Thính giả mong muốn được thông tin về ý nghĩa ngày di sản, phát triển thành phố sáng tạo, đặc trưng mùa thu

(VOV5) - Tuần qua, thính giả gửi thư về các chương trình chia sẻ tình cảm, mong muốn được giải đáp một số lĩnh vực mà thính giả quan tâm.

Trong thư gửi về chương trình tuần qua, thính giả ở khắp nơi chia sẻ tình cảm và sự thú vị với các chương trình của Đài TNVN.Thính giả cũng mong muốn được thông tin một số nội dung quan tâm như Ngày di sản Văn hóa Việt Nam, phát triển thành phố sáng tạo Hà Nội và vè đẹp của mùa thu.

Nghe âm thanh tại đây:
 

Chào quý vị, chào các bạn,

Tuần qua, thính giả gửi thư về các chương trình chia sẻ tình cảm, mong muốn được giải đáp một số lĩnh vực mà thính giả quan tâm.

Từ Indonesia, thính giả Sutomo Huang cảm thấy rất vui vì được theo dõi các chương trình của VOV trên phát thanh và trên trang web. Thính giả muốn được nhận quà từ VOV như các bài báo, bưu ảnh, lịch 2023 và quà lưu niệm. Cảm ơn vì tình cảm đối với VOV và chúng tôi sẽ cố gắng để đáp ứng nguyện vọng của thính giả. Một số thính giả ở trong nước và nước ngoài chia sẻ: rất thích các nội dung về văn hóa, về các địa danh nổi tiếng của Việt Nam; Một số thính giả chúc mừng tuần lễ cấp cao APEC 2022 với cam kết của Việt Nam và các nước trong khu vực cùng đồng thuận để đạt được những mục tiêu đề ra. Nhiều thính giả nước ngoài từ Thái Lan, Lào, Trung Quốc... đang học tập tại Việt Nam chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam. Các thính giả kiều bào quen thuộc với chương trình cũng vẫn trao đổi qua các nền tảng mạng xã hội để biết thêm về kinh tế của đất nước, đồng thời thông tin về các hoạt động của bà con ở nước ngoài.

Quý thính giả thân mến, mở đầu phần trả lời thư, chúng tôi xin được thông tin về ý nghĩa của ngày di sản văn hóa Việt Nam theo yêu cầu của nhiều thính giả.

Ngày 24 tháng 2 năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/2005/QĐ - TTg về việc hàng năm lấy ngày 23 tháng 11 là “Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam”. Theo đó, việc tổ chức ngày Di sản Văn hóa có ý nghĩa to lớn trong việc tăng cường ý thức trách nhiệm, niềm tự hào của những người làm công tác bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Ngày Di sản Văn hóa nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa trong toàn nhân dân Việt Nam. Tháng 12/1993, quần thể di tích Cố đô Huế là di sản Việt Nam đầu tiên được Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Cho tới nay , Việt Nam đã có trên 20 di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và thiên nhiên được nhận vinh dự đó.

Nhiều thính giả muốn tìm hiểu về lợi thế phát triển thành phố sáng tạo ở Hà Nội.

Để hiện thực hóa mục tiêu trở thành thành phố sáng tạo, Hà Nội tập trung vào các chiến lược cốt lõi như kiến tạo trung tâm thiết kế sáng tạo, dự án chuỗi truyền hình tài năng sáng tạo. Ở đó, trung tâm thiết kế sáng tạo là nơi ươm mầm cho các tài năng thiết kế sáng tạo, hỗ trợ cho các dự án tiềm năng, thúc đẩy hợp tác quốc tế. Khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm được tích hợp thiết kế sáng tạo, thủ công và nghệ thuật, để trở thành điểm đến của nghệ thuật sắp đặt, biểu diễn và các hoạt động sáng tạo chất lượng. Thành phố cũng đang ấp ủ hình thành tổ hợp trưng bày, triển lãm làm việc chung, dự kiến nằm liền kề sông Hồng, kết nối khu phố cổ bằng một nhánh sống, tạo điểm đến hấp dẫn, thú vị cho khách du lịch và người dân thông qua khám phá sự khéo léo của các nghệ nhân, nghệ sĩ và các nhà thiết kế.

Thính giả Lay Sopang, người Campuchia, muốn tìm hiểu thú vui tô tượng của giới  trẻ Hà Nội.

