Thông tin về di sản Hội An và Tết dương lịch của người Việt

(VOV5) - Tuần qua với số lượng tin, bài và ảnh của các cộng tác viên, phóng viên thường trú làm cho trang web thêm sôi động, đầy màu sắc, hình ảnh.

Chào năm mới 2018, những phóng viên, biên tập viên của Hệ Phát thanh Đối ngoại Quốc gia và Chương trình Phát thanh dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc vô cùng phấn chấn đón nhận  những lời chúc cùng  tình cảm của thính giả gần xa dành cho các chương trình.

 Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Thính giả chương trình tiếng Tây Ban Nha, ông Saolmon Manuel gửi thư “Chúc mừng Giáng sinh và năm mới 2018. Thính giả  mong tiếp tục duy trì phát thanh sóng ngắn để cho thính giả có cơ hội tìm hiểu về Việt Nam nhiều hơn". Thính giả Ralf Urbanzcyk, người Đức, viết trong thư: "Tôi rất vui khi Bài Chòi của Việt Nam được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tôi đặc biệt thích loại hình này khi được nghe ở Hội An, trung tâm của nghệ thuật Bài Chòi." Các thính giả chương trình tiếng Thái Lan cho biết rất thích chuyên mục Dạy tiếng Việt và các thông tin VOV5 cung cấp rất hữu ích. Nhóm Việt kiều xây cầu cho người dân ở đồng bằng sông Cửu Long gửi thư chúc Giáng Sinh cùng với thông tin về hoạt động của nhóm. Qua điện thoại, thính giả Phan Thích từ Hưng Yên cũng cảm ơn vì đã nhận được quà tặng từ chương trình và mong muốn sẽ có giấy chứng nhận “ Thính giả nghe đài thân thiết” của chương trình.

Quý thính giả thân mến! Tuần qua với số lượng tin, bài và ảnh của các cộng tác viên, phóng viên thường trú làm cho trang web thêm sôi động, đầy màu sắc, hình ảnh. Từ Nga, Mỹ, Lào, Campuchia, Cộng hòa Sec…, tin bài và ảnh về hoạt động của người Việt nhân các ngày kỷ niệm Quân đội nhân dân Việt Nam, những lễ hội văn hóa và đón chào năm mới 2018 được các phóng viên, cộng tác viên gửi về. Mạng xã hội đã kết nối những người làm chương trình với những người Việt ở khắp nơi, với các thính giả từ Mỹ, Anh, Đức, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Hy vọng, sự gắn kết này sẽ ngày càng bền chặt hơn trong năm 2018.

Thông tin về di sản Hội An và Tết dương lịch của người Việt - ảnh 1 Nhà cổ Hội  An. Ảnh: hoian-tourism. com

Qúy thính giả thân mến! Vẫn là phần quan trọng, trả lời thư của thính giả. Một số thư từ Đức gửi về muốn tìm hiểu vì sao Hội An được công nhân là di sản của thế giới. Chương trình xin được trả lời:

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã công nhận đô thị cổ Hội An là một di sản văn hóa thế giới, dựa trên hai tiêu chí: Một là,  Hội An là biểu hiện vật thể nổi bật của sự kết hợp các nền văn hóa qua các thời kỳ trong một thương cảng quốc tế. Đây là nơi gặp gỡ của những thuyền buôn Nhật Bản, Trung Quốc và phương Tây trong suốt thế kỷ 17 và 18.  Hai là, Đô thị cổ Hội An ngày nay là một điển hình đặc biệt về cảng thị truyền thống ở Đông Nam Á được bảo tồn nguyên vẹn và chu đáo. Phần lớn những ngôi nhà ở đây là những kiến trúc truyền thống có niên đại từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19. Các hội quán, đền miếu mang dấu tích của người Hoa nằm bên những ngôi nhà phố truyền thống của người Việt và những ngôi nhà mang phong cách kiến trúc Pháp.

