Chính giới các nước chỉ trích các hành động quân sự hóa ở Biển Đông của Trung Quốc

(VOV5) - Ngày 25/2, giới chức Mỹ tiếp tục đưa ra những phát biểu chỉ trích các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, trong bối cảnh tâm lý lo ngại ngày càng gia tăng liên quan tới việc Trung Quốc tăng cường quân sự tại vùng biển này.

Chính giới các nước chỉ trích các hành động quân sự hóa ở Biển Đông của Trung Quốc - ảnh 1
Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris. (Ảnh: AFP/TTXVN)


Phát biểu trước báo giới tại Lầu Năm góc, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ, Đô đốc Harry Harris cho rằng Trung Quốc đang tìm cách giành quyền kiểm soát “trên thực tế” đối với Biển Đông. Theo ông Harris, bằng việc xây dựng các căn cứ không quân và gia cố các boongke trên những đảo nhỏ ở Biển Đông, trong đó một số đảo Bắc Kinh mới bồi đắp trái phép, cũng như bằng việc bố trí các hệ thống tên lửa và rađa hiện đại, Trung Quốc đang tìm cách giành vị thế bá chủ quân sự trong khu vực. Ông cảnh báo: “Nếu Trung Quốc tiếp tục vũ trang tất cả các căn cứ mà họ bồi đắp ở Biển Đông, Trung Quốc sẽ thay đổi môi trường hoạt động tại khu vực này…”. Trước đó, trong cuộc điều trần hôm 23/2 trước Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ, Đô đốc Harris cũng cảnh báo các nghị sĩ Mỹ về tốc độ quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông.

Chính giới các nước chỉ trích các hành động quân sự hóa ở Biển Đông của Trung Quốc - ảnh 2
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter. (Ảnh: AFP/TTXVN)


Ngày 26/2, các quan chức ngoại giao cấp cao của Nhật Bản, Australia và Ấn Độ đã nhất trí về tầm quan trọng của việc duy trì luật pháp ở Biển Đông, đồng thời cùng chia sẻ “quan ngại sâu sắc” về những căng thẳng ở khu vực này trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gia tăng các hành động quyết đoán trên biển. Phát biểu với các phóng viên sau cuộc đàm phán ở thủ đô Tokyo với Quốc vụ khanh Ngoại giao và Thương mại Australia Peter Varghese và Bí thư Đối ngoại Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Akitaka Saiki nhấn mạnh: “Chúng tôi cùng chia sẻ quan ngại sâu sắc về các động thái nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng ở Biển Đông, điều sẽ dẫn tới sự mất ổn định trong khu vực”. Ông Saiki cho biết: “Chúng tôi có cùng quan điểm về sự cần thiết phải thiết lập một quy tắc mới trong khu vực nhằm đảm bảo việc thực thi luật pháp và tự do hàng hải”, hàm ý các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Trung Quốc và ASEAN nhằm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác