(VOV5) - Thực hiện chiến lược phát triển về hướng Đông, tỉnh Bến Tre xác định phát triển các dự án năng lượng sạch, nhất là điện gió, là ngành kinh tế quan trọng và ưu tiên mời gọi đầu tư.
Đề xuất thành lập Khu kinh tế ven biển Nam Hải Phòng rộng 20.000 ha
Trước nhu cầu phát triển, thành phố Hải Phòng đang xúc tiến thành lập khu kinh tế ven biển phía Nam. Đây sẽ là khu kinh tế ven biển thứ hai của Hải Phòng, sau Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải được thành lập năm 2008.
Hội thảo “30 năm phát triển Khu công nghiệp, khu kinh tế Hải Phòng và định hướng thành lập khu kinh tế ven biển Nam Hải Phòng”. Ảnh: VOV |
Phát biểu tại Hội thảo “30 năm phát triển Khu công nghiệp, Khu kinh tế Hải Phòng và định hướng thành lập Khu kinh tế ven biển Nam Hải Phòng”, diễn ra hôm thứ ba (12/9), tại Hải Phòng, ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, cho biết: “Khu kinh tế thứ hai sẽ kết nối với khu kinh tế Vân Đồn, Quảng Yên (Quảng Ninh) và khu kinh tế Đình Vũ, Cát Hải của Hải Phòng. Như vậy, sẽ tạo thành một trục khu Kinh tế ven biển từ Thanh Hóa, Nghệ An sang Thái Bình, Nam Định, nối dài tới khu Kinh tế ven biển của Hải Phòng, rồi sang Quảng Ninh”.
Ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng phát biểu. Ảnh: VOV |
Dự kiến khu kinh tế mới của thành phố có diện tích khoảng 20.000 ha. Khu kinh tế mới sẽ có các công trình hạ tầng quan trọng, như: sân bay Tiên Lãng, cảng Nam Đồ Sơn, hai trung tâm logistics ở Kiến Thụy và Tiên Lãng cùng hệ thống cảng dọc sông Văn Úc. PGS. TS. Bùi Tất Thắng, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng: khu Kinh tế này được hình thành sẽ góp phần đưa Hải Phòng trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng đồng bằng Sông Hồng: “Tôi đề nghị gọi khu Kinh tế này là một khu kinh tế thế hệ mới, với tầm nhìn chiến lược mới về kinh tế biển. Chúng tôi kỳ vọng đây sẽ là một khu dẫn dắt toàn bộ các khu vực kinh tế của toàn tuyến ven biển phía Bắc”.
Hiện nay, Hải Phòng có 14 khu công nghiệp (KCN) và 1 khu kinh tế ven biển (KKT). Các KCN, KKT này đã thu hút gần 700 dự án đầu tư với tổng vốn lên tới hơn 36 tỷ USD.
Đẩy mạnh phối hợp liên ngành các lực lượng trên biển chống khai thác IUU
Để thực hiện hiệu quả các giải pháp khắc phục thẻ vàng khai thác hải sản bất hợp pháp của Uỷ ban Châu Âu (IUU), bắt đầu từ hôm qua (15/9), Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 phối hợp với tỉnh Kiên Giang và Cà Mau tổ chức tuần tra chung trên vùng biển Tây Nam. Theo đó, lực lượng chức năng duy trì lực lượng kiểm tra, kiểm soát trên thực địa; tiếp tục phối hợp trao đổi thông tin, điều tra, xác minh, tiếp nhận xử lý tàu cá vi phạm khai thác IUU.
Tuyên truyền viên Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân. Ảnh: VOV |
Thiếu tá Bùi Xuân Nhớ, trợ lý Phòng Pháp luật, Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, cho biết: “Trong quá trình tuyên truyền trên biển hoặc trên địa bàn, chúng tôi tập trung giúp bà con nhận thức rõ thế nào là vi phạm IUU, hành vi cụ thể nào, việc cần làm của bà con trước, trong và sau khi đi biển để bà con nắm và thực hiện nghiêm”.
Từ nay đến tháng 10, các lực lượng chức sẽ năng tiếp tục tăng cường quản lý và kiểm soát hoạt động tàu cá, xác nhận và chứng nhận nguyên liệu nguồn gốc thủy sản khai thác, phấn đấu chấm dứt tình trạng vi phạm IUU trên vùng biển Tây Nam.
Bến Tre ưu tiên phát triển điện gió, tạo đột phá phát triển
Thực hiện chiến lược phát triển về hướng Đông, tỉnh Bến Tre xác định phát triển các dự án năng lượng sạch, nhất là điện gió, là ngành kinh tế quan trọng và ưu tiên mời gọi đầu tư.
Tỉnh Bến Tre, có chiều dài bờ biển 65km, là lợi thế lớn để phát triển các dự án năng lượng điện gió. Đến thời điểm hiện tại, địa phương đã được Chính phủ, Bộ Công Thương phê duyệt vào quy hoạch 19 dự án điện gió Quốc gia với tổng công suất trên 1.000MW. Ngoài ra, tỉnh còn có 37 dự án điện gió đang trình Chính phủ, Bộ Công Thương để đưa vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), với công suất trên 13.000MW; trong đó, có 6 dự án điện gió ngoài khơi.
Nhiều dự án điện gió tiếp tục triển khai tại tỉnh Bến Tre. Ảnh: VOV |
Trong số 19 dự án điện gió đã được phê duyệt, đến nay, 9 dự án điện gió đã triển khai lắp đặt hoàn thành các tua-bin. 5 trong số đó đã vận hành đóng điện hòa lưới và phát điện thương mại. Bến Tre xác định điện gió là ngành kinh tế quan trọng. Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, khẳng định:“Chúng tôi xác định điện gió là ngành đầu tư đột phá mà có thể đóng góp nhiều cho việc tăng trưởng, phát triển Bến Tre trong thời gian tới, đặc biệt giải quyết công ăn việc làm, tăng thu ngân sách từ nguồn này rất quan trọng. Trong tương lai, định hướng phát triển sẽ rất tốt, nhất là khi có cơ chế chính sách giá điện được ghi vào quy hoạch Điện VIII, thì tôi cho rằng năng lượng sạch, điện gió sẽ có bước đột phá, phát triển tại tỉnh nhà”.