(VOV5) - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam, cho rằng vấn đề Biển Đông trở thành chủ đề chính của các nước trong hoạch định chính sách.
Ngày 8/11, tại thành phố Đà Nẵng, Học viện Ngoại giao, Quỹ hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông, Hội Luật gia Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học Quốc tế Biển Đông lần thứ 10 với chủ đề Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực. Tham dự hội thảo có các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các quan chức ngoại giao trong nước và quốc tế.
Các học giả quốc tế thảo luận tại Hội thảo. Ảnh báo DDaaautu.online |
Hội thảo được chia làm 8 phiên theo các chủ đề như: Biển Đông: Trung tâm của khu vực Ấn Độ Dương – châu Á - Thái Bình Dương; Biển Đông tiêu điểm: 10 năm nhìn lại; Lập trường và yêu sách của các bên: Tiếp nối và điều chỉnh; Các nước lớn: Can dự hay không can dự?; Xây dựng lực lượng trên Biển Đông; Xây dựng lòng tin, ngoại giao phòng ngừa và giải quyết tranh chấp; Các nhân tố mới có thể tạo bất ổn trên Biển Đông; Trật tự và bất ổn trên Biển Đông: Tổng kết quá khứ và định hình tương lai.
Tại phiên khai mạc, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam, cho rằng vấn đề Biển Đông trở thành chủ đề chính của các nước trong hoạch định chính sách. “Với tư cách là các chuyên gia có thể tích cực đưa ra các khuyến nghị xác đáng giúp Chính phủ các nước liên quan phối hợp hành động, cải thiện môi trường an ninh phát triển chung, nhất là tiếp tục để xuất các biện pháp xây dựng và củng cố và tận dụng các cơ chế an ninh của khu vực trong việc quản lý tranh chấp và giải quyết hòa bình các vấn đề phức tạp Biển Đông.”
Tại các phiên thảo luận, các chuyên gia, nhà nghiên cứu sẽ tập trung phân tích những hoạch định chiến lược hoặc xu thế tại khu vực Biển Đông, đề xuất một số giải pháp trong thời gian tới; từ đó hướng tới một môi trường đảm bảo an ninh để cùng nhau phát triển mạnh mẽ trong khu vực.