(VOV5) - Trong những năm qua, tỉnh Bắc Giang có nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Hỗ trợ và thu hút đầu tư, phát triển nông nghiệp và kết nối thị trường tiêu thụ là những chương trình trọng điểm mà địa phương đang thực hiện. Phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam phỏng vấn ông Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh Bắc Giang về những nội dung này.
Phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam phỏng vấn ông Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh Bắc Giang
|
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
Phóng viên (PV): Thưa ông, Bắc Giang là tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, nổi lên gần đây là phát triển kinh tế đồi rừng. Trong định hướng phát triển thời gian tới, Bắc Giang quan tâm thế nào đến việc tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh?
Ông Dương Văn Thái: Trước hết về điều kiện vị trí địa lý của Bắc Giang: nằm cách thủ đô Hà Nội chỉ 50 km về phía Đông Bắc, nằm trong hành lang kinh tế Nam Ninh – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng, có thể nói Bắc Giang rất thuận lợi cho phát triển cả về công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Hiện nay, để phát triển công nghiệp, tỉnh đã quy hoạch 6 khu công nghiệp. Bắc Giang đang tích cực cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, để thu hút các nhà đầu tư vào địa bàn. Trong năm 2016, Bắc Giang là điểm sáng trong 10 tỉnh thành của cả nước về thu hút đầu tư, đặc biệt đầu tư nước ngoài.
Thứ hai, về nông nghiệp: có thể nói Bắc Giang là vùng có điều kiện tự nhiên khí hậu thổ nhưỡng khá thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Bắc Giang đã hình thành nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực cho giá trị kinh tế cao, ví dụ như hình thành vùng trồng cây ăn quả đứng thứ 3 toàn quốc, có tổng đàn gà đứng thứ 2 toàn quốc với 14,7 triệu con, và gần 1,3 triệu đầu lợn – đứng thứ 4 cả nước. Có thể nói, nông nghiệp Bắc Giang đang từng bước phát triển. Và trong định hướng, Bắc Giang đang đẩy mạnh dồn điền đổi thửa, khắc phục diện tích đất manh mún nhỏ lẻ, để hình thành vùng sản xuất tập trung, bền vững, thực hiện cơ giới hóa, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp trong thời gian tới.
PV: Tỉnh Bắc Giang đã có những chính sách như thế nào để hỗ trợ, thu hút các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài về đầu tư trên địa bàn?
Ông Dương Văn Thái: Bắc Giang tạo nên môi trường đầu tư mới ở chỗ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm của cán bộ công chức trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính, tạo nhiều thuận lợi cho các nhà đầu tư khi tiếp cận đất đai, tiếp cận các thông tin, trong giải quyết các thủ tục liên quan đến đầu tư, thủ tục xây dựng, và các vấn đề xã hội khác trên địa bàn. Có thể nói, Bắc Giang quyết tâm sẽ làm ấm lòng các nhà đầu tư với quan điểm “sự thành công của nhà đầu tư là sự thành công của Tỉnh Bắc Giang”.
PV: Về khía cạnh phát triển nông nghiệp, Bắc Giang được biết đến là vùng trồng vải, trước đó có phát triển một số loại hồng, nhưng gần đây có thay đổi về cơ cấu cây trồng, từ vải chuyển sang cây ăn quả như cam, chanh. Làm thế nào để phát triển bền vững cây ăn quả ở Bắc Giang trong thời gian tới?
Ông Dương Văn Thái: Đối với Bắc Giang nói chung và Lục Ngạn nói riêng, Lục Ngạn được thiên nhiên ưu đãi nằm trong tiểu vòng cung Đông Triều với khí hậu và thổ nhưỡng rất thuận lợi để phát triển cây ăn quả. Đây đã hình thành vùng cây ăn quả đa dạng và lớn nhất miền Bắc. Để tiếp tục phát huy giá trị kinh tế của vùng cây ăn quả của Bắc Giang nói chung và Lục Ngạn nói riêng, trước hết, Bắc Giang sẽ tập trung chỉ đạo rà soát lại quy hoạch, cơ cấu lại cây trồng, đưa những cây có giá trị kinh tế cao vào, có cơ cấu cây trồng hợp lý. Thứ hai là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, tạo ra những sản phẩm an toàn, đảm bảo chất lượng. Thứ ba, chúng tôi quan tâm đến khâu thu hoạch, chế biến, bảo quản, đặc biệt là tạo điều kiện cho doanh nghiệp liên kết với các hộ nông dân trong sản xuất, chế biến, thu mua, tạo liên kết chuỗi giá trị, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt các sản phẩm chủ lực của tỉnh, cũng như của Lục Ngạn.
PV: Ngoài cây vải, những sản phẩm cây ăn quả mới của Bắc Giang chưa được định danh trên thị trường. Bắc Giang làm gì để trong thời gian tới để trái cây của tỉnh được thị trường biết tới và chấp nhận?
Ông Dương Văn Thái: Chúng tôi có định hướng chiến lược rất rõ ràng với từng loại cây, từng loại con. Trong đó, có 3 yếu tố rất quan trọng để tạo nên một sản phẩm hàng hóa là: Thứ nhất là chất lượng: chúng tôi sẽ chỉ đạo từ tổ chức sản xuất đến thực hiện quy trình sản xuất. Thứ hai nữa là đẩy mạnh xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa, để tạo ra mỗi sản phẩm có một thương hiệu để dễ nhận biết, để mọi người đều biết đó là sản phẩm của Bắc Giang. Và thứ ba, kết nối với thị trường, đẩy mạnh liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Ở đây, chúng tôi muốn nói đến vai trò rất quan trọng của cấp ủy chính quyền các cấp tập trung chỉ đạo, tuyên truyền vận động bà con nông dân thay đổi tư duy, nhận thức về sản xuất, từ tổ chức lại sản xuất, đến đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật để tạo ra các sản phẩm có năng suất cao, chất lượng tốt, giá thành hạ, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
PV: Xin cảm ơn ông.