Tuần qua, trong thư gửi về chương trình, thính giả mong muốn được cung cấp thông tin về ban nhạc hoặc dàn hợp xướng của VOV; các điểm du lịch, di tích; các hoạt động phòng chống dịch tại Việt Nam.
Nghe âm thanh tại đây:
Chào quý vị, chào các bạn,
Tuần qua, chương trình tiếp tục nhận được các tác phẩm dự thi kiều bào hát dân ca trên Đài TNVN từ các nước CHLB Đức, Cộng hòa Síp... Trên trang web, rất nhiều thính giả gửi bình luận, chia sẻ ý kiến về các tiết mục dự thi được đăng tải.
Các thính giả Chu Văn Anh, Chu Văn Như, Hoàng Thị Hảo, Lê Ngọc Anh đã rất thích tiết mục chèo: Không đâu bằng quê hương của thí sinh Nguyễn Thị Bình, từ Cộng hòa Sip. Thí sinh Anna Nguyễn, từ Cộng hòa Sip cũng đã được nhiều thính giả ca ngợi về tiết mục dự thi. Nhận xét về giọng hát của Ngô Quang, Thái Lan với tiết mục dân ca bèo dạt mây trôi, thính giả Mai Băng Châu viết: hay và ý nghĩa, chúc mừng giọng ca đi cùng năm tháng.
Nhiều thính giả cũng gửi yêu cầu, chia sẻ nhiều ý kiến về các bài viết trong các chuyên mục: Khám phá Việt Nam, sức khỏe, ca nhạc, người Việt muôn phương. Từ nước ngoài, thính giả từ Trung Quốc, từ LB Nga, Colombia bày tỏ, rất thích các chuyên mục của VOV5, qua đó, các bạn đã tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa, vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam. Các BTV của chương trình cũng nhận được nhiều tin, bài và ảnh về hoạt động của cộng đồng người Việt tại các nước.Chúng tôi cũng hàng ngày kết nối với bạn bè từ Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung quốc), Bỉ, Hà Lan, Hungary để tìm hiểu về dịch bệnh tại Việt Nam cũng như các hoạt động phòng chống dịch.
Thính giả Lutz Winkler gửi thư từ Đức, hỏi VOV có ban nhạc hoặc dàn đồng ca riêng không? Về câu hỏi này, chúng tôi xin giới thiệu đoàn hợp xướng của Đài TNVN.
Đoàn hợp xướng Đài TNVN thuộc Đoàn ca nhạc Đài TNVN, nay là nhà hát Đài TNVN, được thành lập vào ngày 15-12-1949. Đồng hành với những giai đoạn lịch sử cách mạng của đất nước, Đoàn ca nhạc Đài TNVN với đội ngũ nghệ sĩ, nhạc công có trình độ chuyên môn cao, thu thanh nhiều tác phẩm âm nhạc mang dấu ấn lịch sử cho Kho lưu trữ tư liệu Đài TNVN, đóng góp cho nền âm nhạc của nước nhà. Trong giai đoạn hiện nay, Nhà hát chú trọng công tác nâng cao chất lượng thu thanh, chất lượng hòa âm, phối khí cho các ca khúc, đáp ứng nhu cầu âm nhạc trên các phương tiện truyền thông của Đài TNVN.
Từ Campuchia, thính giả Van Dara muốn được nghe giới thiệu về Làng bích họa Cảnh Dương, Quảng Bình.
Làng Cảnh Dương với sản phẩm “làng bích họa” độc đáo, cung đường bích họa bắt đầu từ Đình thờ Tổ cho đến đường ven biển bao gồm những bức tranh 3D vô cùng sống động, để lại những ấn tượng đẹp trong lòng du khách. Làng Cảnh Dương một làng chài ven biển trù phú, nằm cạnh con sông Roòn thơ mộng thuộc huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Cảnh Dương được thành lập năm Quý Mùi (1634), tính đến nay, xã có lịch sử hình thành và phát triển gần 375 năm. Dưới từng nét vẽ chi tiết, tỉ mỉ và không kém phần kỳ công, những bức tranh tường, tranh 3D độc đáo được vẽ lên nhằm mô tả câu chuyện về quá trình hình thành, phát triển, truyền thống anh hùng trong kháng chiến, những nét đẹp bình dị của làng biển trù phú, những nét đặc trưng của đời sống người dân làng biển. Những chiếc thuyền đánh cá, câu chuyện riêng biệt, đậm tính nhân văn về ân tình giữa người dân biển Cảnh Dương và cả những cảnh vật đầy sống động giữa biển khơi. Trên cung đường bích họa, bạn có thể tham quan Đình thờ tổ, Linh Ngư Miếu, những ngôi nhà cổ, những bức tường cổ làm bằng đá san hô, còn nguyên màu rêu xanh cổ kính. Bạn còn có dịp tìm hiểu, trải nghiệm cuộc sống của người dân ở làng biển nơi đây với những nghề truyền thống như chài lưới, làm nước mắm, hải sản khô… Thưởng thức ẩm thực nơi đây với những món hải sản thơm ngon như tôm, cá, mực, ốc …
Thính giả Shoji Satoshi, ở tỉnh Iwate, Nhật Bản hỏi nhà tù Hỏa Lò ở Hà Nội
Nhà tù Hỏa Lò hay nhà pha Hỏa Lò xây dựng trên khu đất xưa thuộc làng Hỏa Lò, có địa chỉ: số 1 phố Hoả Lò, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây là 1 địa danh nổi tiếng bởi từng là nơi giam giữ rất nhiều nhà cách mạng lớn của Việt Nam. Bộ văn hóa thể thao và du lịch ra quyết định công nhận là di tích lịch sử vào năm 1997. Ngày nay, Hỏa Lò chỉ còn lại một phần với hơn 2.000 m2 tiếp giáp đường phố Hỏa Lò được bảo tồn, tôn tạo thành Khu Lưu niệm Nhà tù Hỏa Lò. Tại khu Lưu niệm này có đài tưởng niệm các chiến sỹ yêu nước, cách mạng đã hy sinh tại nhà tù Hỏa Lò, mô hình tái tạo hình ảnh các chiến sĩ cách mạng trong lao tù, chiếc máy chém mà thực dân Pháp đã dùng để hành quyết các chiến sĩ yêu nước, cách mạng và hệ thống trưng bày nhiều hiện vật, hình ảnh tư liệu quý. Hiện nay, di tích nhà tù Hỏa Lò đã trở thành “Địa chỉ đỏ”, nơi giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng tới mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ của Thủ đô và cả nước; nơi thu hút đông khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghiên cứu và học tập
Nhiều thính giả hỏi về tình hình phòng chống dịch COVID-19 ở Việt Nam hiện nay, chương trình xin được thông tin như sau:
Qua 4 đợt dịch, đặc biệt là đợt dịch lần thứ 4 vừa qua, công tác phòng chống dịch của Việt Nam đã đạt được những hiệu quả nhất định. Hiện nay, trong bối cảnh độ bao phủ tiêm vaccine ở nước ta vẫn còn ở mức khiêm tốn, việc chuyển hướng tiếp cận từ mức "Zero COVID-19" sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả", tức là chúng ta đồng thời vừa phải phòng chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế- xã hội. Các biện pháp phòng chống dịch phải điều chỉnh linh hoạt hơn, phù hợp hơn với thực tiễn cùng với việc đẩy nhanh tiến độ bao phủ vaccine. Đồng thời cũng cần phải phát hiện sớm các ca bệnh, không để sót ca bệnh. Khi phát hiện thì phải tiến hành khoanh vùng và cách ly ở diện hẹp nhất có thể, thậm chí có thể khoanh vùng một vài hộ gia đình... Cùng với đó, hạn chế khoanh vùng cách ly kéo dài trên diện rộng và triển khai quyết liệt các biện pháp điều trị từ sớm, từ xa để giảm số ca tử vong. Các trường hợp F1 cũng phải cách ly phù hợp, không chỉ cách ly tập trung mà có thể cách ly tại hộ gia đình, tại nơi lưu trú, để ngăn chặn nguồn lây. Đồng thời phải tuân thủ nghiêm các biện pháp "5K+vaccine+thuốc+công nghệ thông tin+ý thức của người dân".Cùng với đó, mở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh như giao thông vận tải, du lịch, giáo dục và đào tạo, sản xuất các ngành nghề... để từng bước có lộ trình đưa ra các giải pháp vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế một cách chắc chắn, hiệu quả phù hợp và đảm bảo an toàn phòng chống dịch với nguyên tắc thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hoạt hiệu quả phòng chống dịch.
Tới đây, chúng tôi xin được tạm dừng chuyên mục do thời lượng đã hết. Hẹn gặp lại quý thính giả trong những cánh thư sau.