(VOV5) - Bài hát Chiếc khăn piêu cho đến nay được đông đảo khán giả yêu thích, nhưng về chiếc khăn piêu thì chưa mấy ai biết. Vì thế, bài viết này xin cung cấp về cái điều “chưa mấy ai biết” ấy, để khán giả tường tận thêm về ý nghĩa của bài hát của nhạc sĩ Doãn Nho phát triển trên nét giai điệu của một bài dân ca..
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Chiếc khăn piêu đội đầu là vật làm duyên của các cô gái dân tộc Thái ở Tây bắc (ảnh 1), nhưng bài hát ngợi ca về chiếc khăn piêu lại khởi nguồn từ bài dân ca của anh con trai “đa tình” của dân tộc Cống Khao - dân tộc ở gần kề dân tộc Thái. Bởi lẽ, trong chiếc khăn piêu có một môtip hoa văn gọi là “dây tình”.
Ảnh 1
“Dây tình” tiếng Thái gọi là "Xai peng" (xai là dây - peng là tình), dây tình "Xai peng" của người Thái cũng ví như dây Tơ hồng của người Việt. Đó là sự cụ thể hoá về hai chất nguyên khí của Po Me (bố mẹ) - chất đã "tạo ra" con người - người Thái. Hoa văn "Xai peng" được biểu tượng bằng hai sợi dây, nhưng được dứt ra từng đoạn như con bún, mà xoắn xuýt, chực muốn bện vào nhau như cuộn thừng (ảnh 2 ).
Ảnh 2
Đây là biểu tượng mang yếu tố tâm linh do thầy mo bảo trợ: Nó là dây "Rồng", dây "Tiên" (nòi giống), dây "bùa" hộ mệnh, dây của con tim, dây của tình cảm (xai chựa xai peng), dây trói buộc trái tim của đôi lứa (xai chưa kiệu, húa có nha mai). Người Thái trân trọng, yêu quý gìn giữ và nâng niu"Xai peng" thể hiện trên nhiều hình thái đa dạng và phong phú.
Do đó, dây tình "Xai peng" trước hết là đặt tên cho một dòng dân ca lớn của dân tộc, gọi là "Khắp xai peng" (Hát tình yêu). Khắp xai peng là tiếng hát đầu cửa miệng, vang lên mọi lúc, mọi nơi của cả người già và lớp trẻ. Vì thế, làn điệu Khắp xai peng là cơ sở đặt nền móng cho nền âm nhạc cổ truyền của người Thái ở Tây Bắc.
Thứ hai, hoa văn xai peng là hoa văn thổ cẩm, trang trí trên những đồ dùng, vật dụng của đời sống như: trên mặt chăn, riềm gối, đồ đan lát, đồ gỗ và trang trí trong nhà như: trên nóc đố, trên cửa chính, cửa sổ v.v... Nhưng đặc biệt và hay được nhắc đến hơn cả, đó là hoa văn xai peng thêu trên khăn piêu đội đầu của phụ nữ Thái, mang đầy đủ ý nghĩa và bản chất sâu xa của nó.
Ý nghĩa của dây tình xai peng là móc nối, đan xen, trao đổi tình cảm nhưng không hoà đồng giữa hai "chất" (trai gái). Ý niệm này được truyền nối trong tâm thức của từng thế hệ người Thái đến ngày nay và được thể hiện trong những hình thái khác nhau. Chẳng hạn ở lễ cưới, trong phòng hợp cẩn, cô dâu chú rể quỳ trước bà mối, bà mối tay trái cầm quả chuối, tay phải cầm nắm xôi, rồi chéo hai tay lại, nắm xôi trao cho chú rể, quả chuối trao cho cô dâu. Sự chéo hai tay của bà mối đó là tinh thần của dây tình xai peng của họ.
Tinh thần dùng hai tay vắt chéo nhau làm biểu tượng trong lễ thành hôn này, ngày nay ở người Việt được biểu tượng bằng việc dùng chữ cái tên cô dâu và chú rể viết "lồng" vào nhau làm biểu tượng trang trí trong phòng cưới. Đó là tâm thức về dây Tơ hồng của người Kinh. Kiểu chữ viết "lồng" này của người Kinh phải chăng tiềm tàng tính "vật chất" rõ nét về mối quan hệ của đôi uyên ương hơn chữ "song hỷ" của Trung Quốc.
