Cảng Đà Nẵng một buổi chiều muộn, bầu trời đen kịt, ngoài kia bão số 2 đang quét qua vịnh Bắc bộ. Hai chiến hạm Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ vẫn hướng ra khơi.
“Gió bão thế này mà tàu vẫn nhổ neo ư?”, tôi hỏi ngay khi vừa đón ly trà nóng ấm từ tay thượng tá Đỗ Quốc Tuấn trong phòng chỉ huy trên tàu Đinh Tiên Hoàng. Ông cười: “Phải đi đúng kế hoạch chứ. Tàu này không ngại sóng to gió lớn. Các bạn không quen có thể hơi chếnh choáng một tí, nhưng đấy mới thực sự là trải nghiệm biển”.
|
Thượng tá Tuấn là một sĩ quan dày dạn kinh nghiệm, từng lênh đênh cùng những chiếc tàu pháo, tàu săn ngầm, tàu tên lửa cỡ nhỏ. Khi hải quân Việt Nam tiến nhanh vào hiện đại hóa, ông chính là thuyền trưởng đầu tiên của lớp tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9, chỉ huy một thủy thủ đoàn được trang bị đầy đủ kỹ năng để làm chủ phương tiện, khí tài trên con tàu mang tên vị vua Đinh Tiên Hoàng (HQ-011). Giờ đây, trên cương vị Phó lữ đoàn trưởng quân sự Lữ đoàn 162 Vùng 4 hải quân, ông lại ra khơi trong một chuỗi nhiệm vụ quan trọng: tuần tra, huấn luyện và đối ngoại quân sự. Trong chuyến công tác, hai chiến hạm hiện đại nhất của hải quân Việt Nam là tàu hộ vệ tên lửa Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ (HQ-012) cùng ra khơi, trong đó HQ-012 đóng vai trò kỳ hạm (tàu chỉ huy), HQ-011 là tàu kỳ viên. Biên đội hai tàu chiến của Việt Nam do thượng tá Phạm Văn Hoạt, Phó lữ đoàn trưởng quân sự Lữ đoàn 162, chỉ huy.
Nét cười cùng thông điệp chân tình mà mạnh mẽ của thượng tá Tuấn khiến chúng tôi vững tâm. Bữa tối hôm ấy trong câu lạc bộ sĩ quan, khi tàu lại thả neo trên vịnh Đà Nẵng, mọi người cùng hào hứng hát vang những bài ca về biển: “Nơi anh đến là biển xa/Nơi anh tới ngoài đảo xa… Tháng năm con tàu quen sóng cả quen gió biển... Đây con tàu xa khơi, đây con tàu xa khơi”.
Lao vào vùng bão tố
Nửa đêm 22.6, khi nhiều vị khách trên tàu còn say giấc, mệnh lệnh nhổ neo được Biên đội trưởng Phạm Văn Hoạt truyền đi. Hai chiến hạm kéo hồi còi dài tạm biệt thành phố cảng, hướng mũi ra biển khơi. Từ nửa đêm về sáng, biên đội vượt hơn 100 hải lý ra điểm tập kết để chuẩn bị cho nhiệm vụ tuần tra chung với tàu Trung Quốc tại vịnh Bắc bộ. Mục đích cuộc tuần tra được nêu rõ là “nhằm duy trì an ninh trật tự trên vùng biển giáp ranh đã được phân định, thúc đẩy thực thi hiệp định hợp tác nghề cá, duy trì trật tự ổn định các hoạt động sản xuất bình thường của nhân dân hai nước”.
Thủy thủ đoàn Việt Nam luôn sẵn sàng thực hiện mọi nhiệm vụ khó khăn
|
Sáng 23.6, khi HQ-011 và HQ-012 gặp hai khinh hạm lớp Giang Khải II số hiệu 568 và 570 của Trung Quốc để bắt đầu tuần tra chung cũng là lúc những thách thức khốc liệt nhất của thiên nhiên ập tới. Bão số 2 đã tiến vào đất liền, nhưng dư âm của nó vẫn hiện diện trên khắp vùng vịnh Bắc bộ. Gió cấp 6, cấp 7, có lúc giật trên cấp 8 kéo theo từng cơn sóng cao ngất đập vào mạn, vào mũi tàu; sóng tràn qua boong tàu. Những vị khách đi trên HQ-011, HQ-012 bị các đợt rung lắc lôi tuột khỏi giường, nhấn chìm vào những cơn say sóng kinh khiếp.
“Chút chếnh choáng” mà thượng tá Tuấn nói hôm trước, đối với dân ngoại đạo chúng tôi, hóa ra là một cơn đảo điên đất trời. Bàn ghế, chén đũa, bình nước lọc, những nồi cháo vừa nấu xong còn nghi ngút khói bị đánh văng khắp sàn. Ngoài kia, xung quanh tàu, sóng gió không ngừng gào thét. Giữa hoàn cảnh khắc nghiệt ấy, hai chiến hạm Việt Nam vẫn dũng mãnh tiến tới, cưỡi lên đầu những con sóng dữ. Tàu tiến lúc nhanh, lúc chậm, lúc bằng động cơ diesel, lúc tăng tốc bằng động cơ tua bin tùy theo tình huống nhiệm vụ. Từ đài chỉ huy chiến hạm HQ-011, thuyền trưởng - thiếu tá Nguyễn Đình Giảng đều đặn truyền đi mệnh lệnh tới thủy thủ đoàn. Mỗi người một nhiệm vụ, không ngơi nghỉ, không lơ là, bất chấp có lúc bị những cơn rung lắc đánh bật khỏi vị trí.
“Các đồng chí nuôi quân, buộc chặt cửa tủ lạnh!”. Đấy không phải là một mệnh lệnh tác chiến, nhưng trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, đó là một mệnh lệnh hết sức quan trọng. Thực phẩm cho hành trình dài 9 ngày, với mỗi tàu hơn 100 người, rồi cả tiệc chiêu đãi khi tiếp đoàn Trung Quốc trên sân trực thăng kỳ hạm HQ-012, đều được trữ lạnh. Mà nguyên tắc cơ bản là không tiếp nước, nhiên liệu, thực phẩm ở những nước tàu ghé thăm. Thế nên, trong hoàn cảnh rung lắc kinh hoàng đó, nồi niêu chén bát bay tứ tung, những cánh cửa tủ lạnh bung ra, “nguồn sống” cho mấy trăm con người trên hai chiến hạm bị đe dọa.
Thấy mấy nhà báo bơ phờ, trung tá Nguyễn Hồng Bàng, chính trị viên tàu HQ-012, động viên: “Yên tâm đi, sóng lớn hơn nữa cũng không sao. Tàu to mà. Nếu đi tàu nhỏ mới căng”.
HQ-011 và HQ-012 tuần tra trong bão tố
|
Trong suốt tuyến tuần tra dài gần 300 hải lý, các tàu luôn đi trong gió bão, biển trời như kéo gần lại với nhau, mịt mù tối tăm. Giữa cơn phong ba ấy, ngay cả chuyện giữ thăng bằng cơ thể khi ngồi trên tàu cũng là thách thức lớn, các thủy thủ tàu vẫn vững vàng làm nhiệm vụ. Điều đáng ngạc nhiên là khi những cơn rung lắc vừa giảm, khi những cú tăng tốc, những cú ngoặt của tàu vừa ngớt, chừng 15 phút sau, đã nghe thông báo trên loa: “Hiện đã có cháo, mời các đồng chí về nơi quy định để ăn cháo”. Sau khi đã dốc hết mọi thứ trong bụng, nôn cả “nước xanh nước vàng”, chúng tôi được ấm lòng bên những bát cháo gà nấu nhuyễn. Không biết bằng cách nào mà các anh nuôi quân có thể nấu ăn trong một không gian chao đảo như thế.
Tìm người giữa biển
Sáng sớm 24.6, những vị khách được đánh thức bởi lời thông báo: “Toàn tàu báo thức, báo thức toàn tàu!”. Trời chưa sáng rõ, biển còn oằn lên những đợt sóng dữ dằn, nhưng thủy thủ đoàn HQ-011 và HQ-012 đã bắt tay vào nhiệm vụ mới. Ba phát đạn tín hiệu từ kỳ hạm Lý Thái Tổ báo hiệu giờ phút huấn luyện tìm kiếm cứu nạn bắt đầu. Phía chiến hạm Hoàng Sơn 570 của Trung Quốc cho biết một nạn nhân giả định rơi xuống biển ở tọa độ gần tàu Việt Nam, đồng thời thông báo điều kiện khí tượng thủy văn và đề nghị phía Việt Nam nhanh chóng tìm kiếm cứu nạn. Ngay lập tức, thuyền trưởng Nguyễn Văn Ngân của HQ-012 và thuyền trưởng Nguyễn Đình Giảng của HQ-011 cùng ra các mệnh lệnh: “Báo động chiến đấu!”; “Toàn tàu báo động tìm kiếm cứu nạn!”; “Các tổ quan sát tiến hành làm nhiệm vụ và báo về tàu chỉ huy!”. Qua loa phóng thanh, chúng tôi nghe những tiếng trả lời: “Tổ quan sát mũi nghe rõ!”; “Tổ quan sát lái nghe rõ!”...
Mưa nặng hạt, sóng gào thét, tầm nhìn bằng mắt thường vô cùng hạn chế. Hai chiến hạm Việt Nam vẫn lướt như bay trên ngọn sóng. Sau gần 60 phút tăng tốc quần đảo trên vùng biển có bán kính hơn 10 hải lý, tàu kỳ viên Đinh Tiên Hoàng báo cáo về kỳ hạm: “011 báo cáo phát hiện được người; 011 tiếp cận và sẵn sàng cứu hộ”. Một lát sau, HQ-011 lại báo cáo: “011 báo cáo đã cứu hộ thành công, đang tiến hành cấp cứu”.
Tiếp theo hai nhiệm vụ trên biển, trong những ngày tàu đậu ở cảng Trạm Giang, Trung Quốc, những chiến sĩ hải quân thời bình còn thực hiện sứ mệnh đối ngoại quân sự. Qua một hành trình gian khó, những người lính biển đã cho thấy một hình ảnh hiện đại của hải quân Việt Nam, đó là bản lĩnh vững vàng, kỹ năng tác chiến và khả năng phối hợp quốc tế xuất sắc trên biển. Và khi thực hiện nhiệm vụ đối ngoại, họ cũng thể hiện một tư thế đĩnh đạc, với thông điệp rõ ràng: Hải quân Việt Nam có đủ quyết tâm và năng lực để bảo vệ chủ quyền biển đảo; đồng thời luôn sẵn sàng và thiện chí hợp tác với các nước nhằm giữ gìn hòa bình, ổn định cho khu vực.
Ngày về, hai chiến hạm Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ đi trong ánh nắng chan hòa, biển thẳm xanh. Những người lính biển sau ca trực kéo nhau ra boong, tắm mình trong ánh nắng ban mai và những làn gió mát. Phía xa xa, những đoàn thuyền đánh cá của ngư dân Việt Nam mải miết bơi trong vùng trời nước bình yên.
Theo Đỗ Hùng - Tấn Tú/thanhnien.com.vn