Đến với Trường Sa


(VOV5) - Trường Sa là huyện đảo tiền tiên của Việt Nam, nằm cách đất liền 250 hải lý (khoảng 400 km). Tuy cách xa đất liền, đời sống vật chất, tinh thần còn nhiều thiếu thốn, khó khăn nhưng nhân dân, cán bộ, chiến sỹ nơi hải đảo xa xôi vẫn ngày đêm bảo vệ, xây dựng huyện đảo ngày càng phát triển.


Đến với Trường Sa - ảnh 1
Bức tranh Sửa chữa ra-đa trên đảo Trường Sa Lớn được trưng bày tại triển lãm "Trường Sa - Lũy thép - Quê hương". (Ảnh: bienphong.com.vn)


Nghe nội dung chi tiết tại đây:



Quần đảo Trường Sa nằm giữa Biển Đông về phía Đông Nam Việt Nam, phía Bắc là quần đảo Hoàng Sa, phía Đông giáp biển Philippines, phía Nam giáp biển Malaysia, Brunei và Indonesia. Quần đảo Trường Sa gồm trên 100 hòn đảo nhỏ và bãi san hô với diện tích vùng biển rộng khoảng 410.000 km2.

Vượt qua hải trình hai ngày đêm, chúng tôi đã đến với Trường Sa… Cứ nghĩ rằng đến Trường Sa chỉ có cát, san hô cùng cái nắng, cái gió khắc nghiệt. vậy mà đặt chân lên đảo, trước mắt chúng tôi chỉ toàn là màu xanh của cây. Khắp các đảo, cây cối được trồng đan xen nhau, phủ kín các đảo, những hình ảnh gần gũi của đất liền hiện ra với bụi chuối, quả đu đủ cùng những đàn gà vịt, đàn bò cùng những ngôi nhà ngói đỏ, tạo ấn tượng thân quen và cảm giác yên bình với mỗi người khi đặt chân lên đảo. Không những vậy, những ngôi chùa trên các xã đảo như Trường Sa lớn, Song Tử, Sinh Tồn… đã được tu sửa, phục vụ đời sống tâm linh của các ngư dân. Trên đảo còn có Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các công trình như Nhà văn hóa, Nhà khách Thủ đô… như khung cảnh một ngôi làng bình yên nơi đất liền.

Mỗi buổi chiều về, dưới gốc bàng vuông xanh mát, những đứa trẻ, công dân thế hệ mới ở Trường Sa ríu rít vui đùa, cùng nhau đọc đồng dao: “Biển cả xa mờ. Có hai quần đảo, Hoàng Sa, Trường Sa. Tên gọi thiết tha, trong lòng dân Việt”.

Từ những hòn đảo trọc, gồ ghề sỏi đá, đến những đảo chìm, nước ngập khi thủy triều lên, hiện nay đã mọc lên nhiều công trình với ánh sáng điện, đường, trường học, trạm y tế. Cũng như ở đảo Trường Sa lớn, tại các xã đảo như An Bang, Trường Sa Đông, Phan Vinh, Nam Yết, Sơn Ca đều được che phủ bởi màu xanh mát mắt của cây cối, đặc biệt ở các vườn rau tăng gia, rau muống, mồng tơi, cải xanh, mướp xanh tốt. Ở các đảo chìm như Đá Lát, Thuyền Chài, Đá Tây, Tiên Nữ, Tốc Tan tuy diện tích tăng gia hạn chế nhưng cán bộ chiến sỹ cũng tận dụng tối đa diện tích để làm vườn rau, có những chậu trồng rau mầm và ủ thêm giá đỗ, đất màu cũng liên tục được bổ sung từ đất liền. Nhờ vậy, không chỉ ở Trường Sa Lớn mà trên toàn bộ huyện đảo Trường Sa, từ rau, thịt, cá biển đều là thực phẩm sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đủ cung cấp cho bữa ăn hàng ngày cho nhân dân và chiến sĩ. Ông Nguyễn Viết Thuân, Chủ tịch UBND huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, cho biết:“Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước và từ khi có nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, huyện đảo Trường Sa, các xã đảo của huyện, đời sống cán bộ chiến sỹ, nhân dân đã được nâng lên rõ rệt. Hiện các xã đảo đã có điện năng lượng mặt trời 24/24; cơ sở hạ tầng, các công trình văn hóa được tu sửa.. bảo đảm cho nhân dân trên đảo được sống trong môi trường văn hóa để phát triển kinh tế xã hội. Cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên huyện đảo Trường Sa tích cực phát triển kinh tế tại các xã đảo, vì vậy đời sống vật chất luôn được đảm bảo.”

Các hộ dân trên các đảo ở huyện đảo Trường Sa đều có nhà ở kiên cố với đầy đủ vật dụng, tiện nghi sinh hoạt như ở trong đất liền. Tình quân dân nơi đây ngày càng gắn bó, đoàn kết, thân thiết. Đặc biệt, Chính quyền trên các đảo rất quan tâm giúp đỡ người dân giúp họ sản xuất, cải thiện cuộc sống, chăm lo ăn học cho con em họ.

Đặc biệt, từ sự quan tâm, đùm bọc, giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ và chính quyền trên các đảo trong đời sống hằng ngày trên đảo ngày một cải thiện, tạo nên tình đoàn kết, gắn bó quân dân ngày càng mật thiết. Chị Bùi Thị Nhung, ở Thị trấn Trường Sa, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, đã theo gia đình ra sinh sống tại thị trấn được bốn năm và hiện là giáo viên giảng dạy tại ngôi trường của Thị trấn, cho biết:“Cuộc sống khi mới ra đảo còn gặp nhiều khó khăn nhưng dần dần đã khắc phục được và hiện nay rất ổn định. Chúng tôi mong Trường Sa ngày càng khang trang, sạch đẹp hơn và xây dựng Trường Sa vững chắc hơn nữa.”

Sự phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội những năm qua đã làm bộ mặt của huyện đảo Trường Sa thay đổi rõ rệt. Trung tá Phạm Văn Xông, từng công tác ở Trường Sa năm 1988, sau một phần tư thế kỷ quay lại Trường Sa, xúc động cho biết:Qua 25 năm tôi thấy Trường Sa thay đổi vượt bậc. Về cơ sở hạ tầng đã được xây dựng khang trang hơn; hệ thống thông tin năng lượng, từ năng lượng gió đến năng lượng mặt trời… đã giúp huyện đảo được thắp sáng 24/24. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chúng tôi mong muốn đầu tư và tuyên truyền để mọi người dân Việt Nam cũng như thế giới hiểu được về Trường Sa – Vùng biển chủ quyền của Việt Nam - để quần đảo được xây dựng ngày càng vững mạnh.”

Với tinh thần, cả nước vì Trường Sa bởi những năm qua, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và đồng bào, chiến sĩ cả nước, quân và dân Trường Sa luôn vững vàng nơi vị trí tiền tiêu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân ra khơi, bám biển; xứng đáng với niềm tin, sự chia sẻ, quan tâm sâu sắc của nhân dân cả nước với Trường Sa./.



Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác