(VOV5) - Trong thư gửi về chương trình tuần qua, thính giả muốn biết nguồn gốc và ý nghĩa của Ngày nhà giáo Việt Nam; cùng với các ý kiến của thính giả đối với các chương trình phát thanh và trên trang web, chương trình cũng thông tin về các làng nghề truyền thống ở Huế
Nghe âm thanh tại đây:
Chào quý vị, chào các bạn,
Trong thư gửi về chương trình tuần qua, thính giả Roberto Moreno Clausell từ Cuba cho biết anh rất vui mừng khi nhận được quà của chương trình và cho biết, sẽ là một thính giả trung thành của Hệ Phát thanh Đối ngoại quốc gia. Thính giả Kimoto, người Nhật chia sẻ mong muốn được ủng hộ nhân dân việt Nam bị ảnh hưởng do lũ lụt. Nhận xét về các chương trình phát thanh, thính giả Pháp Jean-Michel Aubier khen ngợi bài viết về bà Trịnh Thị Ngọ, phát thanh viên huyền thoại của Đài TNVN thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cũng như chuyên mục: VOV- Chuyện đời chuyện nghề. Thính giả Phitxami, người Lào cho biết: trong thời gian qua, tin tức trên trang web vovwworld.vn phần tiếng Lào ngày càng phong phú. Thính giả hy vọng trong thời gian tới sẽ tiếp tục có nhiều tin bài hay để phục vụ thính giả nhiều hơn. Thính giả cũng tiếp tục đóng góp ý kiến về các chuyên mục của Hệ Phát thanh Đối ngoại Quốc gia như: kinh tế, sức khỏe của bạn, văn hóa xã hội, Việt nam đất nước con người. Nhiều thính giả viết: các bài viết giúp chúng tôi rất nhiều, biết nhiều hơn về các vùng miền, phong tục tập quán, ẩm thực...
Quý thính giả thân mến! Nhiều thính giả trong nước và nước ngoài bày tỏ quan tâm tới Hội nghị kiều bào toàn thế giới năm 2016 vừa được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh. Những nội dung bàn thảo cũng như sự thành công của Hội nghị một lần nữa khẳng định quan điểm của Nhà nước đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và luôn coi trọng họ. Đặc biệt, thính giả hy vọng, những tâm huyết, đóng góp của các doanh nhân trí thức người việt ở nước ngoài sẽ giúp cho chặng đường phát triển của đất nước trong thời gian tới. Từ các nước Anh, Đức, Pháp, Mỹ... nhiều thính giả, bạn bè đã bày tỏ sự chia sẻ và quan tâm tới sự kiện này. Nhiều thông tin của sự kiện đã được đưa lên trang web và trở thành nội dung nổi bật suốt tuần qua. Bên cạnh đó, những hoạt động của người Việt tại các nước cũng tiếp tục được mọi người biết đến nhờ tin, bài của các phóng viên thường trú, các CTV từ Sec, Nhật Bản, Lào, Campuchia...
Quý thính giả thân mến! Trả lời câu hỏi của thính giả Chanthason, người Lào muốn biết ở Huế có những nghề truyền thống nào nổi tiếng, chương trình xin được giới thiệu như sau: Ít ai biết được, ở Huế có tới 88 làng nghề truyền thống, trong đó có 69 làng nghề thủ công với đông đảo đội ngũ thợ thủ công lành nghề, tài hoa, cung cấp sản phẩm cho xã hội, tạo ra các tour du lịch đặc sắc, riêng có cho Huế. +Một trong những địa điểm thu hút khách du lịch ở Huế là tranh giấy Làng Sình, thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang. Nghề làm tranh của làng xuất hiện cách đây khoảng 400 năm. Tranh làng Sình thường được sử dụng làm tranh thờ nên rất gần gũi với các họa tiết trang trí trên các kiến trúc của kinh thành xưa, tạo nên sự cổ kính và thẩm mỹ riêng cho dòng tranh dân gian này.
