(VOV5) - Tuần qua, chương trình nhận được nhiều thư, thiệp chúc mừng năm mới của thính giả trong nước và nước ngoài. Thính giả cũng muốn được giải đáp về thủ tục mang hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam, thủ tục xin cấp visa du lịch Hàn Quốc cùng thông tin về một số nghi lễ truyền thống dịp đầu xuân.
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Tuần qua, chương trình tiếp tục nhận được thư của thính giả gửi về chúc mừng năm mới. Thư của vợ chồng ông bà Đắc Chí, Quế Anh, bà Tô Lệ Hằng, ông Hải Nam, ở Pháp, bà Quỳnh Hương, ở Thụy Sĩ. Qua thư gửi về chương trình, ông Nguyễn Văn Công, giới thiệu về những công trình cầu nông thôn do nhóm các kỹ sư việt kiều xây dựng, giúp bà con ở đồng bằng sông Cửu Long. Thư của ông Nguyễn Quang Riệu, việt kiều tại Pháp viết:“ Xin chúc các anh chị và gia đình một Năm mới 2014-Giáp Ngọ hạnh phúc và nhiều niềm vui”. Bạn Phương Anh, Phương Thảo, du học sinh ở Mỹ không về ăn Tết cũng gửi lời chúc những điều tốt đẹp nhất tới gia đình, bạn bè. Nhiều thính giả cũng mong muốn, năm 2014 này, chương trình sẽ giới thiệu nhiều hơn về văn hóa Việt Nam, những phong tục, tục lệ ngày xuân, năm mới để giúp người Việt cho dù ở nước ngoài cũng hiểu về truyền thống dân tộc và giáo dục cho các thế hệ sau. Chương trình cũng tiếp tục nhận được tin, bài cộng tác của các cơ quan thường trú Pháp, Mỹ, Campuchia, Nga…Chúng tôi mong tiếp tục nhận được sự cộng tác của quý thính giả, các bạn đồng nghiệp, các cộng tác viên.
Mở đầu Hộp thư thính giả, chúng tôi xin đăng thư của ông Phi Hùng. Thư viết: “Tôi mang quốc tịch Hoa Kỳ. Sau thời gian về Việt Nam làm việc, tôi đã nhập quốc tịch Việt Nam và mua nhà đứng tên của tôi. Hiện nay tôi đã quay về Mỹ làm việc. Tôi muốn hỏi sau này tôi quay lại Việt Nam làm thì có được đem theo 1 chiếc xe hơi theo dạng Việt kiều hồi hương không (lúc nhập tịch tôi không đem về)?
Về câu hỏi của ông, chúng tôi xin trả lời như sau: Theo quy định của pháp luật hiện hành thì người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép hồi hương được nhập khẩu 01 chiếc xe ô tô cá nhân đang sử dụng. Cũng theo quy định, tài sản của người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài được phép về Việt Nam định cư thì cũng được miễn thuế nhập khẩu. Tuy nhiên phải nộp thuế giá trị gia tăng với mức thuế suất 10% và nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế suất từ 10% đến 60% tùy thuộc vào số chỗ ngồi, dung tích xi lanh và nhiên liệu mà xe sử dụng là xăng, điện, năng lượng sinh học hay nhiên liệu hỗn hợp.
Bạn Kim Thanh hỏi: “Em có chị lấy chồng Hàn Quốc đã được hơn 6 năm và có quốc tịch, bây giờ muốn làm thủ tục bảo lãnh em là em trai ruột sang đó du lịch khoảng 1 tháng. Vậy có được không? Nếu được thì em cần làm thủ tục gì?”
Bạn Thanh thân mến ! Việc bạn có mong muốn sang Hàn Quốc để du lịch đòi hỏi bạn phải đáp ứng thủ tục xuất cảnh khỏi Việt Nam và nhập cảnh vào Hàn Quốc. Theo quy định hiện nay của Hàn Quốc, để được nhập cảnh vào Hàn Quốc, người xin nhập cảnh phải thực hiện các thủ tục xin cấp thị thực (visa) để được phép nhập cảnh vào Hàn Quốc.
Hiện nay, Visa thăm gia đình chỉ dành cho việc thăm con kết hôn với người Hàn Quốc (con rể, con dâu mời bố, mẹ vợ / chồng), trường hợp bố / mẹ người Hàn Quốc nhận con riêng của vợ/ chống làm con nuôi (đối tượng trẻ em đến 17 tuổi), thăm người thân đang học Thạc sỹ, Tiến sỹ, hoặc có các loại Visa làm việc tại hàn Quốc, Visa thăm gia đình chồng mà không dành cho việc mời cá nhân là anh, chị em sang Hàn Quốc để thăm. Do đó, chị bạn không thể bảo lãnh (mời) bạn sang Hàn Quốc để thăm mình được.
Do đó, để đạt được mục đích của mình bạn cần làm các thủ tục để được cấp Visa du lịch. Bạn cần liên hệ trực tiếp với Đại sứ quán Hàn Quốc tại Hà Nội hoặc cơ quan Lãnh sự quán Hàn Quốc tại thành phố Hồ Chí Minh để nắm các thủ tục cụ thể.
Quý thính giả thân mến ! Để giúp các bạn có nhu cầu đi học đại học và sau Đại học ở Hung ga ri, chúng tôi xin thông tin về việc tuyển 50 ứng viên theo Hiệp định ký kết giữa Bộ giáo dục và đào tạo Việt Nam với Bộ giáo dục đào tạo Hung ga ri năm 2014.
