Tư lệnh Hải quân Việt Nam dự Hội nghị Hải quân Tây Thái Bình Dương lần thứ 18
Ngày 7 và 8/11, tại thành phố Yokohama, Lực lượng tự vệ trên biển (Hải quân) Nhật Bản đăng cai tổ chức Hội nghị Hải quân Tây Thái Bình Dương lần thứ 18 (WPNS-18).
Chuẩn Đô đốc Trần Thanh Nghiêm tham quan gian trưng bày tại hội nghị. Nguồn: qdnd.vn |
Tham gia hội nghị có tư lệnh, trưởng đoàn hải quân đến từ 27 nước (21 nước thành viên chính thức, 6 nước quan sát viên). Chuẩn Đô đốc Trần Thanh Nghiêm, Tư lệnh Hải quân Việt Nam, dự hội nghị. Đây là diễn đàn hải quân đa phương lớn trên thế giới, được nối lại bằng hình thức trực tiếp sau 2 năm gián đoạn bởi đại dịch COVID-19. Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về lộ trình tương lai của WPNS và các tham luận về các biện pháp xây dựng niềm tin, kiến tạo hòa bình, hợp tác trên biển…
Trong phần thảo luận, Tư lệnh Hải quân Việt Nam nhấn mạnh việc duy trì hòa bình, ổn định ở mỗi khu vực và trên toàn cầu, dù trực tiếp hay gián tiếp, là trách nhiệm của tất cả hải quân các nước trong WPNS. Để làm được điều đó, các quốc gia cần cam kết mạnh mẽ, củng cố lòng tin, tăng cường hợp tác; kiên trì nguyên tắc giải quyết tranh chấp, bất đồng trên biển bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia; tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Trong thời gian tham dự WPNS 18 tại Nhật Bản, Tư lệnh Hải quân Việt Nam đã có các cuộc gặp song phương Tư lệnh Hải quân các nước Philippines, Ấn Độ, Nhật Bản, Canada, Hàn Quốc và gặp không chính thức Tư lệnh Hải quân một số nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Colombia, Mỹ, Tư lệnh Hạm đội Bắc Hải (Hải quân Trung Quốc)... Thông qua các cuộc gặp, Tư lệnh Hải quân Việt Nam bày tỏ mong muốn củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác với hải quân các nước vì một khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển.
Việt Nam hỗ trợ nhân đạo 305 công dân Sri Lanka gặp nạn trên biển
Chiều 06/11, tàu cá LADY R3 (quốc tịch Myanmar) chở theo 305 công dân người Sri Lanka trên hành trình đi Canada, khi đến khu vực cách mũi Vũng Tàu khoảng 258 hải lý (hơn 477 nghìn km) về hướng Đông Nam thì bị nước tràn vào khoang máy khiến tàu trôi dạt trên biển. Nhận được thông tin, các lực lượng Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam đã khẩn trương sử dụng các biện pháp nghiệp vụ rà quét tìm tàu cá bị nạn; xác định các tàu đang hành trình ngang qua khu vực để yêu cầu cứu nạn, 6 tàu đi ngang qua khu vực tàu cá bị nạn đã tham gia hoạt động ứng cứu.
Tàu cá LADY R3 bị trôi dạt trên biển. Ảnh TTXVN |
Ngày 08/11, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phối hợp cùng Tổng Lãnh sự quán Sri Lanka tại Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận hơn 300 công dân Sri Lanka bị nạn do tàu hàng HELIOS LEADER (quốc tịch Nhật Bản) cứu được đưa về đất liền. Các công dân Sri Lanka đã được cơ quan chức năng địa phương bố trí nơi ăn nghỉ tạm thời.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã thông báo tới Đại sứ quán Sri Lanka tại Hà Nội và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với một số tổ chức quốc tế, các cơ quan liên quan và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu triển khai các biện pháp hỗ trợ nhân đạo theo quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế. Bộ Ngoại giao Việt Nam đang tích cực trao đổi với các bên liên quan trên tinh thần nhân đạo, trách nhiệm và hợp tác quốc tế.
Thời gian qua, các lực lượng trên biển của Việt Nam đã nhiều lần cứu hộ, cứu nạn thành công tàu nước ngoài gặp nạn trên các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
Cảng container quốc tế Tân cảng Hải Phòng đón Teu thứ 1 triệu
Sáng 09/11, tại thành phố Hải Phòng, Cảng container quốc tế Tân cảng Hải Phòng (TC-HICT) thuộc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn tổ chức lễ đón Teu (tấn tổng hợp bù) thứ 1 triệu thông qua cảng năm 2022 trên tàu Maersk Copenhagen thuộc tuyến dịch vụ xuyên Thái Bình Dương TPX của hãng tàu Maersk. Tại buổi lễ, các đại biểu đã ấn nút chào đón Teu thứ 1 triệu thông qua cảng. Đây là dấu ấn lịch sử sau gần 5 năm cảng đi vào hoạt động, khẳng định sự phát triển bền vững của TC-HICT về khai thác cảng tại khu vực trong nước và quốc tế.
