chứng cho sự phồn thịnh của Tổ quốc mẹ hiền.

Phản hồi

Các tin/bài khác