(VOV5) - Tuần qua, trong thư gửi về chương trình, thính giả muốn được tư vấn về thủ tục xin visa du lịch tới Mỹ; mang hàng hóa đã qua sử dụng từ nước ngoài về Việt Nam. Bạn nghe đài ở nước ngoài muốn biết thông tin về Lễ hội Đền Hùng, nét văn hóa của người Việt. Chương trình đã giải đáp những thắc mắc của thính giả.
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Chào quý vị, chào các bạn!
Mở đầu Hộp thư thính giả tuần này, chúng tôi xin đăng thư của bạn Hoàng Anh. Trong thư bạn hỏi: “ Tôi đang sinh sống và làm việc ở Anh quốc. Hè này tôi sẽ về thăm gia đình. Tôi muốn mang dàn máy Hi fi đã qua sử dụng về cho gia đình và 2 games DS về làm quà cho cháu. Tôi có được mang những mặt hàng này về Việt Nam không và có phải đóng thuế không?
Về câu hỏi của bạn, chúng tôi xin trả lời: theo quy định của pháp luật, hành lý là hàng tiêu dùng điện tử, công nghệ thông tin,… như dàn máy Hi fi và máy chơi game đã qua sử dụng thuộc diện cấm nhập khẩu, mang theo khi nhập cảnh vào Việt Nam. Hành lý bao gồm các vật phẩm không nằm trong danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc nhập khẩu có điều kiện, có tổng trị giá không quá 5 triệu đồng Việt Nam thì được miễn thuế nhập khẩu.
Do đó, theo quy định, bạn không thể mang dàn máy Hi fi đã qua sử dụng về Việt Nam.
Đối với Game DS mà bạn đề cập:
Trong trường hợp Game DS này là máy chơi game cũ thì bạn cũng không được mang vào Việt Nam. Ngược lại, nếu máy chơi game là máy mới thì bạn được phép mang vào Việt Nam.
Trong trường hợp Game DS là đĩa game, nếu đĩa game là văn hoá phẩm bị cấm nhập khẩu thì bạn không thể mang vào Việt Nam.
Về mức thuế nhập khẩu:
Trong trường hợp hành lý mang theo có tổng trị giá trên 5 triệu đồng Việt Nam, mức thuế nhập khẩu bạn phải đóng sẽ phụ thuộc loại hàng hoá bạn mang theo bị vượt mức giá trị được phép nhập khẩu. Ngoài ra, bạn được chọn vật phẩm để nộp thuế trong trường hợp hành lý mang theo gồm nhiều vật phẩm
Bạn Nguyễn Thị Thủy hỏi: “ Tôi ở Việt Nam và có em gái cùng mẹ khác cha tại Mỹ. Hiện tôi muốn du lịch qua thăm mẹ và em tôi bên Mỹ, nhưng trong khai sinh của tôi và em tôi không cùng tên cha và mẹ. Cha tôi có hai vợ, tôi là con của má nhỏ nhưng lúc còn nhỏ tôi ở với má lớn nên má lớn đứng tên trong khai sinh của tôi. Nếu em tôi bảo lãnh tôi đi du lịch Mỹ thì làm sao để chứng minh tôi và em tôi có mối quan hệ chị em cùng mẹ?
Bạn Thủy thân mến! Thông thường trong thủ tục xin visa vào Mỹ là có người viết thư mời sang Mỹ du lịch. Nếu người viết thư mời có quan hệ (huyết thống) hoặc mối quan hệ khác thì người được mời cần phải có giấy tờ chứng minh cho mối quan hệ này. Mỗi gia đình có cách chứng minh riêng để thuyết phục được viên chức lãnh sự rằng đây là quan hệ đúng. Tuy nhiên, việc có thư mời và chứng minh mối quan hệ với người viết thư mời không phải là điều quan trọng lắm trong việc xin visa du lịch Mỹ. Việc cần chứng minh là bạn không có ý định ở lại Mỹ, bằng các mối ràng buộc về tài sản và thân nhân ở Việt Nam, những mối ràng buộc này có thể chứng minh bạn trở lại Việt Nam sau chuyến đi. Theo hướng dẫn tại website của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, bạn sẽ làm thủ tục xin visa du lịch Mỹ (ký hiệu B-2)
Quý thính giả thân mến! Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 11 quy định việc mang vàng miếng của cá nhân khi xuất cảnh, nhập cảnh. Để giúp quý vị và các bạn nắm được quy định này, chúng tôi xin thông tin như sau:
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/5/2014, thay thế Quyết định 1165 năm 2001 quy định việc mang vàng của cá nhân khi xuất cảnh, nhập cảnh. So với quy định trước đây, Thông tư 11 có một số điểm mới đáng chú ý. Cụ thể, theo quy định tại điều 2 Thông tư 11, cá nhân Việt Nam và nước ngoài khi xuất cảnh, nhập cảnh qua các cửa khẩu bằng hộ chiếu không được mang theo vàng miếng, vàng nguyên liệu, ngoại trừ vàng trang sức, mỹ nghệ.
Trường hợp cá nhân nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam mang theo vàng miếng, vàng nguyên liệu phải làm thủ tục gửi tại kho hải quan để mang ra khi tái xuất cảnh hoặc làm thủ tục chuyển ra nước ngoài và phải chịu mọi chi phí liên quan phát sinh; cá nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài xuất cảnh, nhập cảnh bằng hộ chiếu mang theo vàng trang sức, mỹ nghệ phục vụ nhu cầu trang sức có tổng khối lượng từ 300 gam trở lên phải khai báo với cơ quan hải quan.
