(VOV5) - Các học giả nhất trí rằng để đảm bảo an ninh và ổn định ở Biển Đông, các bên cần thực thi chính sách tự kiềm chế, giữ nguyên trạng, không thực hiện các hành động đơn phương trên Biển Đông.
Sau hai ngày làm việc với 28 tham luận chính, gần 200 ý kiến thảo luận, và trình bày của các đại biểu, Hội thảo Quốc tế lần thứ 8 về Biển Đông với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực” bế mạc chiều nay, 15/11, tại Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hóa. Qua bảy phiên làm việc, các đại biểu đã thảo luận về bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực, những diễn biến gần đây ở Biển Đông, các khía cạnh pháp lý, kinh tế, an ninh chính trị và lịch sử của tranh chấp Biển Đông và triển vọng về các giải pháp quản lý và giải quyết tranh chấp trong khu vực. Các đại biểu đã bác bỏ về đường 9 đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông, bởi luận điệu này không dựa vào bất kỳ luận cứ pháp lý, khoa học nào. Các học giả cho rằng trên thực địa Trung Quốc vẫn duy trì, thậm chí tăng cường sự hiện diện và kiểm soát trên Biển Đông, gồm cả khu vực bãi cạn Scarborough và quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Các hoạt động xây dựng và lắp đặt trang thiết bị phục vụ mục đích quân sự và do thám ở các điểm đảo Chữ Thập, Vành Khăn, và Subi không giảm tốc độ, cho thấy Trung Quốc không thay đổi mục tiêu dài hạn là giành toàn quyền kiểm soát Biển Đông. Đó là một nguyên nhân quan trọng gây ra căng thẳng trong khu vực. Các học giả cũng cho rằng các nước trong khu vực cần thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN trong việc quản lý tranh chấp ở Biển Đông.
Trả lời phỏng vấn báo chí bên lề hội thảo, ông Michael McDevitt, Chuẩn Đô đốc về hưu, Nghiên cứu viên cấp cao, Chương trình Nghiên cứu Chiến lược, Trung tâm Phân tích Hải quân (Hoa Kỳ), cho rằng, tình hình Biển Đông trong tương lai gần sẽ “yên ắng” và cơ bản ổn định. Liên quan đến phán quyết của Tòa trọng tài và tác động đối với quan điểm pháp lý của các bên tranh chấp, PGS, TS Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Viện trưởng Viện Biển Đông (Học viện Ngoại giao) cho rằng các kết luận của Tòa trọng tài đã giúp xác định và thu hẹp đáng kể các vùng biển tranh chấp tại Biển Đông. Phán quyết đã mở ra triển vọng về việc giải quyết và quản lý tranh chấp tại Biển Đông thông qua các biện pháp pháp lý; giúp các bên tranh chấp khác cân nhắc về các lựa chọn khi sử dụng các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp tại Biển Đông.
|
Quang cảnh phiên thảo luận thứ 4 của hội thảo. Ảnh: Tiên Minh - TTXVN |
Khẳng định tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, nhấn mạnh vai trò thượng tôn pháp luật, tuân thủ luật pháp quốc tế trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, Tiến sỹ Vladimir Evseev, Phó Giám đốc Viện các nước SNG, L iên bang Nga, cho rằng bất kỳ xung đột lãnh thổ nào cũng cần giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Việc giải quyết không đặt ra thắng lợi của một bên nào mà là xây dựng hệ thống an ninh khu vực trên cơ sở ổn định .
Các học giả nhất trí rằng để đảm bảo an ninh và ổn định ở Biển Đông, các bên cần thực thi chính sách tự kiềm chế, giữ nguyên trạng, không thực hiện các hành động đơn phương trên Biển Đông như quân sự hóa các điểm chiếm đóng hoặc tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông. Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc thúc đẩy hợp tác, các học giả đề xuất nhiều mô hình hợp tác trên Biển Đông, trong đó có cơ chế hợp tác hiện có như hợp tác song phương hoặc ba bên giữa một số bên ở Biển Đông, hợp tác xây dựng bộ quy tắc phòng ngừa va chạm bất ngờ trên biển và hợp tác bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản.
Phát biểu bế mạc, Phó giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam, nhận định: Tình hình Biển Đông trong thời gian tới có thể chịu tác động trái chiều từ nhiều khó khăn thách thức, diễn biến phức tạp, khó lường ở các khu vực khác trên thế giới. Vì vậy các bên cần có các cách tiếp cận xây dựng, tôn trọng lẫn nhau và tuân thủ luật pháp quốc tế. Hội thảo quốc tế lần thứ 8 về Biển Đông đóng góp cho việc thúc đẩy hợp tác quốc tế vì hòa bình, ổn định của Biển Đông.