Tàu Maersk Copenhagen cập cảng TC-HICT. Nguồn: thanhnien.vn |
Phát biểu tại buổi lễ, Trung tá Đoàn Hải Tuấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên cảng TC-HICT, nhấn mạnh sự kiện đón 1 triệu Teu thông qua cảng khẳng định sự thu hút hàng hóa xuất nhập khẩu ở khu vực phía Bắc và cảng biển nước sâu của nhà đầu tư nước ngoài. Các đối tác yên tâm khi đặt nhà máy tại Hải Phòng và các tỉnh thuộc khu kinh tế trọng điểm phía Bắc nhờ chi phí logistics được cắt giảm, hàng hóa được kết nối trực tiếp đến thị trường Mỹ và châu Âu, những thị trường xuất nhập khẩu lớn, không cần đợi trung chuyển qua cảng nước ngoài. Sự kiện này cũng góp phần vào sự phát triển và là điểm sáng của nền kinh tế khu vực phía Bắc trong năm nay…
Nhân dịp đón Teu thứ 1 triệu thông qua cảng, TC-HICT ủng hộ Quỹ vì người nghèo huyện Cát Hải, Hải Phòng, 200 triệu đồng.
Hiện nay TC-HICT tiếp nhận 14 tuyến dịch vụ mỗi tuần, trong đó có 6 tuyến dịch vụ xuyên Thái Bình Dương đi trực tiếp châu Mỹ, 1 tuyến dịch vụ đi châu Đại dương, 2 tuyến dịch vụ đi Ấn Độ và các tuyến dịch vụ nội Á khác. Với cơ sở vật chất cùng các trang thiết bị đồng bộ, hiện đại, tiên tiến, TC-HICT đã vươn lên là cảng dẫn đầu tại Hải Phòng về sản lượng hàng hóa thông quan; là cảng nước sâu đầu tiên, duy nhất hiện nay tại miền Bắc Việt Nam cũng như trong Top các cảng biển trên thế giới có thể tiếp nhận tàu có trọng tải lớn.
Vùng 4 Hải quân tiếp nhận 15.000 cây giống phủ xanh huyện đảo Trường Sa
Ngày 9/11, tại xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân tổ chức tiếp nhận 15.000 cây giống do Cơ sở cây xanh Vạn Thiên Thành phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, tài trợ.
Số cây xanh được đưa lên xe để vận chuyển về Vùng 4 Hải quân, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: TTXVN |
Số cây xanh được trao tặng gồm các giống mít, ổi, xoài, dừa, sầu riêng, vú sữa, nhằm mang ra trồng tại các đảo thuộc huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa và tại các đơn vị thuộc Vùng 4 Hải quân. Đây là hoạt động ý nghĩa nhằm thể hiện vai trò, trách nhiệm và tình yêu của nhân dân tỉnh Bến Tre đối với với biển, đảo quê hương; góp phần xây dựng huyện đảo Trường Sa ngày một xanh tươi hơn, xây dựng cảnh quan môi trường đơn vị cải thiện không gian sống, sinh hoạt, làm việc trên các đảo.
Đến nay, Vùng 4 Hải quân đã tiếp nhận hơn 32.000 cây giống các loại; tỷ lệ phủ xanh ở Trường Sa đến nay đạt khoảng 45%. Theo tính toán của Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, để phủ xanh toàn bộ huyện đảo Trường Sa và tại các đơn vị của Vùng 4 Hải quân, cần có thêm khoảng 70.000 cây xanh.
Gìn giữ nét đẹp lễ hội truyền thống của người dân vùng biển
Trong ba ngày 07 - 09/11 (tức ngày 14 - 16/10 âm lịch), tại huyện Kiên Hải (tỉnh Kiên Giang) diễn ra Lễ hội Nghinh Ông huyện Kiên Hải năm 2022. Đây là lễ hội truyền thống của người dân Kiên Giang và được tổ chức hằng năm nhằm cầu cho mưa thuận, gió hòa, ngư dân làm ăn thuận lợi. Bên cạnh đó, còn là dịp tăng cường quảng bá, thúc đẩy du lịch địa phương phát triển.
Nghi lễ cúng trên biển cầu cho mưa thuận gió hòa. Ảnh: TTXVN |
Lễ hội Nghinh Ông năm 2022 gồm hai phần. Phần lễ diễn ra với các hoạt động như: Lễ cung thỉnh các vị thần linh; lễ cầu an, lễ cầu siêu; lễ kiến quân; lễ nghinh Thần Nam Hải; lễ chánh tế Nam Hải Đại Tướng, trong đó Lễ nghinh Thần Nam Hải là lễ chính trong Lễ hội. Trong lễ hội diễn ra các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao; trưng bày hình ảnh tư liệu về biển đảo, lễ hội Nghinh Ông và các danh thắng Kiên Hải; tổ chức phục vụ đọc sách, trưng bày sách; trưng bày, giới thiệu, quảng bá du lịch và giới thiệu sản phẩm, quảng bá thương hiệu doanh nghiệp trong tỉnh...
Người dân đảo Lại Sơn chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt cá, nên Lễ hội Nghinh Ông Nam Hải là một trong những lễ hội quan trọng nhất trong năm. Gần đến ngày lễ hội hàng năm, hầu hết tàu thuyền dù đánh cá xa khơi cũng tụ tập về làm cho bến cảng hòn đảo giữa biển này tấp nập tàu thuyền.