(VOV5) - "Để phát triển bộ môn ca Huế là điều rất khó khăn, chúng tôi rất đau đáu tìm người và truyền nghề bộ môn này"...
Nghệ sĩ ưu tú Phương Loan là một trong những giọng ca được yêu thích của Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế. Chất giọng đằm thắm, mượt mà của cô dẫn người nghe vào những vùng âm thanh gợi nhiều cảm xúc. Đến với thính giả của VOV5, nghệ sĩ ưu tú Phương Loan chia sẻ về tình yêu của cô dành cho ca Huế - bộ môn nghệ thuật độc đáo của vùng đất Cố đô.
Nghe âm thanh chương trình tại đây:
BTV: Chào nghệ sĩ ưu tú Phương Loan. Là một trong những giọng ca được yêu mến của Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế, chị có thể chia sẻ về con đường đến với âm nhạc dân gian?
NSƯT Phương Loan: Tôi đến với bộ môn nghệ thuật truyền thống ca Huế rất tự nhiên. Tôi vốn rất thích hát dân ca, rồi đến khi được đào tạo bài bản và về công tác tại Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế thì niềm đam mê đó được nuôi dưỡng và phát triển. Tôi đã nỗ lực học hỏi, nghiên cứu và tiếp thu sự dạy bảo của các nghệ nhân, nghệ sĩ đi trước. Đến giờ, tôi nghĩ đó là niềm đam mê không thể thay đổi.
BTV: Những nét đẹp của ca Huế đã cuốn hút chị như thế nào?
NSƯT Phương Loan: Bộ môn dân ca Huế gồm lý Huế và ca Huế. Lý Huế được phát triển từ những làn điệu trong dân gian nên hầu như mang âm hưởng rất buồn. Cũng có vài làn điệu vui nhẹ một chút nhưng không rộn ràng như những loại hình ca hát khác. Còn những bài bản ca Huế thì là những bài bản rất ai oán, bi ai. Người thể hiện phải hiểu, phải thấm để có thể cảm nhận và hát được – đó cũng là một trong những cái khó của dân ca, không thể ngày một ngày hai có thể hát được một bài bản ca Huế. Phải bắt đầu từ lý Huế, trải qua năm tháng, kinh nghiệm và học hỏi thì mình mới có thể hát được bài bản ca Huế.
BTV: Để có thể hát được ca Huế, chị đã trải qua quá trình rèn luyện như thế nào?
NSƯT Phương Loan: Đầu tiên, ngoài những cái cơ bản đã học ở trường, tôi phải học những kỹ thuật từ các nghệ nhân đi trước, sau đó tìm hiểu hoàn cảnh của bài hát đã ra đời như thế nào. Ví dụ như bài ca Huế mang nỗi ai oán, nỗi đau của người phụ nữ, thì mình phải tưởng tượng để từ đó đưa cái hồn vào bài hát.
BTV: Hiện tại là một diễn viên của Nhà hát truyền thống Ca kịch Huế, có điều kiện thường xuyên đưa tiếng hát của mình đến với công chúng, đặc biệt là để giới thiệu những làn điệu ca Huế, chị có băn khoăn gì về việc truyền nghề cho những thế hệ tiếp theo?
NSƯT Phương Loan: Để phát triển bộ môn ca Huế là điều rất khó khăn, chúng tôi rất đau đáu tìm người và truyền nghề bộ môn này. Ngày trước, chúng tôi học trong trường cũng rất đơn giản, nhưng khi được truyền nghề từ các nghệ nhân thì phải đam mê mới theo được. Trong các cuộc họp, hội thảo về ca Huế thường đưa ra vấn đề đào tạo như thế nào, làm thế nào để gieo cho các bạn trẻ niềm yêu mến với bộ môn ca Huế. Tôi cũng tham gia giảng dạy và truyền nghề cho các em trẻ, nhưng công việc cũng rất hạn chế vì số lượng những người đến với bộ môn truyền thống này ngày càng chững lại.
BTV: Tôi rất chia sẻ với tâm tư của chị, cũng như của những nghệ nhân, những người tâm huyết với việc gìn giữ vốn âm nhạc truyền thống.
Xin cảm ơn NSƯT Phương Loan đã tham gia chương trình của chúng tôi./.