(VOV5) - Với tên Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài thì chức năng chính của chúng tôi là làm thế nào để liên hệ và kết nối với bà con kiều bào.
Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài (ALOV) từ lâu là một kênh quan trọng đưa thông tin đến Đảng, Nhà nước những mong muốn nguyện vọng chính đáng của kiều bào. Là nhịp cầu kết nối, Hội hỗ trợ cộng đồng người Việt ở nước ngoài giữ gìn truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc bên cạnh là các hoạt động thu hút đóng góp trí tuệ của người Việt ở nước ngoài. Nhân dịp Hội bước sang nhiệm kỳ mới, PV Đài TNVN phỏng vấn Đại sứ Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài về vấn đề này.
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV: Thưa đại sứ, hiện nay ngày càng có nhiều người Việt ở nước ngoài quan tâm và về Việt Nam sinh sống, đầu tư, khởi nghiệp. Ông đánh giá như thế nào về xu hướng tích cực này?
Ông Nguyễn Phú Bình: Rõ ràng, sau 44 năm đất nước thống nhất, Việt Nam ngày càng phát triển vững vàng có vị thế cao, đất nước đổi mới, mở cửa thành công có sức thuyết phục kiều bào về. Tôi thấy rõ là xu thế cách mạng 4.0 liên quan đến người trẻ Việt nhiều hơn. Với những người thế hệ trước kia ra đi giờ quay về thì liên quan nhiều đến tình cảm, đến cội nguồn dân tộc nhiều hơn. Còn các bạn trẻ, số đông đi du học rồi định cư ở nước ngoài hay con em kiều bào. Họ là những người tài giỏi có vị trí tốt trong một số công ty, tập đoàn lớn, cơ sở nghiên cứu, viện khoa học.
Đại sứ Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài.
Ảnh nhân vật cung cấp |
Trong xu thế CMCN 4.0 hiện nay, họ về vì thấy trong nước đang cần họ và Chính phủ cũng mở ra chính sách mở cửa thu hút rõ ràng. Họ thấy rõ những thuận lợi về môi trường kinh doanh. Nếu trong đầu tư cần phải có vốn liếng rất lớn thì trong lĩnh vực công nghệ IT hiện nay chỉ cần có đầu óc, có sáng kiến là các bạn có thể về Việt Nam khởi nghiệp, đầu tư vì ở đâu cũng cần họ. Tôi nghĩ đây là xu hướng tốt, rất tích cực đối với sự phát triển của đất nước. Vấn đề là trong nước làm gì để tạo thêm những điều kiện để ủng hộ và giữ chân họ. Bên cạnh đó, quan hệ quốc tế của Việt Nam với các quốc gia không có gì vướng mắc, cơ chế lại thoáng hơn, Chính phủ Kiến tạo cũng đặt ra rất nhiều kỳ vọng cho thế hệ trẻ kiều bào nên có nhiều cách thu hút họ. Đó là động lực tốt để xu hướng này ngày càng phát triển.
PV: Thưa đại sứ, là thành viên của MTTQ, Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài đang làm gì để ngày càng tạo sự kết nối hiệu quả giữa cộng đồng người Việt ở nước ngoài với trong nước?
Ông Nguyễn Phú Bình: Với tên Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài thì chức năng chính của chúng tôi là làm thế nào để liên hệ và kết nối với bà con kiều bào. Là một thành viên của Mặt trận tổ quốc, chúng tôi chủ trương làm sao mở rộng mối quan hệ ra bên ngoài, có nghĩa là thu hút càng nhiều lãnh đạo các Hội đoàn người Việt ở nước ngoài vào Ban thường vụ của Hội. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chú ý đến việc kết nối ở trong nước. Chúng tôi có thành viên là Hội thân nhân kiều bào ở hơn 30 tỉnh thành trong cả nước. Chúng tôi cố gắng mở rộng mạng lưới Hội Việt kiều tại các địa phương thông qua sự hỗ trợ của MTTQ. Bằng việc liên kết ở trong nước và liên kết với các tổ chức, cá nhân người Việt Nam ở các nước, chúng tôi muốn là kênh thông tin quan trọng để tạo sự kết nối giữa những người con xa xứ với nhau, giữa kiều bào với quê hương. Điều này sẽ thúc đẩy sự gắn kết, đóng góp nhiều hơn cho công cuộc phát triển của đất nước.
Ban chấp hành Hội người Việt Nam tại Ba Lan.
- Ảnh: Hồng Kỳ/Vietnam+ |
PV: Xin ông cho biết một vài chương trình hay hoạt động tiêu biểu mà Hội đang làm về kết nối kiều bào cũng như công việc mà Hội sẽ triển khai thời gian tới.?
Ông Nguyễn Phú Bình: Căn cứ vào một sáng kiến của kiều bào, 2 năm qua chúng tôi đang thực hiện dự án Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu, tức là lấy ngày Giỗ tổ Hùng Vương là ngày lễ chung của tất cả người Việt Nam trên toàn thế giới. Dự án hoàn toàn xuất phát từ tình cảm đối với cội nguồn dân tộc của kiều bào ta. Dù là ai đi nữa thì người Việt đều cũng tự hào về nguồn cội con Rồng cháu Tiên. Đó là mẫu số chung. Nếu năm ngoái, chúng tôi làm ở một số nước, năm nay làm thêm 8 nước nữa. Hiệu ứng rất tốt và thiêng liêng, bà con cảm động, phấn khởi và tất cả hào hứng tham gia. Chúng tôi muốn làm liên tục trong vài năm tới nữa để làm sao duy trì sự lan tỏa hàng năm.
Hiện nay, Hội chúng tôi hỗ trợ bằng kịch bản, lấy nội dung tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại làm chuẩn và học những nội dung về lễ nghi để truyền bá cho bà con bên ngoài.
Chúng tôi có soạn bài lễ Tế vua Hùng với tư cách của những người con xa xứ. Tranh thủ được tài trợ, chúng tôi giúp Hội người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức phần hội rộng rãi gắn vào đó là hoạt động nghệ thuật, quảng bá du lịch, văn hóa, thương mại…Bên cạnh đó là tọa đàm về người Việt Nam ở nước ngoài với tổ tiên đất nước, hội thảo kết nối doanh nhân, nhân sĩ, trí thức. Ngoài ra, Hội quan tâm hỗ trợ sáng kiến bà con Việt kiều. Chẳng hạn chúng tôi đang thúc đẩy dự án của một kiến trúc sư Pháp gốc Việt Nguyễn Tuyết Nga về tôn tạo giá trị lịch sử văn hóa cho cầu Long Biên.
Như bạn biết là trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài, giới trẻ chiếm đông nên hơi thiếu hụt sự ràng buộc về văn hóa truyền thống. Tất nhiên để trở thành một công dân toàn cầu là điều tốt nhưng sẽ không có bản sắc Việt. Thế hệ cha ông lo ngại rằng, nếu không có biện pháp duy trì tiếng Việt thì văn hóa Việt cũng sẽ mất đi. Vì thế, đây cũng là một nội dung mà Hội chúng tôi đang tính tới. Bên cạnh phương pháp truyền thống, chúng tôi đang triển khai dự án dạy tiếng Việt online với nội dung gắn với cuộc sống, văn hóa Việt hay những câu chuyện cổ tích Việt Nam song ngữ. Hội ALOV đã có cổng thông tin điện tử nên hi vọng đề án sẽ khả thi.
PV:Vâng xin trân trọng cảm ơn và chúc Đại sứ sức khỏe.