(VOV5) - Tuần qua, thính giả gửi thư về chương trình hỏi về thủ tục xin cấp hộ chiếu Việt Nam, thủ tục mang tài sản từ nước ngoài về Việt Nam, vấn đề sở hữu nhà của người Việt Nam ở nước ngoài, du học theo hình thức home stay…
Nghe nội dung chi tiết tại đây
Mở đầu Hộp thư thính giả tuần này, chúng tôi xin đăng thư của một việt kiều ở Mỹ. Thư viết như sau: “Tôi có một số vật kỷ niệm gia tộc như vài bức tranh sơn dầu, vài bức tượng đồng, rất nhiều sách văn chương ngoại ngữ hoàn toàn KHÔNG chính trị, các bộ tự điển Anh hay Pháp ngữ, một đàn violon và một cây piano upright... Khi hồi hương, các thứ vừa kể có được phép mang vào nước và có được gọi là "tài sản bị đóng thuế" hay không? (Nếu được phép mang, tôi phải gửi chúng bằng phương tiện gì mới gọi là hợp lệ?)”.
Về câu hỏi này, chúng tôi xin trả lời: Theo qui định của pháp luật Việt Nam, người Việt Nam định cư tại nước ngoài được phép mang về các tài sản cá nhân của mình khi hồi hương về Việt Nam. Các loại tài sản bạn liệt kê không liên quan đến chính trị, và chỉ mang tính nghệ thuật, trưng bày, giải trí cá nhân nên được phép mang vào Việt Nam.
Theo quy định, trường hợp của bạn, các đồ dùng bạn vừa nêu mang theo về nước khi hồi hương là tài sản di chuyển và không phải chịu thuế nhập khẩu. Bạn sẽ phải chịu thuế giá trị gia tăng là 10% . Cũng theo quy định: Tranh sơn dầu, bức tượng đồng, sách văn chương ngoại ngữ, từ điển Anh hay Pháp ngữ, đàn violon không thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Vì tài sản di chuyển của người Việt Nam định cư tại nước ngoài về nước khi hồi hương mang theo người khi xuất cảnh, nhập cảnh hoặc gửi chậm được miễn thuế nhập khẩu nên bạn có thể mang theo hoặc gửi chậm về Việt Nam. Phương tiện vận chuyển không liên quan đến nguồn gốc của tài sản nên bạn có thể lựa chọn cho mình loại phương tiện vận chuyển phù hợp và cần làm thủ tục khai hải quan để được miễn thuế nhập khẩu.
Về câu bạn hỏi: Con gái tôi (tên Âu Cơ) sinh năm 1987 ở Mỹ. Xin hỏi, con tôi có thể xin hộ chiếu Việt Nam được không, chúng tôi xin trả lời: Theo quy định của pháp luật Việt Nam, Hộ chiếu Việt Nam chỉ được cấp cho công dân Việt Nam. Do đó con gái bạn (tên Âu Cơ) hiện đang ở Mỹ chỉ có thể được cấp hộ chiếu Việt Nam khi đã có quốc tịch Việt Nam. Giấy tờ chứng minh con bạn có quốc tịch Việt Nam trong trường hợp này là: Giấy khai sinh; trường hợp Giấy khai sinh không thể hiện rõ quốc tịch Việt Nam thì phải kèm theo giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam của cha mẹ (trường hợp này: giấy tờ chứng minh là hộ chiếu của bạn); hoặc Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam (Điều 11 Luật Quốc tịch Việt Nam). Bạn có thể liên hệ với cơ quan đại diện Việt Nam tại Mỹ để làm thủ tục cấp hộ chiếu cho con gái mình hoặc khai chung con gái vào hộ chiếu (trường hợp con bạn dưới 9 tuổi và cùng đi với bạn về Việt Nam).
Thính giả Ngô Long hỏi: “Tôi đã có quốc tịch Mỹ và có Quốc tịch Việt Nam do Tòa Đại sứ Việt Nam ở Mỹ cấp có giá trị tới năm 2022. Tôi đã có giấy xác nhận là người gốc Việt Nam do sở Tư pháp TPHCM cấp và giấy tạm trú 3 tháng do công an phường cấp. Như vậy, tôi có đủ điều kiện để mua nhà và đứng tên nhà được không? Tôi được biết theo Nghị định 71 thì tôi đủ điều kiện để mua nhà và đứng tên nhà nhưng không biết có đúng không?
Chúng tôi xin trả lời câu hỏi của bạn: Theo quy định của Pháp luật: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng sau đây được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu nhà ở để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam:
a) Người có quốc tịch Việt Nam;
b) Người gốc Việt Nam thuộc diện người về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo pháp luật về đầu tư; người có công đóng góp cho đất nước; nhà khoa học, nhà văn hoá, người có kỹ năng đặc biệt mà cơ quan, tổ chức của Việt Nam có nhu cầu và đang làm việc tại Việt Nam; người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam sinh sống ở trong nước.
Người gốc Việt Nam không thuộc các đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều này được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp Giấy miễn thị thực và được phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư tại Việt Nam để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam.”