Về câu hỏi của thính giảKhách du lịch thường đến thăm những ngôi nhà và đường phố nào ở Hội An, chúng tôi xin thông tin: Nhà Tân Ký là một trong những ngôi nhà nổi bật nhất trong số những ngôi nhà cổ ở Hội An. Ngôi nhà này được chủ hiệu buôn Tấn Ký người gốc Hoa xây dựng từ cuối thế kỷ XVIII. Nơi đây đã là nơi cư ngụ của bảy thế hệ trong một gia đình. Không kém so với nhà cổ Tân Ký là khu nhà cổ Phùng Hưng. Tọa lạc ở Số 4 Nguyễn Thị Minh Khai – thị xã Hội An, nhà cổ Phùng Hưng là nơi chứng kiến sự ra đời nhiều thế hệ của gia đình Phùng Hưng, được xây dựng trên hai trăm năm và là mẫu nhà đẹp nhất của lối kiến trúc truyền thống có giá trị văn hóa cao ở Hội An. Ngoài ra phải kể đến ngôi nhà cổ Đức An (số 129 đường Trần Phú) đã có 180 năm tuổi.

Từ Kanagawa, Nhật Bản, thính giả Oikawa Kazuaki gửi thư hỏi ở Việt Nam, vào thời điểm nào dễ phát sinh bệnh dịch nhất? Thính giả cũng muốn tìm hiểu về chương trình tiêm chủng mở rộng.

Các bạn ạ, khi thời tiết chuyển mùa nóng sang lạnh và ngược lại là thời điểm dịch bệnh dễ phát sinh. Độ ẩm cao, mưa nhiều cũng là nguyên nhân gây nên nhiều dịch bệnh. Đối với tiêm chủng mở rộng, Bộ Y tế Việt Nam vừa quy định, từ năm 2018, trẻ từ sơ sinh đến 5 tuổi phải tiêm bắt buộc vắc- xin 10 bệnh truyền nhiễm trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Đó là viêm gan vi rút B, bệnh lao, bệnh bạch hầu, bệnh ho gà, bệnh uốn ván, bệnh bại liệt, bệnh do vi khuẩn Haemophilus influenzae týp b, bệnh sởi, viêm não Nhật Bản B, Rubella. Tất cả các trẻ tiêm 10 vắc- xin này đều được miễn phí do ngân sách Nhà nước chi trả.

Thính giả Oudomxay, ở Vientiane, Lào muốn biết dịp Tết dương lịch người Việt thường làm gì?  Người dân Việt Nam ở các tỉnh, thành chào đón phút chuyển giao giữa năm cũ và năm mới với nhiều hình thức khác nhau: ở các thành phố lớn là chương trình “Đếm ngược”. Nhiều nơi, tổ chức hoạt động văn hóa văn nghệ. Trong những ngày nghỉ lễ vừa qua, người dân tới các tụ điểm giải trí, vui chơi, tụ họp ở các nhà hàng, mua sắm ở các siêu thị, cửa hàng. Nhiều gia đình lựa chọn những chuyến du lịch nghỉ dưỡng.

Quý thính giả thân mến! Rất mong quý vị tiếp tục đón nghe chương trình và gửi thư, bài vở cho  chúng tôi theo địa chỉ: Chương trình phát thanh Dành cho đồng bào VN ở xa Tổ quốc, Hệ Phát thanh Đối ngoại Quốc gia, Đài TNVN, 45 Bà Triệu, Hà Nội.

Điện thoại: 84. 243. 8 252 070                       

Hộp thư điện tử: vietkieuvov@gmail.com      vovworld@vov.org.vn

Chương trình cũng được phát trực tuyến qua trang web www.vovworld.vn vào lúc: 0h-1h (giờ Hà Nội) tức từ 17h đến 18h (giờ quốc tế). Để tiện theo dõi các chương trình của chúng tôi từ điện thoại di động, quý thính giả có thể tải ứng dụng vov media xuống điện thoại di động; sử dụng hệ điều hành android hoặc IOS và chọn nghe VOV5. Hẹn gặp lại quý vị và các bạn trong những cánh thư sau.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác