(VOV5) - Đó là ý kiến của nhiều cử tri khi theo dõi các phiên thảo luận của các đại biểu Quốc hội về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 được tường thuật trực tiếp trên sóng truyền hình và phát thanh ngày 5/11.
|
Đồng tình với việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 theo yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa, cử tri Mạc Như Mai, ở Thị trấn Vĩnh Điện, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nhất trí cao với những vấn đề, nội dung sửa đổi trong Hiến pháp 1992 được Quốc hội thảo luận. Trong đó có 3 vấn đề sửa đổi chính là Hiến pháp và vấn đề tổ chức quyền lực; Hiến pháp và vấn đề quyền con người, quyền công dân; Vai trò lãnh đạo của Đảng và cơ chế bảo vệ Hiến pháp. Ông Mạc Như Mai cho rằng: “Quốc hội họp để mà thảo luận, tôi thấy rằng những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội thỏa đáng và nó cũng phù hợp trong tình hình thực tế yêu cầu của xã hội chúng ta trong hiện tại. Có những sửa đổi đó, tôi thấy rằng Quốc hội cần phải có sự quan tâm, xem xét để đưa hiến pháp sửa đổi 1992 của những năm tới đó thực hiện được trọn vẹn hơn , toàn diện hơn theo tình hình đổi mới của đất nước cũng như trên thế giới. Thực hiện những việc đó để hiến pháp này nó đi vào cuộc sống của nhân dân và đi vào thực tế phục vụ lại cho đất nước nhân dân toàn diện hơn."
Ông Cao Ngọc Tâm, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nha Trang đề nghị các đại biểu Quốc hội quan tâm, bàn sâu về vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong Hiến pháp sửa đổi: “Tôi mong rằng, các vị đại biểu Quốc hội bàn sâu về vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong tình hình hiện nay. Các vị đại biểu Quốc hội, bàn, thảo luận, thống nhất về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong Hiến pháp. Để Mặt trận làm tốt hơn vai trò của mình, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Như vậy mới xây dựng được 1 xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.”
Ông Cao Văn Hoài, nguyên cán bộ Viện Khoa học Tài chính, tại Hà Nội, đánh giá cao việc sửa đổi hiến pháp 1992 được lấy ý kiến của đông đảo nhân dân và Hiến pháp sửa đổi đã làm rõ thêm quyền công dân, quyền con người. Ông Cao Văn Hoài mong muốn Hiến pháp thể hiện rõ hơn nữa trách nhiệm dân chủ đại diện, đòi hỏi các cơ quan, công chức nhà nước phải làm tốt trách nhiệm đại diện của dân, nâng cao hiệu quả các cuộc tiếp xúc cử tri, công khai, dân chủ trong việc trưng cầu ý dân, mở rộng việc đối thoại trực tiếp giữa cơ quan nhà nước với người dân để tạo sự đồng thuận trong xã hội./.