Tuần qua, trong thư gửi về các chương trình, thính giả mong muốn tìm hiểu những thông tin về văn hóa Việt Nam: những loài hoa đặc trưng của Hà Nội; Nghề làm bánh tránh Túy Loan(Đà Nẵng); tour du lịch đêm Văn Miếu...
Nghe âm thanh tại đây:
Chào quý vị, chào các bạn,
Những chủ đề trong tháng 2 như Ngày thành lập Đảng 3/2, Tết trồng cây, ngày phát thanh thế giới 13/2, hay những lễ hội mùa xuân là những nội dung mà thính giả ở khắp nơi quan tâm trong những lá thư gửi về các chương trình.
Thính giả Najimuddin, từ Ấn Độ viết: "Tôi xin chúc các bạn một Ngày Phát thanh Thế giới 2024 vui vẻ. Tôi là người hâm mộ VOV vì qua đây, tôi cảm nhận rõ nét về Việt Nam. Một ngày nào đó tôi sẽ đến thăm đất nước các bạn. Từ Hoa Kỳ, thính giả John Jurasek, chia sẻ: “Tôi tin tưởng rằng, những chương trình phát thanh sẽ đến được với các thính giả…Thính giả Mario Muñoz Mendoza, quốc tịch Bolivia, đánh giá cao phát biểu của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại Lễ phát động Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh”, trong đó nhấn mạnh, mỗi cây được trồng là món quà vô giá gửi đến tương lai cho thế hệ mai sau.
Quý thính giả thân mến, thính giả Ogawa Tatsuya, từ Nhật Bản hỏi: vào mùa thu, Hà Nội có những loại hoa đặc trưng gì?
Hà Nội để lại nhiều xúc cảm khó quên đối với du khách không chỉ các điểm du lịch, ẩm thực, mà còn là những mùa hoa đặc trưng. Tháng 1 với sắc đào của mùa xuân; Tháng hai đến, những hàng hoa sưa trắng toát làm say đắm lòng người. Từ cuối tháng 2, đầu tháng 3, hoa ban, vốn là loài cây vùng Tây Bắc nay xuất hiện, trở thành một nét đặc trưng của thủ đô. Hoa loa kèn còn được người dân Hà Nội gọi là “hoa của tháng Tư”. Tháng năm tím biếc bằng lăng, rực trời phượng đỏ. Tháng sáu, thơm ngát hương sen. Tháng 7, thơm hương hoa sấu. Cứ mỗi khi tháng 8 chầm chậm về, là người dân Hà Nội lại bắt gặp hình ảnh những đóa hoa dâu da xoan trắng tinh. Mùa thu, tháng 9, hoa sữa về như một cái hẹn mỗi năm. Không biết từ bao giờ mà cúc họa mi trở thành “đặc sản mùa thu Hà Nội” vào tháng 10. Tháng 11 đến, bạn sẽ dễ dàng chiêm ngưỡng hoa thạch thảo tím biếc. Cánh đồng hoa cải vàng rực rỡ báo hiệu đông về. Giữa tháng 12 trở đi sẽ là khoảng thời gian hoa cải nở đẹp nhất.
Một số thính giả muốn tìm hiểu chương trình Vui Xuân Giáp Thìn - Sắc thái văn hóa Hội An vừa diễn ra tại Bảo tàng dân tộc học Việt Nam tại thủ đô Hà Nội.
Chương trình nhằm quảng bá hình ảnh Hội An đến du khách trong nước và bạn bè quốc tế. Chuỗi các hoạt động năm nay được Bảo tàng dân tộc học Việt Nam ở Hà Nội mang đến vô cùng đa dạng, phong phú. Hơn 40 nghệ nhân các nghề thủ công truyền thống ở Hà Nội và đặc biệt ở Hội An sẽ trực tiếp hướng dẫn du khách làm đèn lồng, làm gốm Thanh Hà, làm mộc Kim Bồng… Bên cạnh đó, du khách còn được thưởng thức hò xứ Quảng, hát sắc bùa, diễn xướng Bả trạo cầu Ngư, trò chơi bài chòi của người dân đến từ Hội An. Các món ăn truyền thống cũng được giới thiệu đến công chúng qua hương vị của mỳ Quảng, Cao lầu, bánh đập, bánh bông hồng,...Chương trình “Đêm Hội An - Cùng thắp sáng di sản” từ 17h30 đến 21 h tái hiện không gian phố cổ Hội An với ánh đèn lồng rực rỡ cùng các hoạt động trình diễn nghề, trò chơi dân gian bịt bắt đập niêu, hô bài chòi, tập hát dân ca…
Thính giả Phanlanha, Vangvieng, Lào, muốn tìm hiểu về tour du lịch đêm Văn Miếu:
Tour đêm Văn Miếu – Quốc Tử Giám mang đến cho du khách những trải nghiệm mới, khác biệt so với việc tham quan di tích ban ngày. Cả không gian di tích được thay đổi bởi hệ thống ánh sáng và công nghệ 3D Mapping tạo nên một diện mạo mới, lung linh, huyền ảo và mang lại nhiều cảm xúc cho du khách. Những công trình đặc trưng của di tích như Khuê Văn Các, vườn bia Tiến sỹ, giếng Thiên Quang, khu Bái đường… được khai thác hiệu quả trong việc chuyển tải những giá trị, ý nghĩa của đạo học. Đặc biệt, show trình chiếu Mapping 3D theo chủ đề “Tinh hoa đạo học” tại khu Thái học giúp cho khách tham quan khám phá những giá trị tinh túy nhất trong đạo học của người Việt. Thời gian Tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám "Tinh hoa đạo học" có khung giờ phục vụ du khách từ 19-22h các ngày thứ tư, thứ bảy và chủ nhật hằng tuần. Giá vé Tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám "Tinh hoa đạo học"là 199.000 đồng/khách, miễn phí với trẻ em cao dưới 1m.
Thính giả Moeum Phanit, người Campuchia, muốn tìm hiếu về làng nghề làm bánh tráng Túy Loan ở Đà Nẵng vừa trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia:
Nghề làm bánh tránh Túy Loan có lịch sử lâu đời. Hiện, ở xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, còn 15 hộ gia đình duy trì nghề làm bánh tráng truyền thống, tập trung chủ yếu ở thôn Túy Loan. Làng nghề này gắn kết nhiều giá trị văn hóa, di sản với làng cổ Túy Loan - nơi có Đình làng Túy Loan với lịch sử trên 500 năm tuổi. Bánh tráng Túy Loan được làm hoàn toàn bằng thủ công và người dân tại làng chỉ làm một loại bánh tráng nướng. Để làm ra một chiếc bánh tráng phải trải qua rất nhiều công đoạn khác nhau, trong mỗi công đoạn đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm và thành thạo. Bánh tráng Túy Loan chủ yếu làm bằng bột gạo và các nguyên liệu khác như mè (vừng trắng), gừng, tỏi, đường, nước mắm, muối…, tạo nên hương vị đặc trưng riêng.
Nhiều thính giả muốn biết nhiều hơn về ngành dược phẩm ở Việt Nam. Sau đây là một số thông tin chúng tôi cung cấp cho các bạn:
Trong những năm gần đây, ngành dược Việt Nam có sự thay đổi mạnh mẽ nhờ vào nhu cầu chăm sóc sức khỏe của con người và nguồn đầu tư lớn từ các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Hiện tại, Việt Nam có hàng trăm doanh nghiệp sản xuất dược phẩm và nhiều cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn quốc tế. Vì vậy, ngành dược đang có những cơ hội, thách thức và chiến lược phát triển giai đoạn mới đầy triển vọng. Việt Nam nhập khẩu dược phẩm lớn nhất từ hai thị trường Pháp và Đức, nguyên phụ liệu dược phẩm nhập khẩu chủ yếu từ thị trường Trung Quốc và Ấn độ.
Chiến lược phát triển ngành Dược Việt Nam tầm nhìn 2030 đang được các doanh nghiệp hưởng ứng. Mục tiêu chung nhằm cung ứng đầy đủ, kịp thời các loại thuốc có nguồn gốc rõ ràng, có chất lượng, giá hợp lý theo cơ cấu bệnh tật. Chiến lược nêu rõ, ngành Dược Việt Nam hiện nay cần chú trọng hơn nữa chính sách cung ứng thuốc cho đối tượng dân tộc thiểu số, người nghèo, vùng sâu vùng xa. Mục tiêu hướng đến năm 2030, thuốc sản xuất tại Việt Nam sẽ cơ bản đáp ứng được nhu cầu sử dụng, sản xuất thuốc chuyên khoa đặc trị, sản xuất được nguyên liệu làm thuốc, phân phối thuốc ngang bằng các nước tiên tiến trong khu vực.