Tô tượng là thú vui vốn của tuổi thơ được trở lại phổ biến hơn vào thời gian gần đây thu hút các bạn trẻ.  Tô tượng là trò chơi mang cả một bầu trời kí ức cùng với những kỉ niệm đáng nhớ của thế hệ 9x và đầu 2k. Đó là hình thức giải trí được ưa chuộng khi chưa có sự xuất hiện của điện thoại, máy tính. Thời gian gần đây, hoạt động tô tượng trở nên phổ biến thu hút nhiều bạn trẻ. Bắt kịp xu hướng ấy, nhiều cửa hàng cafe kết hợp hoạt động tô tượng được mở ra tại Hà Nội. Chỉ từ 20.000 đồng - 80.000 đồng với những kích thước tượng khác nhau, bất kì ai cũng có thể mua được tấm vé trở về tuổi thơ. Việc tô tượng rèn luyện khả năng tập trung, thư giãn đầu óc, rèn luyện kiên nhẫn và sáng tạo.

Thính giả Phoneseng, tỉnh Bolykhamsay, Lào, muốn tìm hiểu về nội dung hoạt động của Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2022-2027.

Trong nhiệm kỳ 2022 - 2027, Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào TPHCM tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên tuyền, giáo dục truyền thống đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, chú trọng tuyên truyền đến thế hệ trẻ của hai nước. Đồng thời, tổ chức tốt các ngày Lễ kỷ niệm trọng đại của hai dân tộc; Hướng đến tham gia tích cực vào sự kiện kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước và 50 năm ký kết Hiệp định hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào; Tích cực tham gia cùng Ủy ban MTTQ Việt Nam TP tổ chức tốt chương trình “Gia đình Việt với sinh viên Lào, Campuchia đang học tập tại TPHCM”. Nhiệm kỳ 2022-2027, ông Ngô Minh Châu, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM giữ chức Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào TPHCM lần thứ III.

Nhiều thính giả muốn tìm hiểu về ngày 19/11 là ngày Quốc tế Nam giới ở Việt Nam.

Ngày Quốc tế Nam giới được bắt đầu vào năm 1999 ở Trinidad và Tobago và được Liên Hợp Quốc ủng hộ và nhận được sự ủng hộ của các nhóm nam giới ở Mỹ, châu Âu, châu Á, châu Phi và vùng Caribe. Hiện nay, ngày Quốc tế nam giới được tổ chức tại trên 170 quốc gia, trong đó có Trinidad và Tobago, Jamaica, Australia, Ấn Độ, Mỹ, Úc, Canada, Singapore, Vương quốc Anh, Áo, Đan Mạch, Nam Phi, Malta và Việt Nam. Tại Việt Nam, sự kiện này khá mới mẻ và đang dần đước biết đến nhiều hơn trong thời gian gần đây. Mục đích của Ngày quốc tế nam giới là tập trung vào sức khoẻ của nam giới và trẻ em nam, cải thiện quan hệ giữa các giới, thúc đẩy bình đẳng giới và làm nổi bật vai trò, đóng góp đối với cộng đồng, gia đình, hôn nhân và chăm sóc con cái.

Thính giả Shivendu Paul, người Ấn Độ, hỏi tại Ấn Độ, khi có khách đến chơi, chủ nhà thường mời dùng trà và đồ ăn ngọt, sau đó sẽ mời ăn trưa và ăn tối với các món ăn truyền thống. Ở Việt Nam có phong tục này không?

Ở Việt Nam cũng vậy. Khi khách đến chơi  nhà, gia chủ thường mời ở lại chơi và tùy theo mối quan hệ, có thể mời uống nước, ăn bánh ngọt. Có thể mời ăn cơm thân mật trong gia đình và để cùng nhau trò chuyện, chia sẻ.

Thính giả Lục Đạt Thành, ở Chiết Giang, Trung Quốc, hỏi đặc trưng mùa thu Hà Nội là loài cây, loài hoa, loại quả nào?

Mùa thu có lẽ là mùa đẹp nhất trong năm ở Hà Nội. Nếu du khách đã từng ghé thăm Hà Nội những ngày thu chắc hẳn sẽ không bao giờ quên được tiết trời se lạnh cùng mùi hoa thoang thoảng khắp những con đường và len lỏi vào ngõ nhỏ. Những loài hoa đã làm nên mùa thu Hà Nội, đó là hoa sữa với mùi hương nồng nàn, hoa cúc, cúc họa mi bắt gặp trên các đường phố vào thời điểm cuối thu đầu đông và cuối cùng, là cảm nhận màu tím rực mùa thu của hoa thạch thảo. Các loại quả tượng trưng cho vẻ đẹp của mùa thu là quả sấu, quả hồng.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác