(VOV5) - Đó là hành động không thể chấp nhận đối với bất cứ quốc gia thượng tôn pháp luật nào và Trung Quốc đang vi phạm luật pháp quốc tế.
Nhận định về những hoạt động gần đây của Trung Quốc tại Biển Đông, đặc biệt sau khi tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, Tiến sĩ Rajaram Panda, nghiên cứu viên cao cấp tại Hạ viện Ấn Độ, lên án Trung Quốc đang tìm cách hăm dọa các nước nhỏ hơn, buộc họ phải từ bỏ các quyền hợp pháp của mình.
Đó là hành động không thể chấp nhận đối với bất cứ quốc gia thượng tôn pháp luật nào và Trung Quốc đang vi phạm luật pháp quốc tế.
Theo Tiến sĩ Panda, Việt Nam có quyền bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình vì điều đó hoàn toàn hợp pháp theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Việt Nam cũng có quyền tìm kiếm sự hợp tác của bất cứ một quốc gia bạn bè nào trong quá trình yêu cầu tàu của quốc gia vi phạm rời đi.
Liên quan đến các tuyến hàng hải ở Biển Đông, Tiến sĩ Panda khẳng định một lượng lớn hoạt động trao đổi thương mại quốc tế được thực hiện bằng đường biển, do đó an ninh hàng hải đóng vai trò then chốt đối với sự phát triển kinh tế của nhiều quốc gia biển. Theo chuyên gia này, không một quốc gia đơn lẻ nào có khả năng tự mình bảo vệ an ninh và trật tự hàng hải ở Biển Đông. Bởi vậy, những quốc gia có chung quan điểm cần hợp tác với nhau để bảo vệ các lợi ích chung toàn cầu. Trong quá trình đó, vai trò trung tâm của ASEAN hết sức quan trọng và Ấn Độ luôn sát cánh cùng những quốc gia bạn bè bởi New Delhi mong muốn thúc đẩy thịnh vượng khu vực phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế.
Trong khi đó, nhà báo Rudroneel Ghosh của tờ "Times of India" cho biết khoảng 70% lượng dầu thô của Trung Quốc đi qua khu vực này. Tuy nhiên, Biển Đông cũng quan trọng với các quốc gia Đông Nam Á và thậm chí cả các nước ngoài khu vực, bao gồm cả Ấn Độ. Do đó, Trung Quốc không thể chỉ nhìn vào những lợi ích của mình. Các nước khác cũng có quyền hợp pháp, chính đáng ở Biển Đông.
Theo ông, Trung Quốc cần tránh các hành động gây bất ổn trong khu vực và cần thúc đẩy xây dựng một bộ quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc pháp lý ở Biển Đông với các quốc gia ASEAN.