(VOV5) - "Trong sâu thẳm mỗi người vẫn là tình yêu dành cho mẹ, về người mẹ chung riêng mà mỗi khi xuân về lại sâu sắc thêm, lại bùng cháy trong mỗi người".
Cần mẫn với những chương trình, hoạt động nhằm gìn giữ, phát huy nghệ thuật truyền thống Việt Nam, trong suốt nhiều năm qua, tên tuổi của nhạc sĩ, soạn giả Hoàng Thị Dư được bà con người Việt biết đến nhiều. Chị là người sáng lập, đồng thời là Chủ tịch Hội yêu nghệ thuật truyền thống VN tại CHLB Đức và Châu Âu - nơi quy tụ những người Việt nơi xa xứ, cùng nhau chia sẻ kiến thức và giữ gìn, phát huy những nét đẹp văn hóa của quê hương. Đặc biệt, những bài dân ca do chị soạn lời được các nghệ sỹ chuyên và không chuyên cả ở trong nước và nước ngoài yêu mến đón nhận và biểu diễn trong nhiều sự kiện lớn nhỏ của cộng đồng.
Nhạc sỹ - soạn giả Hoàng Thị Dư |
Tham gia chương trình hôm nay, nhạc sĩ – soạn giả Hoàng Thị Dư chia sẻ về hành trình đầy đam mê của mình dành cho âm nhạc dân tộc, và gửi tặng quý vị thính giả những bài dân ca mới do chị viết lời.
Nghe âm thanh chương trình tại đây:
BTV Bảo Trang: Thưa chị, được biết "Lời thương xin gửi quê nhà" là một bài chèo mới do chị viết lời, và lại được ra mắt đúng vào dịp xuân mới này?
Chị Hoàng Thị Dư: Thật cảm động khi bài hát Chèo “Lời thương xin gửi quê nhà” của tôi đã được nghệ sĩ Đăng Kiên cùng tốp nam và dàn nhạc Đài TNVN thể hiện. Qua đây chúng tôi xin chân thành cám ơn Ban lãnh đạo Đài, các nghệ sỹ cũng như quý thính giả đã luôn quan tâm đến những sáng tác của chúng tôi. Mỗi người ra đi xa quê luôn mang trong mình một hành trang, trong đó chất chứa biết bao hình ảnh quê hương, tổ quốc, những kỷ niệm yêu thương không bao giờ quên. Hành trang càng trĩu nặng thì nỗi nhớ thương càng đong đầy. Từ trong nỗi nhớ niềm thương đó, chúng tôi xin gửi về quê nhà những hình ảnh trong trái tim mình, trong sâu thẳm tình cảm của một người con xa xứ. Đó là tất cả những gì chúng tôi muốn thể hiện trong làn điệu chèo “Lời thương xin gửi quê nhà”.
BTV Bảo Trang: Và cũng trong mùa xuân mới này, được biết chị còn viết lời cho bài hát văn "Erfurt vui đón xuân về"?
Chị Hoàng Thị Dư: Như chúng ta đã biết, hiện nay ở Đức có hàng trăm nghìn bà con người Việt và gốc Việt sinh sống. Ngoài quê hương bản quán, nước Đức được xem là quê hương thứ hai. Erfurt là một thành phố lớn, cổ kính, thủ phủ bang Thueringen, nơi có hàng nghìn bà con người Việt sinh sống và là một trong những cộng đồng người Việt lớn mạnh và cũng chính nơi đây tôi cũng có những người bạn thân yêu đã cho tôi cảm hứng viết nên bài hát văn “Erfurt vui đón xuân về” nhân dịp Hội tổ chức đón Tết vui xuân. Bài hát đã được nghệ sĩ ưu tú Trần Hạnh trình bày tại ngày Hội. Bài hát đã thể hiện những xúc cảm đối với quê hương thứ hai. Và sau này bài chèo đã được nghệ sỹ Thanh Lam - Nhà hát chèo Hưng Yên thể hiện.
Dù đi đâu, ở đâu, tình cảm dành cho quê hương bản quán vẫn luôn ngự trị trong tấm lòng bà con xa xứ. Song song với bài hát trên đây, tôi cũng đã có bài hát văn “Ninh Giang đẹp mãi” dựa trên tình cảm của những người bạn ra đi từ Ninh Giang. Chúng tôi cũng xin nói thêm là, nhiều bài hát của chúng tôi về các địa phương Việt Nam và Đức cũng như tình hữu nghị Việt Đức đã được ra đời trong những tình cảm đó.
