(VOV5) - Tuần qua, trong thư gửi về chương trình, thính giả chia sẻ cảm xúc, chúc mừng kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng tám, Quốc khánh 2.9 của Việt Nam. Thính giả cũng quan tâm tới thủ tục để trẻ em người Việt mang quốc tịch Mỹ về Việt Nam sinh sống cùng thông tin về những điểm đến thú vị ở Hà Nội.
Nghe âm thanh thư thính giả tại đây:
Chào quý vị, chào các bạn,
Trong thư gửi về tuần qua, thính giả chia sẻ cảm xúc, chúc mừng kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng tám, Quốc khánh 2.9 của Việt Nam. Thính giả Tây Ban Nha Hugo Longhi rất ấn tượng với bài viết về chiến trường Quảng Trị trong chuyên mục “Khám phá Việt Nam”. Thính giả cho rằng qua những bài viết như thế các thính giả nước ngoài có thể hiểu hơn về lịch sử oai hùng của Việt Nam và những đóng góp to lớn của các anh hùng liệt sỹ.
Thính giả người Nhật Bản Fujimoto Hiroshi gửi thư với nội dung: "Tôi đã nghe bài giới thiệu về đội xử lý bom mìn còn sót lại trong chiến tranh và thấu hiểu được những nỗi khó khăn vất vả cũng như những mất mát của những người tham gia công việc nguy hiểm này”.
Chương trình nhận được thư của thính giả nêu ý kiến về các chuyên mục trên trang web vovworld.vn như mục Việt nam đất nước con người, văn hóa, dạy tiếng việt, người việt muôn phương... Đó là các thính giả: Lê Thị Mỹ Nhàn, Lê Văn Bầu, Hoàng Uyên, Nguyễn Như Quỳnh… Qua bài viết: Hội từ thiện Con Cò Trắng của cộng đồng người Việt Nam tại CHLB Đức, bạn Hồng Nguyễn, ở Đức chia sẻ và kêu gọi mọi người giúp đỡ chị Phạm thị Xoan và con chị là cháu Hiếu, ở địa chỉ: Xóm: Thành Tiến, Xã: Xuân thành. Huyện Nghi Xuân, Tĩnh Hà Tĩnh. Chị Xoan có hoàn cảnh rất khó khăn, bệnh tật, cần giúp đỡ.
Chương trình nhận được thư của các thính giả quen thuộc Nguyễn Văn Công, Hải Nam, ở Pháp; Phương Thảo, Minh Anh, Phương Anh, ở Mỹ, tin bài cộng tác của thính giả Đào Xuân Tân, ở Hà Nội, Huy Hoàng, ở Nga, tin của Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc về các hoạt động từ thiện ở Việt Nam, tin bài của các cơ quan thường trú Lào, Mỹ, CPC…Cám ơn vì sự đóng góp của thính giả.
Quý thính giả thân mến! Bạn Nguyễn Thu Thủy viết thư hỏi: “ Chồng tôi bảo lãnh cho tôi và con gái tôi qua Mỹ. Con gái tôi hiện đã mang quốc tịch Mỹ. Nay vợ chồng tôi muốn con gái về sống với ông bà ở Việt Nam khoảng 2 năm. Như vậy có được không?”.
Bạn thân mến! Theo thông tin bạn cung cấp thì con bạn đã có quốc tịch Mỹ, nhưng không nêu rõ rằng con bạn có còn giữ quốc tịch Việt Nam hay không. Nên sẽ phát sinh 2 trường hợp như sau:
Thứ nhất, con bạn chỉ có quốc tịch Mỹ nhập cảnh vào Việt Nam: Để được nhập cảnh con bạn phải có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu và phải có thị thực do cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cấp.
Thứ hai, con của bạn còn quốc tịch Việt Nam:
Con bạn chỉ cần hộ chiếu Việt Nam để được nhập cảnh vào Việt Nam. Việc cư trú cùng ông bà cần làm thủ tục khai báo tại cơ quan công an nơi ông bà sinh sống.
Từ Aichi, Nhật Bản, thính giả Suzuki Yoshiaki gửi thư muốn được nghe giới thiệu về những điểm đến thú vị của Hà Nội.
Đáp ứng yêu cầu của thính giả, chúng tôi xin giới thiệu 10 điểm đến thú vị của Hà Nội qua con mắt du khách nước ngoài như sau:
+Chùa Một Cột: Nằm giữa lòng Hà Nội, chùa Một Cột là một tổng thể kiến trúc vô cùng độc đáo của Việt Nam, còn được biết đến với tên chùa Mật, Liên Hoa Đài hay Diên Hựu Tự. Đến năm 1955, chùa được phục dựng lại dựa trên kiến trúc cổ và tồn tại cho đến ngày nay.
