Tình cảm của thính giả với Đài TNVN; quan tâm tình hình thiên tai; thông tin về Festival Thu Hà Nội 2024

(VOV5) - Việt Nam có 7 danh nhân được Tổ chức giáo dục, khoa học và văn  hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh. 

Tuần qua, trong thư gửi về chương trình, thính giả dành tình cảm cho Đài TNVN, chia sẻ về tình hình bão lũ. Thính giả cũng quan tâm tới các trường đại học của Việt Nam; thông tin về Hoàng thành Thăng Long; danh  nhân của Việt Nam được  UNESCO công nhận.

Nghe âm thanh tại đây:
Chào quý vị, chào các bạn,

Tuần qua, những lá thư của thính giả gửi về các chương trình vẫn dành rất nhiều tình cảm cho  Đài Tiếng nói Việt Nam và Ban Đối ngoại. Thính giả cũng quan tâm tới tình hình thiên tai đang xảy ra ở nhiều địa phương.

Thính giả Rubén Walter Suarez Bonilla, ở Uruguay, chia sẻ: “Tôi bắt đầu nghe đài từ năm 1982 và cho đến năm 2015 tôi vẫn duy trì thói quen này. Đài TNVN luôn là đài mà tôi thường xuyên nghe vì tôi muốn biết thêm về khu vực châu Á”.Từ Ehime, Nhật Bản, thính giả Tanabe Tsumeyoshi gửi thư với nội dung: “Tôi nghe mọi tin tức với sự yêu thích. Tôi mong các bạn luôn chuyển tải những chương trình phát thanh đến với tất cả thính giả trên khắp mọi nơi trên thế giới”.Từ Campuchia, thính giả Sok Heng viết: “Những thiệt hại về người và của do ảnh hưởng của bão Yagi gây ra tại 26 tỉnh thành phía Bắc Việt Nam khiến tôi bàng hoàng. Xin chia buồn với gia đình các nạn nhân và cũng xin chúc người dân Việt Nam sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này”. Thính giả Sou Sambath, ở Phnom Penh, Campuchia, viết: “Tôi được biết cả một ngôi làng ở tỉnh Lào Cai đã bị vùi lấp do lũ quét và sạt lở. Xin chương trình thông tin về công tác cứu hộ, hỗ trợ người dân tại đây.”

Trong tuần qua, trên sóng phát thanh, trên trang web vov5 của Ban đối ngoại vẫn tràn ngập hình ảnh về các hoạt động cứu trợ, khắc phục hậu quả thiên tai cũng như những tấm lòng của cộng đồng người Việt ở khắp nơi trên thế giới hướng về quê hương, về vùng lũ. Những hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cũng như những sự kiện sắp diễn ra tháng 10, đặc biệt là kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô. Thính giả cũng chia sẻ nhiều ý kiến nhận xét và yêu cầu khi theo dõi các bài viết trong các chuyên mục của chương trình.

Quý thính giả thân mến, mở đầu phần trả lời yêu cầu của thính giả, tuần nàythính giả Lim Chanda, du học sinh Campuchia tại đai học Y Dược Thái Bình, muốn tìm hiểu thông tin về Festival Thu Hà Nội năm 2024.

Festival Thu Hà Nội lần thứ 2 năm 2024 với chủ đề “Thu Hà Nội – Mùa Thu lịch sử” gồm nhiều nội dung phong phú, đặc sắc: Mô hình Cổng chào tái hiện hình ảnh Hà Nội nhộn nhịp ngập trong rừng cờ hoa chào đón đoàn quân chiến thắng trở về, mô hình “Cột cờ Hà Nội”, “Ga Hàng Cỏ - Chuyến tàu lịch sử”, “Ô Quan Chưởng”, “Vườn ánh sáng” hay các điểm đến du lịch hấp dẫn vào mùa thu như Cầu Long Biên, phố cổ Hà Nội; Không gian giới thiệu ẩm thực Hà Nội tại khu vực nhà Bát Giác với các món ăn truyền thống như cốm làng Vòng, bánh cốm Hàng Than, trà sen Tây Hồ, cà phê phố cổ, bánh mì Phố, nem nắm Chương Mỹ...Một trong những điểm nhấn của Festival Thu Hà Nội là sự tham gia của các làng nghề truyền thống.  

Từ Indonesia, thính giả Liana Safitri muốn được nghe giới thiệu về Hoàng thành Thăng Long.

