Thính giả chia sẻ với đồng bào bị lũ lụt miền Trung

(VOV5) - Trong thư, điện thoại gửi về tuần qua, thính giả bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ khó khăn với người dân ở các khu vực miền Trung bị ảnh hưởng do bão lũ. Thính giả cũng muốn thông tin về tình hình biển Đông cùng một số điểm du lịch phượt cho giới trẻ vào mùa thu.

Nghe âm thanh tại đây:



Chào quý vị và các bạn,

Trong thư, điện thoại gửi về tuần qua, thính giả bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ khó khăn với người dân ở các khu vực miền Trung bị ảnh hưởng do bão lũ. Những tin tức về tình hình bão lũ từ trong nước là mối quan tâm rất lớn với thính giả nước ngoài cũng như cộng đồng người Việt tại các nước. Thính giả Minlin, người Indonesia chia buồn với những địa phương bị thiệt hại do bão lũ. Đây là mối quan tâm lớn của cộng đồng người Việt Nam tại các nước trong những ngày qua. Bà con người Việt tại các nước đã quyên góp ủng hộ gửi về trong nước. Tin bài và ảnh về các hoạt động quyên góp được đăng tải liên tục trên trang web của Hệ Phát thanh Đối ngoại quốc gia và trong các chương trình Phát thanh. Nhiều hội ở nước ngoài còn thông qua các phóng viên của chương trình chuyển tiền cứu trợ tới tận tay người dân. Chúng tôi xin điểm lại một số hoạt động của bà con ở các nước đã được các cộng tác viên, phóng viên thường trú của Đài TNVN ở các nước gửi về:

 

Tin ảnh: Du học sinh Việt tại Hàn tổ chức giải bóng đá gây quỹ cứu trợ đồng bào miền Trung của cộng tác viên Minh Phương ở Hàn Quốc; Tin ảnh: Chi hội người VN tại Trung tâm Thương mại Sapa Praha quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt của cộng tác viên Thiều Quang, cộng hòa Sec; Người Việt Nam tại Cộng hòa Cezch ủng hộ đồng bào bị lũ lụt ở miền Trung của các phóng viên thường trú Hữu Bình và Văn Huy; Phật tử chùa Phật tích tại Lào ủng hộ người đân bị thiên tai ở miền Trung của phóng viên Mỹ Bình; Cộng đồng người Việt tại Hungary kêu gọi ủng hộ đồng bào miền Trung của Minh Hiền, cộng tác viên từ Hungary; Cộng đồng người Việt tại Malaysia, Macao và Berlin hướng về đồng bào miền Trung. Thính giả Ivan Prihardika, người Indonesia thích chuyên mục ca nhạc và những bài hát Việt Nam; Thính giả Dwi Buhdi Rahardjo, người Indonesia thích bài viết về nhà phố cổ Hà Nội; Thính giả Hiroshi Nakagawa, người Nhật Bản mong muốn Đài TNVN phát những chương trình giới thiệu về vẻ đẹp Việt Nam để thính giả nước ngoài hiểu thêm về Việt Nam; Thính giả Nikolai Loginov, người Nga bình luận phóng sự ảnh “Nghệ thuật đường phố Nga trong không gian Hà Nội”: cơ hội tốt để làm quen với văn hóa Nga. Chương trình cũng nhận được thư của các thính giả quen thuộc từ nước ngoài như Nguyễn Văn Công, Hải Nam, từ Pháp; Hoàng Lộc, từ Anh, Phương Anh,  Phương Thảo, ở Mỹ, Trường Giang, ở Đức, Trần Chính ở Nga.


Quý thính giả thân mến! Đáp ứng nhu cầu của nhiều thính giả quan tâm tới tình hình biển Đông, chúng tôi xin tiếp tục giải đáp vì sao các bên cần tuân thủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC)  và vì sao cần phải có ngay Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC). Điều không thể phủ nhận là 10 năm qua (kể từ khi ký kết), DOC thực sự là một văn kiện có vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa xung đột, duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, đem lại lợi ích tích cực cho khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, do nhiều lý do, trong đó có cả sự khác biệt về quan điểm, lợi ích, nên một số biện pháp dự tính trong DOC chưa được triển khai, như: tìm kiếm các biện pháp xây dựng lòng tin…Những hạn chế về vai trò của DOC đối với an ninh, ổn định ở Biển Đông hiện nay do DOC không mang tính ràng buộc pháp lý nên dẫn đến việc các bên tham gia thiếu quyết tâm chính trị, chưa thống nhất trong vận dụng các điều khoản. Các tranh chấp biển Đông đan xen nhau, phụ thuộc lẫn nhau, chịu ảnh hưởng quan hệ giữa các siêu cường trong và ngoài khu vực nên ngày càng phức tạp, khó giải quyết. Chính vì vậy, ASEAN mới có sáng kiến ngăn ngừa đầu tiên với Tuyên bố Biển Đông năm 1992. Tuyên bố này lần đầu tiên kêu gọi các bên tranh chấp cùng ASEAN xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) như một biện pháp xây dựng lòng tin của khu vực. Là thành viên trong ASEAN, Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của mình tích cực tham gia xây dựng COC thực sự là cơ sở pháp lý hàng đầu, nhân tố quan trọng góp phần ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ xung đột, chiến tranh, đảm bảo duy trì hòa bình, ổn định, an ninh cho vùng Biển Đông nói riêng, khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới nói chung.


Quý thính giả thân mến ! Thính giả Toshiya Níhimura, người Nhật Bản hỏi Đài TNVN có thể giới thiệu những điểm du lịch phượt của các bạn trẻ trong mùa thu được không? Bạn thân mến,  Mộc Châu, Mù Cang Chải, Hà Giang, Sapa (Lào Cai)... là những địa điểm quen thuộc nhưng không bao giờ khiến dân phượt “chán” khi đi vào mùa thu. Đầu tiên là Mộc Châu, địa danh đã trở nên khá quen thuộc với dân du lịch bụi. Với đường đi khá thuận lợi, nhiều điểm thăm quan lôi cuốn, Mộc Châu có sức hút lớn với dân phượt từ chuyên nghiệp đến không chuyên. Mù Cang Chải là một huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái, vốn nổi tiếng với danh thắng ruộng bậc thang, mỗi mùa lúa chín nơi đây đón tiếp hàng nghìn khách từ khắp các miền tổ quốc về thăm. Mù Cang Chải có nhiều cảnh đẹp dành cho những người chơi ảnh. Còn Hà Giang từ lâu đã trở thành một điểm đến vô cùng thú vị đối với cả du khách trong và ngoài nước. Tháng 10, 11 ở Hà Giang là mùa hoa tam giác mạch, bạn đi vào khoảng tuần thứ 3 của tháng 10 cho đến khoảng đầu tháng 11 là đẹp. Và Sapa( Lào Cai) vẫn thường được gọi với cái tên yêu kiều “xứ sở sương mù”, đã không còn lạ lẫm trong mắt những người yêu du lịch. Nơi đây luôn mang nét hấp dẫn, ấn tượng riêng đến kỳ lạ, mà dù có đến bao nhiêu lần đi nữa vẫn còn điều để khám phá. Văn hóa của người dân nơi đây cũng thu hút dân phượt. Các tay lái sẽ không ít lần phải dừng lại để ngắm nhìn, chiêm ngưỡng phong cảnh thiên nhiên đẹp như tranh vẽ. Sapa là điểm đến lí tưởng cho những ai thích sự huyền bí và một chút gì đó nhẹ nhàng nên thơ. Hy vọng, những thông tin này sẽ giúp cho các bạn có những lựa chọn đúng đắn.


Quý thính giả thân mến! Rất mong quý vị tiếp tục đón nghe chương trình và gửi thư, bài vở cho  chúng tôi theo địa chỉ: Chương trình phát thanh Dành cho đồng bào VN ở xa Tổ quốc, Hệ Phát thanh Đối ngoại Quốc gia, Đài TNVN, 45 Bà Triệu, Hà Nội.

Điện thoại: 84. 4. 3. 8 252 070                       

Hộp thư điện tử: vietkieuvov@gmail.com      vovworld@vov.org.vn

Các bạn cũng có thể nghe chương trình của chúng tôi trên internet tại địa chỉ http://vovworld.vn hoặc http://vov5.vn từ 0h00 đến 1h00 ( giờ Việt Nam) tức là 17h00 đến 18h00 ( giờ quốc tế). Hẹn gặp lại quý vị và các bạn trong những cánh thư sau.

 

Phản hồi

Các tin/bài khác