(VOV5) - Các đại biểu đều nhấn mạnh Công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982) là nền tảng cho quản trị đại dương.
Các đại biểu tham dự Đối thoại - Ảnh: Bộ Ngoại giao |
Ngày 19/8/2021, Học viện Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Anh quốc và Quỹ Kondras Adenauer Stiftung (KAS) Đức tại Hà Nội tổ chức Đối thoại Biển lần thứ 7 (trực tuyến) với chủ đề “Đánh giá các vấn đề biển đang nổi lên từ góc độ luật pháp quốc tế”.
Đối thoại thu hút hơn 250 đại biểu là các chuyên gia trong nước và quốc tế. Tại đối thoại, các đại biểu đều nhấn mạnh Công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982) là nền tảng cho quản trị đại dương, khẳng định an toàn và tự do các tuyến thương mại trên biển là lợi ích quan trọng. Tham luận tại Đối thoại, nhiều ý kiến nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo sự ổn định của luật pháp quốc tế; đồng thời đề xuất các giải pháp và kịch bản nhằm đối phó và thích ứng trước hiện trạng nước biển dâng từ góc độ quốc gia, khu vực và quốc tế.
Các học giả bày tỏ sự quan tâm tới Biển Đông, nơi giao thoa của các tuyến đường biển quan trọng và nêu quan ngại về các yêu sách vùng biển thái quá, trái với UNCLOS 1982 và Phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài trong vụ kiện Biển Đông, đe doạ hạn chế tự do hàng hải ở vùng biển này. Các học giả đề xuất cần tiếp tục duy trì một trật tự dựa trên luật lệ trên biển tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và ASEAN nên thiết lập quan điểm chung về các quyền đi lại trên biển.