(VOV5) - Với nội dung phán quyết PCA, tuyên bố chủ quyền đường chín đoạn của Trung Quốc không có cơ sở lịch sử và pháp lý.
Ngày 13/1, tổ chức World Future TV đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Biển Đông: Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) là công cụ để giải quyết xung đột” tại Kula Lumpur, Malaysia.
Theo ban tổ chức, phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) trong vụ kiện của Phillipines giúp làm rõ cơ sở pháp lý cho giải quyết tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, mang lại cho các nước ASEAN động lực trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền của mình.
Đảo An Bang thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. - Ảnh: Quý Trung/TTXVN |
Giáo sư Carly Thayer, Học viện Quốc phòng Australia, đánh giá cao việc các bên đã xây dựng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đồng thời phản đối các hành vi gây phức tạp tình hình, leo thang căng thẳng của Trung Quốc, các hoạt động cải tạo, thay đổi hiện trạng tại Biển Đông.
Với nội dung phán quyết PCA, tuyên bố chủ quyền đường chín đoạn của Trung Quốc không có cơ sở lịch sử và pháp lý. Ông nhận định ASEAN sẽ là động lực thúc đẩy quá trình đàm phán COC, trong đó ASEAN cần tăng cường đoàn kết nội khối. Đồng thời, Trung Quốc và ASEAN cần tăng cường các biện pháp xây dựng niềm tin, thúc đẩy các biện pháp ngoại giao và xây dựng cơ chế giải quyết xung đột trên cơ sở luật pháp quốc tế cũng như tự kiềm chế, không gia tăng hành vi gây căng thẳng tại Biển Đông.
Nhiều đại biểu cũng cho rằng để đạt được COC thì sự đồng thuận, đoàn kết nội khối trong ASEAN cần phải được tăng cường và đánh giá cao vai trò và uy tín của Việt Nam, nước đang đảm nhiệm chức Chủ tịch ASEAN năm 2020.