Thông tư 11 quy định: phải khai báo với cơ quan Hải quan trong trường hợp lượng vàng mang theo từ 300 gam đến dưới 1kg, phải có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi cá nhân đó cư trú, đồng thời phải khai báo với cơ quan hải quan trong trường hợp mang ra nước ngoài từ 1kg vàng trở lên.
Quý thính giả thân mến ! Lễ hội Đền Hùng hàng năm vào ngày 10/3 âm lịch đã trở thành ngày hội chung của toàn dân tộc. Để giúp những người Việt Nam sinh ra và lớn lên ở nước ngoài cũng như những người nước ngoài hiểu về ngày lễ Quốc giỗ, chương trình xin đưa ra một số tư liệu như sau:
Đền Hùng nằm ở xã Hy Cương – Lâm Thao – Phú Thọ, là nơi tưởng nhớ, tôn vinh công lao các Vua Hùng, là biểu tượng của khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam. Thời kỳ Hùng Vương là một giai đoạn rất quan trọng trong lịch sử dân tộc. Chính thời kỳ này đã xây dựng nên một nền tảng của dân tộc Việt Nam, nền tảng văn hóa Việt Nam và truyền thống yêu nước.
Lễ hội Đền Hùng là lễ hội truyền thống của dân tộc Việt Nam, và có một đặc thù riêng là: Phần lễ nặng hơn phần hội. 41 làng xã thuộc tỉnh Vĩnh Phú tham gia rước kiệu lễ dâng Tổ. Từ ngàn xưa, trên các cổ kiệu có bày lễ vật, đi kèm có phường bát âm tấu nhạc, cờ quạt, bát bửu, lọng che cùng chiêng trống. Những làng ở xa thường phải rước 2-3 ngày mới tới" . "Xưa kia, việc cúng Tổ (cử hành) vào ngày 12 tháng 3 (âm lịch) hằng năm. Thường khi con cháu ở xa về làm giỗ trước một ngày, vào ngày 11 tháng 3 (âm lịch)… Đến thời nhà Nguyễn định lệ 5 năm mở hội lớn một lần (vào các năm thứ 5 và 10 của các thập kỷ), có quan triều đình về cúng tế cùng quan hàng tỉnh và người chủ tế địa phương cúng vào ngày 10 tháng 3 (âm lịch). Do đó ngày giỗ Tổ sau này mới là ngày 10 tháng 3 (âm lịch ) hàng năm”.
Lễ hội truyền thống vùng đất Tổ Hùng Vương ngày nay vẫn mang nét chung của hội làng vùng trung du, đồng bằng Bắc Bộ, đồng thời nổi bật với những sắc thái văn hóa riêng vùng đất Phong Châu với các tục cổ đặc thù. Lễ hội truyền thống vùng đất Tổ còn được phân loại thành: lễ hội tiền nông nghiệp (săn bắt, bắt cá…), lễ hội nông nghiệp (cầu mùa, cầu mưa, các phong tục: tục rước mạ, trò đúc tượng, khấn vía lúa, tục gọi gạo…), lễ hội thờ các anh hùng (tín ngưỡng thành hoàng, anh hùng lịch sử, anh hùng văn hóa…).
Quý thính giả thân mến! Tuần qua, chương trình tiếp tục nhận được thư, tin, bài của bạn nghe đài trong nước và ở nước ngoài. Bạn Nguyễn Thị Thùy Trang trang web, biết thông tin về việc khởi công xưởng may dành cho người khuyết tật tại Đà Nẵng chia sẻ :Tôi chuyên bán hàng quần áo may mặc giá rẻ chủ yếu cho người lao động. Đơn vị của bạn có nhu cầu đặt hàng để may hồi âm cho tôi theo địa chỉ : trang19742002@yahoo.com.
Thư của các thính giả: Hải Nam, Đắc Chí, Nguyễn Văn Công, ở Pháp; Tuyết Mai, Hoàng Lộc, ở Anh; Phan Long, Phương Anh, ở Mỹ; Trường Giang, ở Đức; Chương trình cũng nhận được tin, bài của các cộng tác viên từ TPHCM, Ba Lan, Sec, Đài Loan…phóng viên các cơ quan thường trú tại Mỹ, Campuchia, Nga, Pháp. Cảm ơn và mong quý thính giả, các đồng nghiệp tiếp tục cộng tác với chương trình.
Quý thính giả thân mến! Rất mong quý vị tiếp tục đón nghe chương trình và gửi thư, bài vở cho chúng tôi theo địa chỉ: Chương trình phát thanh Dành cho đồng bào VN ở xa Tổ quốc, Hệ phát thanh đối ngoại, Đài TNVN, 45 Bà Triệu, Hà Nội.
Điện thoại: 84. 4. 3. 8 252 070
Hộp thư điện tử: vietkieuvov@yahoo.com vovworld@vov.org.vn
Các bạn cũng có thể nghe chương trình của chúng tôi trên website: www.vov.vn. Chương trình cũng được phát trực tuyến qua trang web này trên hệ VOV 5 vào lúc: 0h-1h (giờ quốc tế) tức từ 7h đến 8h (giờ Hà Nội); 1h30-2h30 (giờ quốc tế) tức từ 8h30 đến 9h30 (giờ Hà Nội); 4h30-5h30 (giờ quốc tế) tức từ 11h30 đến 12h30 (giờ Hà Nội) và 17h-18h (giờ quốc tế) tức từ 0h đến 1h (giờ Hà Nội) hàng ngày. Hẹn gặp lại quý vị và các bạn trong những cánh thư sau./.