Công trình được xây dựng từ thế kỷ thứ VII dưới triều đại Đinh – Tiền Lê, trải qua nhiều giai đoạn phát triển rực rỡ dưới các triều đại Lý, Trần, Lê và Nguyễn. Hoàng thành Thăng Long là công trình kiến trúc đồ sộ, tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc và kỹ thuật xây dựng Việt Nam thời phong kiến. Năm 2010, Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Hoàng Thành Thăng Long là địa điểm lưu giữ nhiều giá trị lịch sử của dân tộc bao gồm cả những giá trị về kiến trúc, lịch sử, văn hóa.  Điểm nhấn đầu tiên trong quần thể di tích Hoàng thành Thăng Long chính là Kỳ Đài, hay còn được biết đến với tên gọi Cột Cờ Hà Nội. Tiếp đó là khu khảo cổ Hoàng thành Thăng Long; Điện Kính Thiên uy nghi, Hậu Lâu, hay còn gọi là Tĩnh Bắc Lâu, mang vẻ đẹp cổ kính và bí ẩn; Cửa Bắc – hay còn gọi là Chính Bắc Môn – sừng sững hiên ngang như một minh chứng cho lịch sử hào hùng và tinh thần quật cường của người dân nơi đây. Giữa lòng Hoàng thành Thăng Long cổ kính, Nhà D67 nổi lên như một di tích lịch sử mới mẻ, gắn liền với những năm tháng hào hùng của dân tộc.  

Từ Lào, thính giả Chomaly hỏi Việt Nam có bao nhiêu danh nhân được  Tổ chức giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc( UNESCO) công nhận.

Việt Nam có 7 danh nhân được Tổ chức giáo dục, khoa học và văn  hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh. Đó là Nguyễn Trãi:  Danh nhân văn hóa thế giới,  năm vinh danh 1980 nhân kỷ niệm ngày sinh 600 năm; Chủ tịch Hồ Chí Minh: anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất;  năm vinh danh 1990 nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh;  Nguyễn Du: danh nhân văn hóa thế giới, năm vinh danh 2015 nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh; Chu văn An: nhà giáo, năm vinh danh 2019 nhân 650 năm ngày mất; Nguyễn Đình Chiểu: nhà thơ, nhà văn hóa lớn, năm vinh danh: 2021 nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh; Nữ sĩ Hồ Xuân Hương: danh nhân văn hóa mang tầm vóc nhân loại, năm vinh danh: 2021 nhân 200 năm ngày sinh, 250 năm ngày mất; Hải thượng Lãn ông Lê Hữu Trác: danh y, năm vinh danh 2023 nhân 300 năm ngày sinh.

Thính giả Sahadot Hossain người Bangladesh hỏi Việt Nam có bao nhiêu trường đại học và Trường đại học nào là lớn nhất.

Việt Nam hiện có 244 cơ sở giáo dục đại học, trong đó 172 cơ sở giáo dục đại học công lập; 67 cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập và 5 cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài. Trường đại học Quốc gia Hà Nội là trường Đại học lớn nhất với diện tích sử dụng khoảng hơn 1113,7 ha.

Từ Tokyo, Nhật Bản, thính giả Sugai Kazuhiro hỏi:Chính phủ Việt Nam có những chính sách nào cho việc bình ổn giá điện, xăng, dầu, khí đốt? Chúng tôi xin thông tin như sau:

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ động xây dựng kế hoạch xăng dầu cho năm 2025 và các năm tiếp theo; không để thiếu hụt hoặc đứt gãy nguồn cung như năm 2022. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, doanh nghiệp liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung triển khai, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã được giao. Các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chủ động nguồn hàng, cung cấp đủ xăng dầu cho hệ thống, tuyệt đối không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống phân phối xăng dầu của mình, duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên, bán đúng giá niêm yết; Chủ động xây dựng kế hoạch xăng dầu cho năm 2025 và các năm tiếp theo. Thường xuyên theo dõi sát các diễn biến thị trường hàng hóa thế giới và trong nước, tình hình thiên tai, bão, lụt để có kế hoạch dự phòng, bảo đảm cung ứng đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống. Giám sát và kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định các hành vi găm hàng, buôn lậu xăng dầu qua biên giới, vi phạm quy định về kinh doanh xăng dầu, hóa đơn điện tử…

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác