Thính giả đóng góp ý kiến cùng thông tin về ngày Tết trung thu; bánh cuốn canh Cao Bằng

(VOV5) - Tuần qua, chương trình nhận được khá nhiều thư của thính giả đóng góp cho các chương trình phát thanh và trên trang web. Thính giả cũng quan tâm tới thông tin về ngày Tết thiếu nhi Việt Nam và đặc sản bánh cuốn canh của Cao Bằng.

Nghe âm thanh tại đây:

 

Chào quý vị, chào các bạn!

Trong những lá thư gửi về các chương trình của Hệ Phát thanh Đối ngoại Quốc gia tuần qua, thư của thính giả Nestor Vargas, ở Venezuela mong muốn được tiếp tục nghe những thông tin thú vị từ chương trình về văn hóa, ca nhạc Việt Nam và tình hình thế giới trên sóng VOV5. Từ Cuba, thính giả Mary Donalds Navarro từ Cuba chia sẻ từ nhỏ bà đã được học về một đất nước Việt Nam anh hùng, người dân Việt Nam luôn khát khao được tự do và sống trong hòa bình. Bà bày tỏ sự ngưỡng mộ tới Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ của cách mạng Việt Nam và học trò của Người, Đại tướng Võ Nguyên Giáp. |Thính giả Francisco Solorzano gửi thư cảm ơn chương trình tiếng Tây Ban Nha và VOV đã mang lại cho ông niềm vui mỗi tối với những chương trình phát thanh bổ ích, thú vị.

 

Chương trình cũng nhận được thư, điện thoại của các thính giả trong nước chia sẻ nhiều ý kiến cho các chuyên mục Kinh tế, Việt Nam đất nước con người, Giai điệu quê hương, sức khỏe của bạn, Tạp chí văn nghệ…trên sóng Phát thanh và trên trang web VOV5. Ngoài ra, chương trình cũng nhận được khá nhiều tin bài của các PV thường trú trong nước và nhất là ở các nước Nga, Lào, Mỹ, Ai Cập, Thái Lan… các CTV tại Sec, Ucraina…phản ánh về hoạt động và đời sống của người Việt tại các nước. Đó là bài: Người Việt đóng góp cho quê hương đâu phải cứ bằng kiều hối; Tin : Đêm nhạc “Giai điệu yêu thương” tại Cộng hòa Czech; “Tuần triển lãm ảnh về Việt Nam” tại Ai Cập; Ngày hội tuổi trẻ Việt Nam tại Ucraina; những thông tin mới nhất về người Việt tại Thái Lan và Bỉ sau các vụ hỏa hoạn và nổ bom; Người Việt ở Hàn Quốc giúp đỡ đồng hương bị tai nạn; Người Việt tại Hungary học tiếng Việt theo cách nào?; Tiếng Việt với Sinh viên Đại học Tổng hợp Quốc Gia Kiev- Đỗ Thị Hoa Lý, CTV Ucraina. Chương trình cũng nhận được thư của các thính giả quen thuộc Nguyễn Văn Công, Thùy Linh, ở Pháp; Thu Vân, Minh Anh, ở Mỹ; Trường Giang, ở Đức…Cảm ơn và chúng tôi luôn mong đợi tiếp tục nhận được những đóng góp của quý thính giả cho chương trình.

 

 Quý thính giả thân mến! Từ Nhật Bản, thính giả Tomezo Ando hỏi ở Việt Nam có ngày nào dành cho trẻ em không và nếu có thì người Việt Nam thường kỷ niệm ngày này như thế nào?


Về câu hỏi của thính giả Tomezo Ando, chương trình xin được thông tin như sau: ngoài ngày Quốc tế Thiếu nhi 1.6, cũng như các nước  khác, người dân Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa dành cho trẻ em, thì chúng tôi cũng còn một ngày khác dành cho trẻ em, đó là Tết Trung Thu, còn gọi là Tết Thiếu Nhi.


Tết Trung thu còn là dịp để người ta ngắm trăng tiên đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia. Cỗ mừng Trung thu gồm bánh trung thu, kẹo, mía, bưởi, và các thứ hoa quả khác nữa. Đây là dịp để con cái hiểu được sự săn sóc của cha mẹ đối với mình và lòng biết ơn của con cháu với ông bà, cha mẹ, các bậc sinh thành. Vì thế mà gia đình ngày càng thêm khăng khít.

         

Tết Trung thu,  còn có mặt nạ, đèn ông sư, đèn ông sao và đầu sư tử cho trẻ em. Phần lớn các gia đình thường tự làm lấy đồ chơi như trống bỏi, đèn ông sư, đèn ông sao, đèn kéo quân, mặt nạ, tò he, chong chóng... cho trẻ em trong gia đình. Các loại mặt nạ thường được làm bằng bìa hoặc bằng giấy bồi, với các hình phổ biến về các nhân vật trẻ em yêu thích bấy giờ như: đầu sư tử, ông Địa, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Bạch Cốt Tinh...Tại một số vùng nông thôn,  thường tổ chức cho trẻ em cùng nhau rước đèn đi khắp thôn, xóm, khu phố trong đêm Trung thu. Trong dịp Tết Trung thu, trẻ em có dịp được học bài hát “Rước Đèn Tháng Tám”. Tết Trung thu trong mỗi chúng ta là những kỷ niệm đẹp, là những hoài niệm về thời thơ ấu.

 

Quý thính giả thân mến! Đáp ứng yêu cầu của thính giả nước ngoài muốn được biết về các món ăn Việt Nam, tiếp theo món bún ốc của Hà Nội, chúng tôi giới thiệu đặc sản bánh cuốn canh của Cao Bằng. Ai từng một lần thưởng thức món ăn này sẽ chẳng thể quên được vị ngọt của nước hầm xương, bánh cuốn mềm, thơm lừng và béo ngậy.


Bánh cuốn ngon, khâu đầu tiên là gạo, lựa gạo, ngâm gạo. Gạo tẻ ngon vo sạch rồi nghiền thành bột loãng.Bánh cuốn ở Cao Bằng không tráng trước, nhưng các nguyên liệu làm nhân có thể xào sẵn. Nhưng nét đặc biệt riêng có của bánh cuốn Cao Bằng là ở nước dùng. Đó là thứ nước canh ninh từ xương heo loại ngon, khi chan ra bát là thấy rõ hương tủy xương thơm lừng, ngọt lịm bởi xương được chủ quán ninh từ tối hôm trước.  Đi kèm bát nước dùng được cho thêm vào vài thìa thịt băm nhuyễn, rắc chút hành xanh mướt trông vô cùng hấp dẫn. Chính vì vậy bánh cuốn Cao Bằng còn có tên gọi là bánh cuốn canh để phân biệt với bánh cuốn chấm nước mắm của vùng miền khác.


Tùy theo khẩu vị, có người thích ăn bánh cuốn canh không, người lại muốn thêm hương vị bằng quả trứng hay miếng giò. Ăn bánh cuốn Cao Bằng thưởng thức bát canh nóng, bánh cuốn nóng hổi, vị cay của tương ớt có vị quả mắc mật thơm dịu, người ăn có cảm giác vùng cao như rất gần.


Quý thính giả thân mến! Rất mong quý vị tiếp tục đón nghe chương trình và gửi thư, bài vở cho  chúng tôi theo địa chỉ: Chương trình phát thanh Dành cho đồng bào VN ở xa Tổ quốc, Hệ Phát thanh Đối ngoại Quốc gia, Đài TNVN, 45 Bà Triệu, Hà Nội.

Điện thoại: 84. 4. 3. 8 252 070

Hộp thư điện tử: vietkieuvov@gmail.com      vovworld@vov.org.vn

Các bạn cũng có thể nghe chương trình của chúng tôi trên website: www.vovworld.vn. Chương trình cũng được phát trực tuyến qua trang web này trên hệ VOV 5 vào lúc: 0h-1h (giờ quốc tế) tức từ 7h đến 8h (giờ Hà Nội); và 17h-18h (giờ quốc tế) tức từ 0h đến 1h (giờ Hà Nội) hàng ngày.  Hẹn gặp lại quý vị và các bạn trong những cánh thư sau.

Phản hồi

Các tin/bài khác