+Hồ Tây: Nằm cách không xa trung tâm thành phố, Hồ Tây là hồ có diện tích lớn nhất Hà Nội và là điểm đến thư giãn yêu thích không chỉ của người dân địa phương, mà còn của rất nhiều khách du lịch.
+ Nhà hát múa rối Thăng Long: Tới thăm Hà Nội, một trong những điểm đến không thể bỏ qua của nhiều du khách trong nước và quốc tế là nhà hát múa rối Thăng Long, ngay gần hồ Hoàn Kiếm. Rối biểu diễn trên mặt nước và được điều khiển bởi những nghệ nhân phía sau tấm màn cánh gà. Những tích truyện trong rối nước thể hiện rõ nét đời sống, văn hóa của người Việt Nam, đặc biệt được du khách nước ngoài yêu thích.
+Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh: là nơi an nghỉ của vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
+Khu di tích Phủ Chủ tịch: Phía sau Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là một căn nhà sàn khiêm tốn, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sống trong những năm 1960. Tòa nhà này ngày nay được dùng để tiếp các đoàn khách quốc tế quan trọng và không mở cửa cho công chúng vào tham quan.
+Nhà tù Hỏa Lò: Nhà tù Hỏa Lò nằm trên phố Hoả Lò, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội được thực dân Pháp xây dựng năm 1896, có tổng diện tích hơn 12.000 m2. Ngày nay Hỏa Lò chỉ còn lại một góc nhỏ là nơi tham quan cho du khách
+Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam: Đến đây du khách được chào đón để tham quan, nghiên cứu về dân tộc học từ những sự kiện tôn giáo tới các nghi lễ tượng trưng của 54 dân tộc Việt Nam.
+ Văn Miếu Quốc Tử Giám: Văn Miếu Quốc Tử Giám là nơi thờ Khổng Tử, đặt bia tiến sĩ và cũng là trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Ngày nay, Văn Miếu Quốc Tử Giám trở thành điểm đến phổ biến của khách du lịch Hà Nội, đặc biệt là các sĩ tử trước mỗi kỳ thi thường đến đây để cầu may.
+Phố cổ Hà Nội: Điểm nhấn của du lịch Hà Nội là khu phố cổ 36 phố phường, với những ngôi nhà cổ và những con phố vẫn lưu giữ lại được dáng vẻ của chúng từ thế kỷ 19.
+Hồ Hoàn Kiếm: Điểm đặc biệt của địa lý Hà Nội là trong lòng thành phố có rất nhiều hồ và bao quanh thành phố là những con sông lớn.
Quý thính giả thân mến! Nhiều thính giả muốn tìm hiểu về lễ Vu Lan của Việt Nam.
Ở Việt Nam ngày lễ này thường được tổ chức vào ngày 15 tháng 7 âm lịch, là một ngày lễ lớn của Phật giáo để tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ, Việc cúng rằm tháng 7 bao giờ cũng phải cúng ở chùa trước rồi mới đến cúng tại nhà. Ngày lễ này thường được làm vào ban ngày, tránh làm vào ban đêm khi mặt rời lặn. Ở nhà chùa thường tổ chức lễ hoa đăng, tụng kinh Vu Lan vào buổi tối để giúp tăng ni, phật tử tỏ lòng báo hiếu với đấng sinh thành của mình. Cũng trong lễ này, người Việt ta có một "quy ước": nếu ai đó còn mẹ sẽ được cài một bông hoa màu hồng lên áo. Ai đã mất mẹ thì cài hoa trắng. Người cài hoa trắng sẽ thấy như một sự nhắc nhở, sẻ chia, không bao giờ quên ơn cha mẹ.
Quý thính giả thân mến! Rất mong quý vị tiếp tục đón nghe chương trình và gửi thư, bài vở cho chúng tôi theo địa chỉ: Chương trình phát thanh Dành cho đồng bào VN ở xa Tổ quốc, Hệ phát thanh đối ngoại Quốc gia, Đài TNVN, 45 Bà Triệu, Hà Nội.
Điện thoại: 84. 4. 3. 8 252 070
Hộp thư điện tử: vietkieuvov@gmail.com vovworld@vov.org.vn
Các bạn cũng có thể nghe chương trình của chúng tôi trên website: www.vov.vn. Chương trình cũng được phát trực tuyến qua trang web này trên hệ VOV 5 vào lúc: 0h-1h (giờ quốc tế) tức từ 7h đến 8h (giờ Hà Nội); và 17h-18h (giờ quốc tế) tức từ 0h đến 1h (giờ Hà Nội) hàng ngày. Hẹn gặp lại quý vị và các bạn trong những cánh thư sau.