Như vậy, theo qui định trên, vì bạn có quốc tịch Việt Nam, có giấy xác nhận là người gốc Việt Nam do sở Tư pháp TPHCM cấp và giấy tạm trú 3 tháng do công an phường cấp, nên bạn có đủ điều kiện để mua nhà và đứng tên sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Một số bạn trẻ chuẩn bị du học về kinh nghiệm ở home stay khi du học. Chúng tôi tham khảo ý kiến của các bạn trẻ đã du học ở nước ngoài và thông tin như sau: Home stay là hình thức ở trọ chung với chủ nhà, được sinh hoạt chung như trong một gia đình nhưng bạn vẫn có phòng riêng và đảm bảo được sự riêng tư cần thiết. Ngoài ra, được sử dụng mọi vật dụng khác trong nhà như một thành viên trong gia đình họ. Ở những nước có nền văn hóa khác biệt như Anh, Mỹ, Pháp, Nhật.. thì những tháng đầu tiên du học, bạn lựa chọn hình thức home stay sẽ đem lại nhiều lợi ích nhất định.
Trước hết, so với việc thuê nhà riêng ở ngoài với chi phí đắt đỏ, hình thức home stay khi du học sẽ giúp bạn tiết kiệm được một khoản tiền lớn và sống trong một môi trường an toàn hơn.
Vì sự an toàn, đa phần du học sinh trong năm đầu tiên rất thích “home stay”. Tất nhiên, việc đảm bảo các nguyên tắc lịch sự và hòa nhập với đời sống gia đình sẽ giúp bạn có một cuộc sống dễ dàng hơn nơi xứ người.
Quý thính giả thân mến! Việt Nam có nhiều lễ hội là những nét văn hóa mà người dân khi đi xa luôn nhớ và kể lại cho bạn bè, con cháu. Nhiều thính giả sinh ra và lớn lên ở nước ngoài muốn tìm hiểu về lễ hội cầu ngư.
Đáp ứng yêu cầu của các bạn, chương trình xin thông tin một số nét chính như sau: Lễ hội Cầu Ngư (hay còn gọi là Lễ hội Cá Ông) là nét đẹp văn hoá của ngư dân các làng chài ven biển Nam Trung bộ. Lễ hội tái hiện lại một cách sinh động phong tục truyền thống thờ cúng Cá Ông theo những truyền thuyết mang đậm nét văn hóa dân gian. Hàng năm, thường là sau khi ăn Tết xong, ngư dân tổ chức lễ tế Cá Ông lồng ghép dưới hình thức Lễ hội Cầu Ngư và lễ ra quân đánh bắt vụ cá nam.
Về phần hội, tuỳ điều kiện, mỗi địa phương có một hình thức tổ chức riêng, nhưng cũng đều là các trò chơi dân gian vùng biển: lắc thúng, đua thuyền, bơi lội, kéo co, đá bóng... Lễ hội Cầu Ngư lưu giữ trong mình tín ngưỡng dân gian, phong tục tập quán cùng mối quan hệ mật thiết với tín ngưỡng tâm linh. Lễ hội còn thể hiện ý thức "Uống nước nhớ nguồn", tưởng nhớ công đức của các vị tiền hiền, có công lập làng, dựng nghề và thông qua lễ hội thắt chặt thêm tình đoàn kết gắn bó giữa các ngư dân làng chài ven biển.
Quý thính giả thân mến ! Tuần qua, chương trình tiếp tục nhận được thư của nhiều thính giả quen thuộc: Lê Quốc Vy, Việt kiều ở Thái Lan nói về khóa tập huấn dạy tiếng việt và gửi ảnh về khóa tập huấn; Lương Xuân Giáp gửi ảnh về Tết Trung thu ở đảo Trường Sa. Thính giả Trần Quang Hùng, ở Séc gửi bài cộng tác và chương trình đã sử dụng. Thính giả Lý Địch cũng nêu ý kiến sau khi đọc bài “ Thay đổi cách tiếp cận trong tiêu chí xây dựng nông thôn mới” trên trang web vov5. Chương trình cũng nhận được thư của Ngô Đình Uy, giáo viên dạy tiếng việt ở Đài Loan ( Trung Quốc); Phương Anh, Phương Thảo, ở Mỹ, Ngọc Trâm, ở Đức cùng tin, bài của các cơ quan thường trú đài TNVN ở nước ngoài.
Quý thính giả thân mến! Rất mong quý vị tiếp tục đón nghe chương trình và gửi thư, bài vở cho chúng tôi theo địa chỉ: Chương trình phát thanh Dành cho đồng bào VN ở xa Tổ quốc, Hệ phát thanh đối ngoại, Đài TNVN, 45 Bà Triệu, Hà Nội.
Điện thoại: 84. 4. 3. 8 252 070
Hộp thư điện tử: vietkieuvov@gmail.com vovworld@vov.org.vn
Các bạn cũng có thể nghe chương trình của chúng tôi trên website: www.vov.vn. Chương trình cũng được phát trực tuyến qua trang web này trên hệ VOV 5 vào lúc: 0h-1h (giờ quốc tế) tức từ 7h đến 8h (giờ Hà Nội); 1h30-2h30 (giờ quốc tế) tức từ 8h30 đến 9h30 (giờ Hà Nội); 4h30-5h30 (giờ quốc tế) tức từ 11h30 đến 12h30 (giờ Hà Nội) và 17h-18h (giờ quốc tế) tức từ 0h đến 1h (giờ Hà Nội) hàng ngày. Hẹn gặp lại quý vị và các bạn trong những cánh thư sau./.