+Làng nghề làm hoa giấy Thanh Tiên đã góp phần lớn vào việc giữ gìn nét văn hoá tâm linh của người dân xứ Huế. Mẫu hoa được làm nhiều nhất và giống hoa thật là hoa sen. Ngày nay, hoa giấy không chỉ để thờ cúng, không chỉ bó hẹp trong phạm vi gia đình mà còn được trưng bày trong các lễ hội như Festival Huế, lễ hội áo dài , trưng bày ở Đại Nội – Huế…+ Nằm bên dòng sông Như Ý, xã Phú Hồ, huyện Phú Vang (Thừa Thiên-Huế), làng Tây Hồ từ lâu nổi tiếng với nghề chằm nón lá truyền thống – một vật dụng được xem là mang cả vẻ đẹp của tâm hồn Huế. Đến bây giờ, người dân Tây Hồ không còn ai nhớ nghề làm nón lá xuất hiện ở làng mình từ bao giờ, chỉ biết rằng trải qua bao sự thăng trầm của lịch sử, họ vẫn dựa vào nghề này để mưu sinh.
+Làng nghề Phường đúc đồng, Phường nằm ở ven bờ nam sông Hương, là một trong những nghề thủ công truyền thống lâu đời và nổi tiếng ở Việt Nam. +Làng gốm cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền) nằm bên dòng sông Ô Lâu xanh mát nổi tiếng với nghề làm gốm. Nhiều sản phẩm từ hàng trăm năm nay có mặt trong mọi gia đình Huế dưới dạng các loại đồ đựng (lu, chum, độc, trình …).
Nhiều bạn đã hỏi về nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Nhà giáo Việt Nam. Các bạn thân mến: Ngày 20/11 hàng năm, từ lâu đã trở thành ngày lễ tôn vinh những người thầy, người cô đã và đang đứng trên bục giảng, truyền đạt tri thức và đạo làm người cho các thế hệ học trò. Lịch sử của ngày 20/11 được bắt đầu từ một Tổ chức quốc tế các nhà giáo tiến bộ thành lập ở Paris, Pháp vào tháng 7/1946 lấy tên là Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục. Nǎm 1949 tại hội nghị Vacsava, Ba Lan, tổ chức này đã xây dựng một bản "Hiến chương các nhà giáo" gồm 15 chương với nội dung đấu tranh chống nền giáo dục tư sản, phong kiến, xây dựng nền giáo dục tiến bộ" bảo vệ những quyền lợi vật chất và tinh thần chính đáng của nghề dạy học và nhà giáo, đề cao trách nhiệm và vị trí của nghề dạy học và nhà giáo. Mùa xuân năm 1953, Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Nguyễn Khánh Toàn làm trưởng đoàn đã tham dự Hội nghị quan trọng kết nạp Công đoàn Giáo dục của một số nước vào tổ chức Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục tại Viên (Thủ đô nước Áo), trong đó có Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Sau hội nghị từ 26 đến 30/8/1957 tại thủ đô Vacsava, với 57 nước tham dự, Đoàn Việt Nam đã quyết định lấy ngày 20/11/1958 làm ngày "Quốc tế hiến chương các nhà giáo". Ngày nay, sự kiện trọng đại này là Ngày nhà giáo Việt Nam. Dù còn ở tuổi cắp sách tới trường, hay đã trưởng thành rời ghế nhà trường, mỗi người Việt Nam vẫn luôn hướng đến ngày 20/11 với truyền thống tốt đẹp của dân tộc: Tôn sư trọng đạo.
Quý thính giả thân mến! Rất mong quý vị tiếp tục đón nghe chương trình và gửi thư, bài vở cho chúng tôi theo địa chỉ: Chương trình phát thanh Dành cho đồng bào VN ở xa Tổ quốc, Hệ Phát thanh Đối ngoại Quốc gia, Đài TNVN, 45 Bà Triệu, Hà Nội.
Điện thoại: 84. 4. 3. 8 252 070
Hộp thư điện tử: vietkieuvov@gmail.com vovworld@vov.org.vn
Các bạn cũng có thể nghe chương trình của chúng tôi trên internet tại địa chỉ http://vovworld.vn hoặc http://vov5.vn từ 0h00 đến 1h00 ( giờ Việt Nam) tức là 17h00 đến 18h00 ( giờ quốc tế). Hẹn gặp lại quý vị và các bạn trong những cánh thư sau.