(VOV5) - Trong vùng biển Việt Nam, Việt Nam có quyền chủ quyền, quyền tài phán để thực hiện lệnh cấm đánh bắt cá, chứ Trung Quốc hoàn toàn không có quyền thực hiện trong vùng biển của Việt Nam.
Trung Quốc mới đây ra tuyên bố lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông bắt đầu từ ngày 01/05 – 16/09/2021, với sự giám sát của lực lượng hải cảnh. Phạm vi cấm đánh bắt trải dài từ vùng biển phía bắc Biển Đông đến 12 độ vĩ bắc, bao gồm cả một phần vịnh Bắc bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông được nước này tuyên bố áp dụng từ ngày 1/5 đến ngày 16/9/2021. Ảnh minh họa: VOV |
Phân tích về nội dung của lệnh này, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Thanh Ca, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học công nghệ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, khẳng định: "Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố cấm đánh bắt cá trên toàn bộ Biển Đông, nằm trong khu vực phạm vi từ vĩ tuyến 12 độ trở lên phía Bắc. Toàn bộ vùng biển này bao gồm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam cũng như một phần vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Điều này trái với luật pháp quốc tế. Hiện nay, nguồn lợi thủy sản ở Biển Đông đã cạn kiệt, do đó, các nước cần hợp tác, nhưng phải trên cơ sở chủ quyền. Và như vậy trong vùng biển Việt Nam, Việt Nam có quyền chủ quyền, quyền tài phán để thực hiện lệnh cấm đánh bắt cá, chứ Trung Quốc hoàn toàn không có quyền thực hiện trong vùng biển của Việt Nam".
Theo ông Nguyễn Chu Hồi, Phó chủ tịch thường trực Hội nghề cá Việt Nam, lệnh cấm đánh bắt cá này được đưa ra trong thời điểm biển Đông đang có nhiều diễn biến phức tạp khi Trung Quốc thông qua luật Hải Cảnh. Hội nghề cá Việt Nam đã phát đi công hàm phản đối quyết định đơn phương này. Bên cạnh đó, hội cũng đã gửi đi thông báo đến chính quyền các địa phương, các ngành chức năng, hội nghề cá các tỉnh để hướng dẫn hỗ trợ bà con ngư dân vươn khơi tại các ngư trường này.
Ngay sau tuyên bố đơn phương của Trung Quốc, ngày 29/04, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt đã khẳng định: Việt Nam phản đối và kiên quyết bác bỏ quyết định đơn phương này của Trung Quốc. Quy chế này đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển năm 1982, đi ngược lại với tinh thần và lời văn của tuyên bố của các bên ở Biển Đông DOC, trái với thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc.