(VOV5) - Theo các nhà nghiên cứu, trước những động thái của Trung Quốc, các cơ chế Luật pháp quốc tế cần được đề cao hơn nữa.
“Bãi Tư Chính là của Việt Nam. Trung Quốc đang cố ý biến vùng không tranh chấp thành vùng có tranh chấp”. Đó là quan điểm của các nhà nghiên cứu tại buổi tọa đàm khoa học “Vùng biển Bãi Tư chính và Luật pháp quốc tế”, diễn ra ngày 06/10, tại Hà Nội.
Tọa đàm khoa học “Vùng biển Bãi Tư chính và Luật pháp quốc tế”, diễn ra ngày 06/10, tại Hà Nội. |
Tại buổi tọa đàm, các nhà nghiên cứu khẳng định việc Trung Quốc đưa ra cái gọi là Bãi Tư Chính thuộc chủ quyền của nước này hoàn toàn vô căn cứ.
Chuyên gia về Biển Đông Thiếu tướng Lê Văn Cương đã chỉ rõ 2 điểm chưa chính xác của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khi đưa ra “cái gọi là Trung Quốc có chủ quyền ở Bãi Tư Chính”: Khi trao đổi với báo chí quốc tế, ông Vương Nghị nói rằng tàu khảo sát địa chất 08 của Trung Quốc đang tác nghiệp thuộc bãi Tư Chính Trường Sa của Trung Quốc. Những phát ngôn như vậy của ông Vương Nghị là sai.
Thứ nhất về chính trị, Trung Quốc hoàn toàn không có cơ sở pháp lý để đòi chủ quyền ở Trường Sa.Điều này Tòa trọng tài 2016 đã bác bỏ. Tham chiếu vào hệ thống pháp luật quốc tế hiện đại, Trung Quốc hoàn toàn không có căn cứ. Thứ hai về mặt địa chất địa lý, bãi Tư Chính nằm ngoài Trường Sa, cách Trường sa 600 km. Về địa chất giữa Trường Sa và Bãi Tư Chính còn có 1 rãnh sâu nữa”.
Theo các nhà nghiên cứu, trước những động thái của Trung Quốc, các cơ chế Luật pháp quốc tế cần được đề cao hơn nữa.
Ông Nguyễn Trường Giang, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Brunei, nguyên Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao (Bộ Ngoại giao) phân tích: "Luật pháp quốc tế là cơ sở để bảo vệ các vùng biển của Việt Nam. Các quy định của Công ước Luật Biển 1982 về các vùng biển và quy chế về các vùng biển đồng thời cũng là cơ sở pháp lý quan trọng để chúng ta bảo vệ vùng biển, bảo vệ chủ quyền và các quyền chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích hợp pháp của Việt Nam trong vùng biển của Việt Nam.
Bãi Tư Chính là bãi ngầm, thực chất là một phần của đáy biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế. Đây hoàn toàn không phải là khu vực tranh chấp hay có vùng chồng lấn. Bởi vì Trung Quốc không có bất kỳ cơ sở pháp lý quốc tế nào để đưa ra các yêu sách đối với vùng biển này."
Các nhà nghiên cứu cũng khẳng định trước những hành vi ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông, Việt nam cần tiếp tục đưa vụ việc Bãi Tư Chính lên án tại Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (LHQ).
Bởi điều 51 trong Hiến chương LHQ quy định rõ: các quốc gia thành viên LHQ có quyền tự vệ trước những âm mưu xâm hại- để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình. Và LHQ sẽ có trách nhiệm thực thi các nguyên tắc của Luật pháp quốc tế bảo vệ các quốc gia yếu thế.