Trong khăn piêu đội đầu của phụ nữ Thái, ở mỗi đầu khăn được trang trí bốn môtip hoa văn biểu tượng về sự sống trong vòng đời của mỗi con người (ảnh 3). Đây là một nửa bên trái của một đầu khăn, tính từ trên xuống: (ô số 1) dây xai khớ - kho nhiên liệu của sự sống, (ô số 2) dây tình xai peng - Tơ hồng, (ô số 3 kút piêu) ngọn lửa hình ảnh của sự sống được nối với dây xai khớ kho nhiên liệu, (ô số 4) ta leo - ý nghĩa như cây nêu của người Kinh (ô số5 hú piêu) nằm ở ngoài góc khăn, (ô số 6 viền khăn) ngang và dọc, (ô số 7 dây xai peng).
Những hoa văn thêu trên khăn piêu, được thiết kế trên những hình học: vuông hoặc chữ nhật, nằm ở hai đầu khăn. Do đó, khi đội, một đầu khăn trùm trên đỉnh đầu rủ xuống trán và một đầu khăn thả xuống sau lưng dưới gáy là những phần hở ngoài có trang trí hoa văn, còn đoạn giữa để nguyên vải chàm thô (xem lại hình 1).
Ảnh 3
Ý nghĩa của dây tình xai peng trên khăn piêu, khi trao tặng khăn piêu cho bạn gái cùng, hoặc khác dân tộc là sự trao đổi tình cảm, nghĩa là con người tôi luôn luôn trong tâm tưởng của bạn và ngược lại, hình ảnh của bạn như chiếc khăn piêu luôn luôn bên tôi.Còn dây tình xai peng thêu trên khăn piêu đội đầu của cô gái, luôn được nâng niu như gìn giữ niềm trung trinh, tình yêu chung thuỷ của lứa đôi. Cô gái Thái đội khăn piêu trên đầu càng xinh duyên thêm, và dây tình - xai peng là chiếc "bùa" yêu, chất "men" tình rạo rực, gợi cho tâm hồn nàng luôn nghĩ đến lời hẹn ước với bạn tình: đón nhận và hiến dâng.
Do tính chất của dây tình xai peng trên khăn piêu của cô gái Thái, nên khi chiếc khăn đánh rơi bay theo gió cuốn, chàng trai người Cống Khao "đa tình" nhặt được, tâm trạng anh ta xao xuyến bồi hồi, hai tay nâng chiếc khăn piêu lên trước ngực, hình dung đến người đẹp, xúc cảm làm bài hát (dân ca) ngợi ca, gửi tình theo gió, may ra được người đẹp để ý tới ... Từ bài dân ca một câu nhạc với chất liệu ban đầu đã hay, đạt độ cao của thẩm mỹ, tiếp đến lại được bút pháp của nhạc sĩ tài năng Doãn Nho chắp nối sáng tạo thêm.
Dây tình xai peng thêu trên khăn piêu để cô gái đội lên đầu cất giữ, đó là biểu tượng của lứa đôi: Tình yêu nồng nàn và sự sống sôi động, như hai sợi dây tình quấn quýt "bện" lấy nhau mãi mãi, như đôi sam ôm nhau không bao giờ rời xa, cho đến ngày tuổi già, xế bóng khi qua đời thì dây tình xai peng mới chia lìa. Khi ấy, chiếc khăn piêu được cắt làm đôi, mỗi người một nửa đặt vào quan tài, gối lên đầu, đem theo sang thế giới bên kia. Nếu cụ ông đi trước thì khăn piêu được cắt một nửa mang đi, còn một nửa kia cụ bà để dành, gối đầu giường. Phong tục này ở người Thái ngày nay vẫn còn nguyên ý nghĩa của nó.
Lời cuối, qua ý nghĩa của dây tình xai peng còn gọi là dây “cuộn thừng” thêu trên khăn piêu của chị em phụ nữ người Thái ở Tây bắc, để chúng ta có cơ sở hiểu được ý nghĩa của môtip hoa văn thổ cẩm này của người Việt được trang trí trên Hùng Linh (trống đồng) Ngọc Lũ.