(VOV5) - Thành phố Đà Nẵng là địa phương 7 năm liên tiếp dẫn đầu về chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó có đóng góp không nhỏ của Sở ngoại vụ. Là cơ quan tham mưu cho Ủy ban Nhân dân Thành phố trong công tác đối ngoại, sở Ngoại vụ Thành phố Đà Nẵng luôn áp dụng công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính, nhằm mở rộng và triển khai nhiều hoạt động đối ngọai, đặc biệt là cầu nối gắn kết, thu hút nguồn lực kiều bào trên nhiều lĩnh vực. Đây cũng là nội dung trả lời phỏng vấn Phóng viên Đài TNVN của bà Lê Thị Thu Hạnh, Phó giám đốc Sở Ngoại vụ Thành phố.
|
Bà Lê Thị Thu Hạnh, Phó Giám Đốc Sở Ngoại vụ Thành phố Đà Nẵng |
Nghe âm thanh tại đây:
PV: Thưa bà, hoạt động đối ngoại với rất nhiều sự kiện diễn ra từ đầu năm đến nay cho thấy vai trò tham mưu tích cực của Sở ngoại vụ Thành phố Đà Nẵng, đặc biệt là công tác kiều bào?
Lê Thị Thu Hạnh: Từ đầu năm đến nay sự kiện chính diễn ra ngay đầu năm, chúng tôi tổ chức đoàn đoàn Thuyền buồm Clipper cập cảng Đà Nẵng; Chúng tôi tổ chức gặp mặt tri ân những tổ chức cá nhân nước ngoài có đóng góp vào chương trình phát triển kinh tế xã hội của Thành phố; Gặp mặt bà con kiều bào để lãnh đạo thành phố lắng nghe những tâm tư nguyện vọng của họ, trong đó còn có những đoàn lãnh đạo cấp cao của các nước đến thăm thành phố. Trong 6 tháng đầu năm chúng tôi tiếp đoàn hơn 300 đoàn khách quốc tế đến để tìm hiểu về môi trường đầu tư, kinh doanh tại thành phố; các đoàn kiều bào; các tổ chức phi chính phủ để thăm các dự án mà họ đã tài trợ cho thành phố cũng như tiếp tục khảo sát để cộng tác với thành phố.
PV: Việc áp dụng công nghệ thông tin và cải cách thủ tục hành chính đã có tác động như thế nào đến công tác này?
Lê Thị Thu Hạnh: Đây là năm thứ 7, Thành phố Đà Nẵng dẫn đầu chỉ số về ứng dụng và sẵn sàng ứng ứng dụng công nghệ thông tin. Hiện nay chúng tôi có 13/13 thủ tục hành chính đã được quy trình hóa, áp dụng theo ISO 9001/2008. Dịch vụ hành chính công của chúng tôi đã được đưa lên trang thông tin điện tử của Thành phố Đà Nẵng ở địa chỉ fad.dannang.gov.vn. Có 3 thủ tục hành chính được giải quyết hoàn toàn trực tuyến để các tổ chức, cá nhân có thể giao dịch trực tuyến với chúng tôi. Chúng tôi đã hướng dẫn kỹ càng hồ sơ, quy trình, thủ tục để bà con ở xa cũng dễ dàng tiếp cận quy trình này. Trước đây thủ tục của kiều bào khá là nhiều nhưng nhờ chủ trương, chính sách của Nhà nước đã tạo điều kiện khá thuận lợi cho bà con theo Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị nên các thru tục hành chính bà con cũng có thể làm ngay tại nước mình cư trú hoặc có thể liên lạc với chúng tôi qua website trang thông tin điện tử của Thành phố. Chính vì vậy liên lạc cũng rất là nhanh chóng.
PV: Chính sách cũng như việc cải cách thủ tục hành chính đã tạo điều kiện thuận lợi gì cho việc thu hút tiềm năng nguồn lực kiều bào thời gian gần đây?
Lê Thị Thu Hạnh: Công tác vận đồng kiều bào, đặc biệt là kiều bào tri thức, hoàn toàn phù hợp với chủ trương phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao mà Đại hội Đảng bộ Thành phố đã đề ra vào năm 2015. Gần đây chúng tôi liên hệ với các giáo sư, tiễn sĩ đang giảng dạy tại các trường đại học danh tiếng trên thế giới. Chúng tôi đánh giá rất cao tâm, huyết của các giáo sư trong việc làm thế nào đào tạo được đội ngũ chuyên gia trí thức khoa học cho VN. Gần đây có hội thảo phân tích tình hình kinh tế tài chính của Việt Nam, nhưng bên cạnh đó có 1 tạo đàm về nghiên cứu và làm thế nào để nang cao chất lượng của các chuyên gia, đội ngũ nghiên cứu khoa học cho Việt Nam. Các giáo sư cũng đánh giá cao năng lực và sự hợp tác của Đại học kinh tế Đà Nẵng và mong muốn hợp tác với Trường để có thể đào tạo được đội ngũ chuyên gia về tài chính và phân tích tài chính. Chúng tôi rất ủng hộ ý tưởng này và tạo điều kiện thuận lợi để thúc đảy hợp tác giữa các Giáo sư với Đại học Đà Nẵng và Đại học kinh tế Đà Nẵng.
PV: Thưa bà, là địa phương có đông kiều bào, bà đánh giá như thế nào về vai trò của Nghị quyết 36 đối với công tác về người Việt Nam ở nước ngoài?
Lê Thị Thu Hạnh: Nghị quyết 36 đã đi vào cuộc sống hơn 10 năm nay và các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương chúng tôi cũng cố gắng triển khai làm sao có hiệu quả nhất. Thành phố Đà Nẵng cũng đã đề ra chương trình hành động cụ thể của mình để làm tốt công tác kiều bào. Bên cạnh vận động thu hút nguồn lực kiều bào chúng tôi có đề xuất Thành phố để tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào đầu tư. Hiện có 52 doanh nghiệp có vốn đầu tư của người Việt Nam ở nước ngoài trên địa bàn thành phố. Đó là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, bà con làm ăn tốt. Về phía Thành phố và sở chúng tôi tạo mọi điều kiện như việc cấp thẻ cư trú, đi lại cho các doanh nhân để họ có thể tìm kiếm các cơ hội đầu tư kinh doanh. Rồi việc tạo điều kiện để họ tiếp cận với các nền kinh tế thành viên APEC. Khi họ không thông hiểu lắm về thông lệ của Việt Nam thì chúng tôi cũng tìm cách tháo gỡ cho họ về vệ sinh an toàn, về đăng ký thương hiệu. Và đầu năm 2016 Sở Ngoại vụ đã kết hợp với Ban liên lạc Thành lập được Câu lạc bộ doanh nhân kiều bào. Hiện tại chúng tôi đang tập trung tham mưu cho thành phố đưa ra chính sách để kiều bào có thể tham gia vào các hoạt động nghiên cứu khoa học, đóng góp trực tiếp vào sự phát triển của thành phố. Đà Nẵng được cho là thành phố năng động có nhiều điểm nhấn, là cơ hội để bà con trở về đầu tư, kinh doanh sinh sống.
PV: Xin cảm ơn bà.