Tư vấn về thủ tục xác nhận nguồn gốc Việt Nam cùng thông tin về Đàn ca tài tử Nam Bộ

(VOV5) - Tuần qua, thính giả viết thư bày tỏ tình cảm của mình nhân kỷ  niệm Quốc khánh mùng 2-9 và 70 năm Đài TNVN, ý kiến về các chuyên mục trên trang web vovworld.vn. Thính giả cũng muốn được tư vấn về thủ tục xác nhận nguồn gốc Việt Nam của NVNONN và thông tin về Đàn ca tài tử Nam Bộ.


Tư vấn về thủ tục xác nhận nguồn gốc Việt Nam cùng thông tin về Đàn ca tài tử Nam Bộ - ảnh 1

Nghe âm thanh tại đây

Chào quý vị, chào các bạn!

Rất vui vì được gặp lại quý thính giả trong chuyên mục này với những lá thư đầy tình cảm gửi từ nơi xa về chương trình.  Thính giả Trương Văn Định, ở Mỹ gửi bưu thiếp cùng lời hỏi thăm các BTV của chương trình và chúc mừng Quốc khánh 2-9. Từ Canada, thính giả Nguyễn Thư Sinh viết những dòng tâm sự bày tỏ tình cảm của một người con xa xứ với quê hương. Nỗi nhớ quê hương, nhớ ngày kỷ niệm trọng đại 2/9 của dân tộc được ông gửi gắm trong những vần thơ viết về Hồ Chủ Tịch:

   Lấy lại giang sơn đất nước nhà

    Toàn dân quý Bác hẳn như Cha

   Tài cao thế giới đều khâm phục

  Trai lớn năm châu mến mộ mà

Bỏ cả tình riêng lo việc nước

Quên đi tuổi trẻ nghĩ bôn ba

Suốt đời tính toán dân no ấm

Dân hết đói nghèo Bác đã xa

Còn đây là những tâm sự của thương binh, cựu chiến binh Nguyễn Huy Chung, ở Thái Bình nhân kỷ niệm 70 năm Đài TNVN:

“ Đây là Tiếng nói Việt Nam” ta

  Đã bảy mươi năm bạn trẻ, già

    Dõng dạc vang ra toàn thế giới

  Ấm tình đọng lại cố hương xa

     Lời văn đánh giặc siêu hồn địch

Bút thép xây nhà-dẹp ác ma

     Bản sắc dân Nam ngời tỏa sáng

         Tinh hoa đất nước giữ không nhòa

 Quý thính giả thân mến! Tuần qua, chúng tôi tiếp tục nhận được ý kiến của thính giả chia sẻ về các bài viết trên trang web vovworld.vn. Đó là lời cảm ơn của thính giả Bùi Thị Ngọc về những thông tin trong bài viết trang phục của phụ nữ dân tộc Thái; Thính giả Nguyễn Tuấn Khôi với bài về văn hóa truyền thống của người Kinh. Thính giả Nguyễn Phước Anh hỏi về thủ tục xin visa Mỹ. Cựu chiến binh Trần Hưu Quê, người Việt ở Bungary cũng bày tỏ cảm xúc với thầy giáo Hùng, người tận tụy với thế hệ trẻ gốc Việt. Chương trình cũng tiếp tục nhận được thư, điện thoại của các thính giả Phan Thích, ở Hưng Yên; Nguyễn Văn Công, Nguyễn Hải Nam, ở Pháp; Hoàng  Lộc, ở Anh; tin bài của các cộng tác viên ở trong nước và nước ngoài như Đào Xuân Tân, ở Hà Nội;  Võ Văn Long, ở Ba Lan; Nguyễn Huy Hoàng, ở Nga; tin bài của các cơ quan thường trú tại Lào, Sec, CPC, Mỹ về hoạt động của người Việt Nam tại nước sở tại.

Chúng tôi mong tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp của quý thính giả, các cộng tác viên, các bạn đồng nghiệp đối với chương trình.


Quý thính giả thân mến! Khá nhiều người Việt Nam định cư ở nước ngoài muốn  được tư vấn về thủ tục xác nhận gốc Việt Nam. Chúng tôi xin thông tin như sau:

1. Đối tượng: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc cha mẹ (hoặc người giám hộ) của người chưa thành niên, người mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự hiện đang cư trú tại tỉnh/thành phố tại Việt Nam

2. Hồ sơ đề nghị xác nhận là người gốc Việt Nam lập thành 01 bộ, gồm những giấy tờ sau:

a. Tờ khai xác nhận là người gốc Việt Nam theo mẫu quy định kèm 02 ảnh 4×6.

b. Bản sao Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế.

c. Bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh là người đã từng có quốc tịch Việt

Nam mà khi sinh ra quốc tịch Việt Nam được xác định theo nguyên tắc huyết thống hoặc có cha hoặc mẹ, ông nội hoặc bà nội, ông ngoại hoặc bà ngoại đã từng có quốc tịch Việt Nam theo huyết thống.

Một số giấy tờ khác có liên quan làm căn cứ để tham khảo gồm: bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực; Bản chính Giấy bảo lãnh của Hội đoàn người Việt Nam ở nước mà người yêu cầu đang cư trú, trong đó xác nhận người đó có gốc Việt Nam; Bản chính Giấy bảo lãnh của người có quốc tịch Việt Nam, trong đó xác nhận người yêu cầu có gốc Việt Nam;  Bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp trong đó ghi quốc tịch Việt Nam hoặc quốc tịch gốc Việt Nam.Cuối cùng là xác nhận nơi cư trú do cơ quan công an xã, phường, thị trấn có thẩm quyền cấp. Trường hợp có Hộ khẩu, Thẻ thường trú thì cung cấp bản chụp có chứng thực sao y bản chính hoặc bản chụp kèm bản chính để đối chiếu.


Quý thính giả thân mến ! Đáp ứng yêu cầu của thính giả Ouchi Mikio, ở Aichi, Nhật Bản, muốn được nghe giới thiệu về đàn ca tài tử Nam Bộ, chúng tôi xin thông tin như sau: Đàn ca tài tử Nam bộ là một dòng nhạc dân tộc của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể và là một danh hiệu UNESCO ở Việt Nam có vùng ảnh hưởng lớn, với phạm vi 21 tỉnh thành phía nam. Đờn ca tài tử hình thành và phát triển từ cuối thế kỉ 19, bắt nguồn từ nhạc lễ, Nhã nhạc cung đình Huế và văn học dân gian. Đàn ca tài tử là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng Nam Bộ. Đây là một loại hình nghệ thuật của đàn và ca, do những người bình dân, thanh niên nam nữ nông thôn Nam Bộ hát ca sau những giờ lao động. Đàn ca tài tử xuất hiện hơn 100 năm trước, là loại hình diễn tấu có ban nhạc gồm 4 loại là đàn kìm, đàn cò, đàn tranh và đàn bầu (gọi là tứ tuyệt), sau này, có cách tân bằng cách thay thế độc huyền cầm bằng cây guitar phím lõm. Những người tham gia đàn ca tài tử phần nhiều là bạn bè, chòm xóm với nhau. Họ tập trung lại để cùng chia sẻ thú vui tao nhã nên thường không câu nệ về trang phục.

Loại âm nhạc này đúng ra là một loại nhạc thính phòng thường trình diễn trong phạm vi không gian tương đối nhỏ như trong gia đình, tại đám cưới, đám giỗ, sinh nhật, trong các lễ hội, sau khi thu hoạch mùa vụ, thường được biểu diễn vào những đêm trăng sáng ở xóm làng.

Quý thính giả thân mến! Rất mong quý vị tiếp tục đón nghe chương trình và gửi thư, bài vở cho  chúng tôi theo địa chỉ: Chương trình phát thanh Dành cho đồng bào VN ở xa Tổ quốc, Hệ Phát thanh Đối ngoại Quốc gia, Đài TNVN, 45 Bà Triệu, Hà Nội. Điện thoại: 84. 4. 38252 070

Hộp thư điện tử: vietkieuvov@gmail.com      vovworld@vov.org.vn

Các bạn cũng có thể nghe chương trình của chúng tôi trên website: www.vovworld.vn. Chương trình cũng được phát trực tuyến qua trang web này vào lúc:  1h30 đến 2h30 giờ quốc tế, tức là  8h30 đến 9h30 (giờ Hà Nội) 17h-18h (giờ quốc tế) tức từ 0h đến 1h (giờ Hà Nội) hàng ngày.  Hẹn gặp lại quý vị và các bạn trong những cánh thư sau.

Phản hồi

Các tin/bài khác