(VOV5) - Hội thảo được tổ chức và Hội thảo lần này có quy mô nhất từ trước đến nay, với 6 phiên toàn thể và 6 bàn tròn.
Sáng 6/11, tại Hà Nội, Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 11 với chủ đề “Hợp tác vì hòa bình và phát triển tại khu vực” do Học viện Ngoại giao, Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông và Hội Luật gia Việt Nam đồng tổ chức đã khai mạc. Tham dự Hội thảo có khoảng 250 đại biểu gồm quan chức, học giả và các nhà ngoại giao.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao đánh giá sau 10 năm tổ chức, chuỗi hội thảo quốc tế về biển Đông đạt được nhiều thành công. Hội thảo đã và đang được biết đến như một sự kiện học thuật uy tín, quy tụ các chuyên gia hàng đầu khu vực và thế giới về các vấn đề an ninh biển, luật biển, phát triển kinh tế biển và bảo vệ môi trường biển. Hội thảo đã trở thành điểm gặp gỡ, kết nối, chia sẻ giữa những người cùng quan tâm chung đến khu vực nói chung, biển Đông nói riêng.
Quang cảnh hội thảo |
Phát biểu tại phiên khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung kêu gọi các chuyên gia, học giả tiếp tục phát huy tinh thần “thẳng thắn, khách quan, khoa học”, tích cực đưa ra những kiến nghị xác đáng giúp chính phủ các nước liên quan cùng phối hợp hành động vì môi trường hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực:
"Chúng tôi tin rằng thúc đẩy hoà bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác trên biển Đông không chỉ là lợi ích và trách nhiệm của các nước trong khu vực mà còn là lợi ích và trachs nhiệm chung của cộng đồng quốc tế. Làm sao để bảo đảm tính hiệu quả của UNCLOS 1982 nói riêng và thượng tôn pháp luật nói chung. Làm sao để thu hẹp được khoảng cách trong việc diễn giải UNCLOS 1982 trên thực tế. Làm sao để các cơ chế đa phương tiếp tục có vai trò quan trọng trong việc bàn bạc, tìm kiếm giải pháp và thúc đẩy hợp tác trong khu vực. Trong khi đề cao vai trò của LHQ, chúng ta cần suy nghĩ làm sao để phát huy vai trò trung tâm của ASEAN và các cơ chế hợp tác khu vực. Với vai trò Chủ tịch Asean 2020, Việt Nam hy vọng sẽ cùng các đối tác thúc đẩy nâng cao hiệu quả hợp tác của ASEAN để giải quyết các thách thức an ninh biển."
Trong ngày đầu tiên của Hội thảo diễn ra các phiên với các chủ đề “Hiện trạng trên biển Đông: mối đe dọa, rủi ro và cơ hội”; “Biển Đông trong chiến lược của các cường quốc”; “Biển Đông trong các diễn đàn đa phương”. Đặc biệt, các đại biểu dự Phiên đặc biệt kỷ niệm 25 Hiến chương của đại dương – Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển năm (UNCLOS) 1982 ra đời. Tại đây, các đại biểu đều nhấn mạnh sự cần thiết duy trì môi trường hòa bình và ổn định trong khu vực và Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó UNCLOS phải là công cụ pháp lý quan trọng hàng đầu mà các quốc gia phải tuân thủ và lấy làm cơ sở.
Giáo sư-TS Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện ngoại giao cho rằng: "Bây giờ, Luật Biển không còn là những cái trừu tượng nữa. Qua vụ kiện của Philippin, Luật Biển được diễn giải rất rõ ràng. Các nước cũng có những căn cứ pháp lý rất rõ để tiến hành các hoạt động để bảo vệ quyền lợi của nước mình cũng như để hợp tác trong khu vực. Trong đó, đàm phán COC cũng là bước phát triển mới để các nước có nhiều biện pháp hợp tác với nhau hơn."
Bà Pooja Bhatt, nhà nghiên cứu các vấn đề quốc tế thuộc trường đai học Nehru Jawaharlai, khẳng định: "Tất cả các quốc gia trên thế giới đều tuân thủ và lấy UNCLOS làm căn cứ để điều chỉnh các hành vi của mình, nhưng dường như Trung Quốc thì không. UNCLOS là một văn bản pháp lý, bao gồm các quy định toàn diện xác lập các vùng biển, điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu, Vì vậy, tôi cho rằng UNCLOS 1982 phải là công cụ pháp lý để giải quyết các xung đột ở Biển Đông hiện nay."
Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 11 diễn ra trong hai ngày 6 và 7/11. Năm nay là năm thứ 11 Hội thảo được tổ chức và Hội thảo lần này có quy mô nhất từ trước đến nay, với 6 phiên toàn thể và 6 bàn tròn, nhằm mục tiêu tìm ra các giải pháp sáng tạo, góp phần cải thiện tình hình an ninh biển.