(VOV5) - Khi người dân thực hiện thu thập sinh trắc học thì sẽ phải thông qua dữ liệu quốc gia về dân cư tại Bộ Công an.
Ngày 18/12/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Quyết định số 2345 về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng. Theo Quyết định này, từ ngày 1/7/2024, các giao dịch như chuyển tiền qua tài khoản, nạp tiền vào ví điện tử... trên 10 triệu đồng/lần; hoặc dưới 10 triệu đồng/lần nhưng tổng số tiền các giao dịch trong ngày từ 20 triệu đồng trở lên, thì lần chuyển tiếp theo trong ngày đó phải thực hiện xác thực bằng sinh trắc học. Các giao dịch chuyển tiền dưới 10 triệu đồng/lần hoặc tổng giá trị giao dịch không quá 20 triệu đồng/ngày thì xác thực bằng mã Smart OTP như thông thường.
Hiện nay, các Ngân hàng đang tích cực chuẩn bị cơ sở hạ tầng, công nghệ, nhân lực, để giao dịch được thông suốt. Phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam phỏng vấn ông Lê Hồng Phúc, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam về vấn đề này.
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
Phóng viên: Xin ông cho biết, Quyết định số 2345 của Ngân hàng Nhà nước ban hành có ý nghĩa như thế nào trong việc bảo mật thông tin của khách hàng khi thực hiện giao dịch thanh toán?
Ông Lê Hồng Phúc: Thời gian vừa qua, việc gian lận lừa đảo trên các kênh điện tử, kênh số diễn ra ngày càng phức tạp và tinh vi hơn. Do đó, Quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước ban hành là rất kịp thời, áp dụng cho các khách hàng chuyển tiền trên 10 triệu đồng/một lần và chuyển tiền hơn 20 triệu đồng/một ngày. Việc này đảm bảo an toàn cho khách hàng, bảo vệ lợi ích cho khách hàng, ngăn chặn hành vi lừa đảo, như vừa qua số tiền lừa đảo lên đến hàng tỷ đồng. Tôi cho rằng đây là một quyết định đúng đắn, có tính đột phá. Việc này cũng làm cho các Ngân hàng nâng cao năng lực về công nghệ. Tiến tới sẽ bằng những biện pháp ứng dụng công nghệ AI để tạo thuận lợi cho khách hàng, đồng thời bảo vệ khách hàng tốt hơn.
Từ 1/7/2024, người dân cần xác thực sinh trắc học liên kết căn cước công dân gắn chíp khi chuyển tiền qua ứng dụng ngân hàng hơn 10 triệu đồng/lần hoặc trên 20 triệu đồng/ngày. (Ảnh minh họa) |
Phóng viên: Quyết định có hiệu lực từ ngày 1/7. Vậy, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước đó đã chuẩn bị như thế nào để triển khai Quyết định này, thưa ông?
Ông Lê Hồng Phúc: Thực hiện Quyết định 2345, các Ngân hàng rất hưởng ứng, trong đó có Agribank và cả khách hàng cũng rất hưởng ứng. Đối với Agribank đã tích cực chuẩn bị từ trang bị cơ sở hạ tầng, công nghệ, con người và các biện pháp để đảm bảo thực hiện từ 1/7 theo quy định. Theo thống kê, số lượng trong phạm vi theo Quyết định 2345 này khoảng hơn 10% giao dịch. Agribank có số lượng khá đông khách hàng ở khu vực nông thôn. Về tình huống khách hàng không thông thạo sử dụng việc thu thập sinh trắc học hoặc có những vướng mắc, chúng tôi đã bố trí những cán bộ tại quầy để tận tình hướng dẫn cho khách hàng. Những ngày gần đây, cùng với báo chí, chúng tôi đã tuyên truyền nội bộ, tập huấn toàn hệ thống, giao nhiệm vụ cho Giám đốc các chi nhánh có trách nhiệm chủ động triển khai tới khách hàng trước 1/7, để làm sao đến 1/7 chúng tôi đã có một lượng khách hàng thu thập sinh trắc học tương đối, để đảm bảo không tắc nghẽn trong ngày đầu tiên thực hiện.
Phóng viên: Phía Ngân hàng có sự phối hợp ra sao với Bộ Công an để kết nối, liên thông với kho giữ liệu quốc gia về dân cư, cũng như bảo mật thông tin cho khách hàng, thưa ông?
Ông Lê Hồng Phúc: Khi người dân thực hiện thu thập sinh trắc học thì sẽ phải thông qua dữ liệu quốc gia về dân cư tại Bộ Công an, phù hợp với dữ liệu chíp đang được lưu trong kho dữ liệu dân cư quốc gia do Bộ Công an đã thu thập qua căn cước công dân. Việc này rất đảm bảo sự an toàn và khớp đúng, tránh sai sót dẫn đến có thể lừa đảo được.
Xin cảm ơn ông Lê Hồng Phúc, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về cuộc trao đổi này.