Trong số 50 học bổng toàn phần có 40 học bổng đào tạo trình độ đại học/thạc sĩ và 10 học bổng đào tạo trình độ tiến sĩ. Ứng viên được tiếp nhận đi học tại Hungary theo chương trình học bổng này sẽ được học tập, nghiên cứu miễn phí, được cấp bảo hiểm y tế và học bổng hằng tháng theo mức quy định của Chính phủ Hungary. Chính phủ Việt Nam sẽ cấp vé máy bay một lượt đi và về, phí đi đường, lệ phí làm hộ chiếu, visa và cấp bù sinh hoạt phí theo mức quy định của Chính phủ Việt Nam. Học bổng thuộc các lĩnh vực, nông nghiệp, khoa học tự nhiên, văn hóa và nghệ thuật, giáo dục, y dược…
- Đối với 10 học bổng tiến sĩ, ngành học cụ thể sẽ được xem xét dựa trên hồ sơ dự tuyển của ứng viên và khả năng tiếp nhận của phía Hunggary.
Điều kiện tiếng Anh: chứng chỉ tiếng Anh tối thiểu TOEFL iBT 90 hoặc ITP 550 hoặc IELTS 5.5 hay có bằng đại học, thạc sĩ ở nước ngoài học bằng tiếng Anh (đối với những trường hợp dự tuyển đi học đại học, thạc sĩ, tiến sĩ bằng tiếng Anh). Dự kiến ứng viên trúng tuyển sẽ lên đường đi học trong tháng 8-2014.
Quý thính giả thân mến ! Những ngày đầu Năm mới, người dân Việt Nam vẫn giữ được tập tục tiến hành một số nghi lễ truyền thống vào đầu Xuân. Chúng tôi xin giới thiệu để quý thính giả hiểu rõ hơn về những phong tục này: thứ nhất, lễ động thổ hàng năm được tiến hành sau ngày mùng 3 tết. Động thổ phải có lễ cúng Thổ thần để trình xin bắt đầu động đến đất cho một Năm mới. Thứ hai là lễ khai hạ. Theo tục lệ Việt Nam, ngày mùng 7 tháng Giêng là ngày hạ cây nêu. Cây nêu trồng trong năm, khi sửa soạn đón tết cùng với cung tên bằng vôi trắng vẽ trước cửa nhà để “trừ ma quỷ,” nay được hạ xuống. Lễ hạ nêu còn được gọi là lễ khai hạ. Nhân dịp này, ngoài lễ cúng trời đất, người ta còn sửa lễ cúng gia tiên, cúng Thổ công và thần tài. Thứ ba là lễ Thần Nông. Thần Nông là vị “vua” đầu tiên đã dạy dân nghề làm ruộng, chế ra cày bừa và là người đầu tiên đã làm lễ tịch điền hoặc hạ điền. Lễ Thần Nông tức là lễ tế vua Thần Nông để cầu mong cho mùa màng và nghề nông phát đạt. Thứ tư là lễ tịch điền. Lễ tịch điền còn gọi là lễ hạ điền do chính vua Thần Nông đặt ra. Cũng như một số nghi lễ khác, lễ tịch điền của người Trung Quốc đã du nhập sang Việt Nam. Hàng năm vào đầu xuân, nhà vua lại tự thân cày mấy luống đất để làm gương cho dân chúng và cử hành lễ tịch điền. Tiếp sau vua, các hoàng thân, các quan văn võ, các chức sắc, bộ lão sở tại cũng ra cày.
Tiếp đó là Lễ khai ấn thường được tiến hành sau ngày rằm tháng Giêng. Các ấn đã được lau chùi trong năm. Ngày xuân, Bộ Lễ chọn ngày lành, giờ tốt để làm lễ khai ấn, nghĩa là dùng ấn đóng lên một công văn chỉ dụ. Thường bản văn đầu tiên được đóng ấn là bản văn tốt lành.
Cuối cùng là lễ khai bút mang ý niệm tâm linh và trở thành truyền thống văn hóa không thể thiếu đối với dân tộc Việt Nam mỗi dịp Năm mới. Ngày xưa, dịp đầu Năm mới, sau lễ cúng đón giao thừa, các viên quan, các nhà giáo, nhà sư, các môn đồ chuẩn bị án thư, nghiên mực, bút lông và giấy hoặc lụa để làm lễ khai bút đầu năm.
Quý thính giả thân mến! Rất mong quý vị tiếp tục đón nghe chương trình và gửi thư, bài vở cho chúng tôi theo địa chỉ: Chương trình phát thanh Dành cho đồng bào VN ở xa Tổ quốc, Hệ phát thanh đối ngoại, Đài TNVN, 45 Bà Triệu, Hà Nội.
Điện thoại: 84. 4. 3. 8 252 070
Hộp thư điện tử: vietkieuvov@gmail.com vovworld@vov.org.vn
Các bạn cũng có thể nghe chương trình của chúng tôi trên website: www.vov.vn. Chương trình cũng được phát trực tuyến qua trang web này trên hệ VOV 5 vào lúc: 0h-1h (giờ quốc tế) tức từ 7h đến 8h (giờ Hà Nội); 1h30-2h30 (giờ quốc tế) tức từ 8h30 đến 9h30 (giờ Hà Nội); 4h30-5h30 (giờ quốc tế) tức từ 11h30 đến 12h30 (giờ Hà Nội) và 17h-18h (giờ quốc tế) tức từ 0h đến 1h (giờ Hà Nội) hàng ngày. Hẹn gặp lại quý vị và các bạn trong những cánh thư sau./.