(VOV5) - Dáng người rắn rỏi, khuôn mặt đôn hậu với mái tóc bạc phơ là hình ảnh của người cựu chiến binh 82 tuổi làng Thượng Ích, xã Đức Lâm, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là Thiếu Tướng Nguyễn Văn Ninh, người đã tham gia rất nhiều cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước: Chiến tranh chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ và là quân tình nguyện giải phóng Campuchia. Cuộc đời ông là niềm tự hào với những thành tích và Huân huy chương đáng nhớ. Ông được bà con yêu mến gọi là Tướng Trường Sa-bởi ông là người tham gia đặt những viên đá đầu tiên lấp biển làm nhà giàn DK1 sau này.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh-nguyên Phó cục trưởng cục tác chiến-Bộ tổng tham mưu là một trong những người đầu tiên được giao nhiệm vụ tiếp nhận quần đảo Trường Sa từ chính quyền Sài Gòn năm 1975. Tiếp chúng tôi trong dịp đầu năm mới Nhâm Thìn 2012, Thiêu tướng Nguyễn Văn Ninh kể về những ngày đầu khó khăn, gian khổ ở vùng biển máu thịt của Tổ quốc- đảo Trường Sa, trong đó có nhà giàn DK1. Ông hồi tưởng về những ngày đầu tiên xây dựng nhà giàn: “Từ 1975 đến 1990, tôi phụ trách đảo Trường Sa. Lúc đó đời sống anh em chiến sỹ khó khăn lắm. Có thời gian 5 ngày liền chúng tôi không có nước uống, phải đi tìm rau, tảo ăn cho đỡ xót ruột .. nhưng chúng tôi xác định phải trải qua gian khổ khó khăn mới có thể xây dựng nền tảng cho nhà giàn sau này nên anh em đều cố gắng vượt qua không ca thán nửa lời...”
Nhà giàn DK1 đầu tiên được thành lập từ ngày 5/7/1989, mang tên Tư Chính nằm giữa biển Đông với tư cách là cột mốc chủ quyền quốc gia đặc biệt trên biển. Từ đó đến nay, 15 nhà giàn DK1 thuộc các cụm: Ba Kè, Phúc Tần, Quế Đường, Tư Chính, Phúc Nguyên và Huyền Trân tạo thành một vành đai bảo vệ trên biển. Làm nhiệm vụ trên các nhà giàn là cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp thuộc Tiểu đoàn DK1, Vùng 2 Hải quân. Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh cho biết những người lính Hải quân trên các nhà giàn bám trụ trên biển suốt 12 tháng, thậm chí có thời gian phải ở hơn 20 tháng mới được vào đất liền. Sống giữa biển , cuộc sống vô cùng khó khăn, vất vả và thiếu thốn đủ bề, nhưng với tình yêu Tổ quốc và biển đảo, những người lính Hải quân đã vượt qua mọi trở ngại, sống một cuộc sống lạc quan, yêu đời nơi đầu sóng ngọn gió. Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh nhớ lại: “Thời gian mới xây dựng nhà giàn có một vài nhà cứ vài năm lại bị đổ vì sóng gió. Chúng tôi phải chắt chiu từng viên đá, xi măng, nước ngọt, vừa dùng để uống, vừa dùng trộn xi măng. Khó khăn là thế, gian nan là thế, nhưng giờ đây được chúng kiến, được thấy tận mắt đời sống của các chiến sỹ trên nhà giàn ngày một đầy đủ, có sự quan tâm của cả nước cho Trường Sa để quân dân ta đủ sức đương đầu nơi đầu sóng ngọn gió, vững vàng tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc, tôi vô cùng hạnh phúc và tự hào..”
Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh xúc động kể về những cái Tết đầu tiên trên các đảo Trường Sa. Lúc đó, anh em phải tận dụng thêm lá cây bàng để gói bánh chưng, bên trong là lá dong cho xanh bánh, bên ngoài là lá bàng để tiết kiệm. Ông nói thế mới biết quân ta đánh giặc rất giỏi mà làm việc nhà cũng rất năng động, tuy thiếu thốn nhưng vui lắm.
Cuộc đời người lính được ông ghi lại qua những trang viết tay nắn nót, cẩn thận từng ngày tháng, kèm theo những tấm ảnh đen trắng về 15 năm ở Trường Sa. Trong đó chứa đựng biết bao kỷ niệm về Trường Sa mà ông muốn kể lại cho thế hệ mai sau. Ông tâm sự: “Tôi già rồi chắc không đủ sức ra Trường Sa nhưng ngày nào tôi cũng phải xem TV, nghe đài, các chương trình thời sự, đặc biệt là những chương trình nói về Trường Sa về các chiến sĩ Trường Sa. Đó là kỉ niệm, là một quãng đời sống đầy ý nghĩa và không thể quên đối với tôi và những người đã sống với Trường Sa”.
Tâm sự của vị tướng già đôn hậu như một lời nhắn nhủ của những con người Việt nam – tất cả hướng về Trường Sa, hướng về các chiến sĩ nhà giàn DK1 khi mỗi dịp xuân về./.
Hương Trà