BTV Bảo Trang: Thưa chị, Bảo Trang được biết trong năm vừa rồi, Hội yêu nghệ thuật truyền thống VN tại CHLB Đức và Châu Âu đã tổ chức một sự kiện rất ý nghĩa, đó là Hội diễn dân ca VN trong lòng người xa xứ. Chị có thể cho biết về sự kiện này?
Chị Hoàng Thị Dư: Hội yêu Nghệ thuật truyền thống VN tại CHLB Đức và Châu Âu tuy xuất phát từ những ý tưởng và đề xuất của chúng tôi nhưng để Hội thành lập và phát triển như ngày nay là nhờ vào sự chung tay và góp sức của nhiều anh chị em trong BTC Hội, hội viên và sự ủng hộ của các tổ chức, hội đoàn, các nghệ sĩ và bà con cộng đồng. Cũng giống như vậy, chương trình hội diễn “Dân ca Việt trong lòng người xa xứ” vừa qua tại Berlin đã rất thành công chính là dựa vào tình cảm của bà con đối với quê hương, thể hiện qua nhũng làn điệu dân ca. Hội diễn đã diễn ra trong vòng 10 giờ với 80 tiết mục và hàng trăm người tham gia. Chương trình đã được hội yêu nghệ thuật truyền thống Việt Nam tổ chức nhưng có sự chung tay, đóng góp với trách nhiệm rất cao của nhiều hội đoàn, câu lạc bộ, thể hiện tính cộng đồng và tập thể.
Phát triển nghệ thuật truyền thống Việt Nam vì nghệ thuật truyền thống chính là một trong những cầu nối, chất xúc tác nuôi dưỡng và phát triển bản sắc dân tộc, duy trì và phát triển hồn Việt trong thời đại hội nhập quốc tế. Đó chính là tư tưởng chủ đạo cho những hoạt động của chúng tôi từ khi thành lập đến nay và trong tương lai.
BTV Bảo Trang: Và một mùa xuân đã đến rồi. Chị cùng bà con bên đó sẽ đón Tết này thế nào?
Chị Hoàng Thị Dư: Ở Châu Âu tuy Tết Việt không phải là một ngày mang tính quốc gia, nhưng bà con chúng ta vẫn náo nức đợi chờ. Nhiều thành phố tổ chức đón Tết, vui xuân. Đại sứ quán Việt Nam năm nào cũng tổ chức gặp mặt kiều bào trong chương trình Xuân quê hương, với những tiết mục văn nghệ của bà con cộng đồng mang nội dung hướng về quê hương yêu dấu cũng như những hình ảnh, món ăn cổ truyền mang đậm bản sắc dân tộc thu hút hàng nghìn người tham gia. Trong mỗi gia đình cũng không thể thiếu các món ăn của quê hương, những lọ hoa, cành đào tươi thắm. và con cháu gần xa cũng về xum họp với gia đình trong không khí thật ấm áp, hạnh phúc. Không pháo nổ nhưng cũng bánh chưng xanh, dưa hành, câu đối đỏ". Nhiều hình ảnh về mùa xuân được tái hiện, được nâng niu.
"Trong sâu thẳm mỗi người vẫn là tình yêu dành cho mẹ, về người mẹ chung riêng mà mỗi khi xuân về lại sâu sắc thêm, lại bùng cháy trong mỗi người" |
Đặc biệt tình cảm quê hương luôn dâng trào trong huyết quản của bà con cộng đồng kể cả các thế hệ kế cận. Trong thời gian tới, Hội yêu nghệ thuật truyền thống sẽ có những kế hoạch nhằm củng cố và nâng cao chất lượng về mọi mặt để đáp ứng được phần nào lòng tin yêu của bà con cộng đồng. Chúng tôi luôn tâm niệm, 5 năm qua chưa phải là một chặng đường dài, sự thành công chưa phải là to lớn. Con đường cho những mục tiêu của Hội vẫn còn đang ở phía trước. Tình cảm nào, kế hoạch nào, niềm yêu thương nào dù lớn lao đến đâu, nhưng trong sâu thẳm mỗi người vẫn là tình yêu dành cho mẹ, về người mẹ chung riêng mà mỗi khi xuân về lại sâu sắc thêm, lại bùng cháy trong mỗi người.
BTV Bảo Trang: Vâng, xin cảm ơn chị Hoàng Thị Dư. Và xin chúc cho chị cùng với những người yêu nghệ thuật truyền thống VN ở Đức cũng như ở khắp nơi trên thế giới sẽ giữ mãi được tình yêu ấy, làm cho cái hay, cái đẹp của nghệ thuật truyền thống VN nở hoa trên đất người!