Trả lời thính giả về những điểm du lịch dịp Tết, ẩm thực văn hóa Chăm

(VOV5) - Trong thư gửi về chương trình, thính giả yêu cầu được tư vấn về một số địa điểm phía bắc để du lịch dịp Tết Nguyên Đán, giới thiệu về bánh sakaya, nét văn hóa ẩm thực của người Chăm. Thủ tục gửi hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam và lĩnh vực du học cũng là những nội dung được bạn nghe đài quan tâm.
Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Chào quý, chào các bạn!

Mở đầu Hộp thư thính giả tuần này, chúng tôi xin đăng thư của bạn Nguyễn Mạnh Quân. Trong thư bạn viết: “Tôi có người anh, đang sinh sống tại nước ngoài, muốn gửi về tặng cho tôi (qua đường bưu điện) 1 chiếc máy ảnh chụp phim sản xuất từ năm 1950 không còn sử dụng được để làm kỷ niệm. Xin cho biết tôi có thể nhận được món quà đó và có phải đóng thuế không?

Về câu hỏi của bạn, chúng tôi xin trả, theo quy định của pháp luật Việt Nam, tổ chức, cá nhân từ nước ngoài được phép biếu, tặng cho hàng hoá cho cá nhân Việt Nam.  Tuy nhiên, cũng theo quy định “Không được nhận quà biếu, tặng là hàng hoá thuộc Danh mục hàng hoá cấm nhập khẩu”. Đó là nhóm hàng: hàng điện tử, sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng thuộc diện cấm nhập khẩu vào Việt Nam. Theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông,  máy chụp ảnh đã qua sử dụng cũng nằm trong Danh mục sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng cấm nhập khẩu. Vì vậy, anh của bạn không thể gửi chiếc máy ảnh đã qua sử dụng về cho bạn được.

Nhiều bạn trẻ viết thư về chương trình muốn được giới thiệu về chương trình du học và định cư tại Niu Di Lân. Bạn có thể gọi đây là một chương trình du học "không mất tiền", là con đường định cư hợp pháp tại đất nước phát triển, nổi tiếng xinh đẹp và thanh bình này.

Chương trình học chứng chỉ thạc sĩ ngành kinh doanh tại Niu Di Lân với mục tiêu đào tạo khả năng tự kinh doanh hoặc làm việc với chuyên môn cao là một chương trình tiết kiệm chi phí cho du học sinh. Thậm chí, bạn có thể gọi đây là một chương trình du học "không mất tiền", là con đường định cư hợp pháp tại đất nước phát triển, nổi tiếng xinh đẹp và thanh bình này. Đây là chương trình có hỗ trợ tốt nếu sinh viên có vợ hoặc chồng đi cùng. Vợ - chồng của họ sẽ được trường cấp học bổng miễn phí tối đa 3 tháng  Anh văn và được đi làm toàn thời gian. Trẻ em được theo học tại trường công lập miễn phí cho tới năm 18 tuổi. Những học viên đã tốt nghiệp chương trình này thông thường sẽ tự mở doanh nghiệp riêng và định cư hợp pháp lại Niu Di Lân theo diện doanh nghiệp.

Các bạn sẽ nhận được hỗ trợ  như miễn phí tìm nhà; miễn phí đưa đón tại sân bay; miễn phí ăn ở trong hai tuần đầu tiên; hỗ trợ miễn phí tìm việc làm; miễn phí bảo hiểm cho sinh viên chính khóa từ một năm trở lên; tặng thẻ gọi điện thoại quốc tế; miễn phí sách và tài liệu học tập; miễn phí truy cập internet tại trường 24/24h.

 Mùa xuân luôn là mùa du lịch và những địa điểm ở vùng núi phía bắc thường là lựa chọn của nhiều du khách. Nhóm bạn Thanh Hà, Hải Anh, Thu Nga, Nguyễn Cường Vinh muốn xin thông tin một số địa điểm phía bắc để du lịch dịp Tết Nguyên Đán.

Các bạn thân mến!

Các bạn có thể tới cao nguyên Mộc Châu, Sơn La. Nằm cách Hà Nội khoảng 180km, cao nguyên Mộc Châu, điểm đến đã quá quen thuộc với nhiều du khách, vào ngày xuân càng trở nên hấp dẫn bởi vẻ đẹp thiên nhiên và sắc xuân rạng rỡ trên những vườn đào, vườn mận.

Các địa điểm tham quan: bản làng dọc quốc lộ 6, thị trấn nông trường, đường vào Tân Lập hoặc đi cửa khẩu Loóng Sập. Hãy dừng chân bất kỳ nơi nào trên đường di chuyển để khám phá mùa xuân nơi đây.

Các bạn cũng có thể ngắm cảnh đẹp ở cao nguyên trắng ở Bắc Hà, Lào Cai.

Một lộ trình kinh điển để khám phá cao nguyên trắng Bắc Hà thường được nhiều dân đi lựa chọn từ Hà Nội là di chuyển bằng tàu đêm lên Lào Cai rồi thuê xe gắn máy trong 2 ngày. Nếu mang theo xe máy lên tàu thì xuống ở ga Phố Lu. Bắc Hà hấp dẫn bởi vẻ đẹp lộng lẫy của gốc mận trắng toát trên chênh vênh sườn núi, hay những vườn mận xanh rờn trong thung lũng.

Hoặc tham dự Lễ hội Gầu Tào, Say Sán ở Lào Cai. Vào ngày mùng 4-6 Tết hàng năm, tại Pha Long (huyện Mường Khương) sẽ diễn ra lễ hội mừng xuân mới của đồng bào Mông gọi là hội Gầu Tào, cũng lễ hội đó tại huyện Simacai thì gọi là lễ hội Say Sán. Đây là dịp để du khách khám phá nét văn hóa truyền thống của bà con dân tộc miền núi và hòa mình vào không khí lễ hội tưng bừng và rộn rã nơi rẻo cao.

Cao nguyên đá Đồng  Văn, Hà Giang cũng là một điểm đến đặc biệt bởi bốn mùa xuân hạ thu đông đều hấp dẫn dân di đến lạ lùng. Nhưng có lẽ mùa xuân - mùa cao nguyên đá nở hoa là mùa đẹp nhất, khi bên những chái nhà trình tường là gốc mận trắng hay cành đào phai nở kín hoa. Mùa các cô bé, cậu bé xúng xính váy áo tung tăng du xuân trên con đường Hạnh Phúc, nhảy chân sáo qua những mỏm đá tai mèo.

Quý thính giả thân mến! Trong thư gửi về chương trình, nhiều thính giả muốn được biết về một nét ẩm thực của văn hóa Chăm, đó là bánh Sakaya.

Chúng tôi xin giới thiệu như sau: Câu “Bánh tét ở dưới - Bánh Sakaya ở trên" thể hiện sự quan trọng của bánh Sakaya trong văn hóa ẩm thực người Chăm. Không rõ bánh Sakaya có mặt trong ẩm thực người Chăm từ khi nào, chỉ biết vào những dịp lễ hội như Katé, đám cưới, đám tang... bánh mới được làm để cúng và đãi khách. Đặc biệt, bánh chỉ dùng để đãi những khách quý, trẻ nhỏ ít được cơ hội thưởng thức. Bánh Sakaya cùng tách trà nóng là sự kết hợp thú vị nhất. Bánh ngon có vị ngọt của đường, vị béo ngậy của trứng và đậu phộng kèm hương thơm của gừng, mang đến cho thực khách mùi vị quê hương, đậm đà tình cảm của người Chăm.

Quý thính giả thân mến ! Tuần qua, chương trình tiếp tục nhận được thư của các thính giả ở Nga, Ba Lan, Pháp, tin bài của các cộng tác viên, các cơ quan thường trú tại Đài Loan, Ba Lan, Pháp, Mỹ, Nga… Cám ơn và mong quý thính giả tiếp tục cộng tác với chương trình.

Quý thính giả thân mến! Rất mong quý vị tiếp tục đón nghe chương trình và gửi thư, bài vở cho  chúng tôi theo địa chỉ: Chương trình phát thanh Dành cho đồng bào VN ở xa Tổ quốc, Hệ phát thanh đối ngoại, Đài TNVN, 45 Bà Triệu, Hà Nội.

Điện thoại: 84. 4. 3. 8 252 070

Hộp thư điện tử: vietkieuvov@gmail.com      vovworld@vov.org.vn

Các bạn cũng có thể nghe chương trình của chúng tôi trên website: www.vov.vn. Chương trình cũng được phát trực tuyến qua trang web này trên hệ VOV 5 vào lúc: 0h-1h (giờ quốc tế) tức từ 7h đến 8h (giờ Hà Nội); 1h30-2h30 (giờ quốc tế) tức từ 8h30 đến 9h30 (giờ Hà Nội); 4h30-5h30 (giờ quốc tế) tức từ 11h30 đến 12h30 (giờ Hà Nội) và 17h-18h (giờ quốc tế) tức từ 0h đến 1h (giờ Hà Nội) hàng ngày.  Hẹn gặp lại quý vị và các bạn trong những cánh thư sau./.

Phản hồi

Các tin/bài khác