Phát triển nuôi trồng hải sản gắn với du lịch sinh thái biển
Nuôi trồng hải sản gắn với du lịch sinh thái biển là hướng phát triển ở tỉnh Bình Định. Hợp tác xã Dịch vụ du lịch - Thủy sản Nhơn Hải ở xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định là mô hình du lịch đầu tiên trong tỉnh hoạt động theo nguyên tắc kinh doanh dịch vụ công ích về bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên nhằm phát triển du lịch sinh thái cộng đồng. Hợp tác xã đã liên kết với nhiều ngư dân để thu mua một số loại hải sản và cùng với cộng đồng dân cư bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô gần 13 ha ở vùng biển Hòn Khô nhỏ.
Hệ sinh thái vùng biển xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn. Ảnh: VOV |
Ông Nguyễn Tôn Xuân Sáng, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ du lịch - Thủy sản Nhơn Hải cho biết hiện nay, Hợp tác xã đang thí điểm nuôi rong sụn (loại thực vật thuộc ngành tảo đỏ) ở vùng biển Nhơn Hải: "Chúng tôi hướng tới du lịch kết hợp nuôi trồng rong sụn đặc trưng riêng của địa phương. Thí dụ, nuôi một bè tôm hùm kết hợp nuôi một rạn rong bên trên thì thu hút được các nguồn thủy sản, từ đó có thể tổ chức các tour câu mực hoặc câu cá cho khách. Không có du lịch thì tất cả hoạt động kia cũng chỉ bán cho tiểu thương, không đem lại lợi nhuận cao."
Tỉnh Bình Định có diện tích nuôi trồng khoảng 3.500 ha, sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 13.500 tấn. Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Định, trên cơ sở quy hoạch nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh được duyệt, thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ đẩy mạnh nuôi biển gắn với phát triển du lịch. Đồng thời, xây dựng chuỗi liên kết từ khâu sản xuất gắn với các cơ sở thu mua chế biến, giải quyết đầu ra sản phẩm nuôi trồng: "Tỉnh gắn nuôi biển theo hình thức nuôi các loài thủy sản trong lồng bè hiện đại để chịu được sóng gió. Gắn phát triển thủy sản bằng hình thức nuôi trồng kết hợp với du lịch. Một số vùng có lợi thế ở Quy Nhơn như xã Nhơn Hải, Nhơn Lý thì chúng tôi đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản, đặc biệt trồng một số rong biển bảo tồn rạn san hô."
Với việc khuyến khích nuôi trồng hải sản trên biển gắn với du lịch sinh thái biển, giờ đây, du lịch và nuôi trồng thủy sản ở tỉnh Bình Định có thể hỗ trợ nhau cùng phát triển, đem lại lợi ích kinh tế cho địa phương.
Quảng Bình: Lễ Cầu ngư và mở biển đầu năm
Sáng 5/2, nhằm rằm tháng Giêng năm Quý Mão, ngư dân làng biển xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình tổ chức Lễ Cầu ngư và phát động ra quân mùa biển mới 2023, cầu mong 1 năm đánh bắt hải sản thắng lợi. Trong lễ Cầu ngư, ngư dân cầu mùa, cầu phúc, cầu thiện, cầu an, cầu lành, cầu cho thiên nhiên thuận hòa, đất nước thanh bình, làng xã yên vui, nhà nhà ấm no hạnh phúc. Bà Lê Thị Thu, ở thôn Vân Canh, xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch cho biết: "Năm nào gia đình tôi cũng chuẩn bị mâm lễ với các lễ vật thành tâm dâng đến linh miếu, cầu ngư để cầu bình yên. Xin cho toàn thể ngư dân ra khơi được thông suốt, làm ăn được nhiều may mắn."
Nghi thức chèo cạn tại lễ Cầu của người dân vùng biển Cảnh Dương. Ảnh: VOV |
Phần nghi lễ quan trọng nhất trong Lễ hội Cầu ngư là nghi lễ đọc văn tế Thần Ngư, được một vị cao niên có uy tín nhất trong làng làm chủ lễ. Theo quan niệm, ngư dân nhiều lần ra biển gặp nạn được cá voi cứu giúp nên bà con tôn thờ. Bài văn tế cầu mong và thể hiện sự biết ơn đối với việc che chở, nâng đỡ của cá Ông và cá Bà đối với ngư dân trong những chuyến đi biển.
Sau phần lễ là phần hội với các tiết mục múa hát dân ca làng biển Cảnh Dương và Múa bông chèo cạn. Kết thúc buổi lễ, các tàu cá trong xã chuẩn bị ra khơi đánh bắt hải sản đầu năm.
Lễ Cầu ngư làng biển Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia vào năm 2018.
Tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Quảng Ngãi thả các cá thể rùa biển về môi trường tự nhiên
Ngày 9/2, Đồn Biên phòng Trung Bình, Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng, phối hợp với chính quyền địa phương thả 3 cá thể rùa biển họ Vích về môi trường tự nhiên. 3 cá thể này do ngư dân đánh bắt được trong lúc đánh lưới tại khu vực cửa biển Trần Đề.
Đồn Biên phòng Trung Bình và Hạt kiểm lâm liên huyện Trần Đề - Cù Lao Dung thả các cá thể rùa biển họ Vích về môi trường tự nhiên. Ảnh: Văn Long/Báo Biên Phòng |
Đây là cá thể rùa biển họ Vích (tên khoa học là Cheloniidae) nằm trong Sách đỏ, có màu sọc đen, nặng khoảng 15kg. Sau các bước kiểm tra, nhận thấy cá thể rùa biển còn khỏe mạnh, bảo đảm sống được khi trở lại với môi trường tự nhiên, lực lượng chức năng đã thả cá thể rùa về môi trường tự nhiên tại vùng biển Sóc Trăng.
Trong khi đó, tại Quảng Ngãi, ngày 4/2, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn (Quảng Ngãi) cũng đã thả 1 cá thể rùa xanh nặng 10kg về môi trường tự nhiên trong tình trạng khỏe mạnh. Rùa xanh có tên khoa học Chelonia mydas, là loài động vật thuộc Sách đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) và Sách đỏ Việt Nam. Đây là loài quý hiếm, nguy cấp, được ưu tiên bảo vệ.