Mặc dù “dù đại dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn và thách thức, nhưng quan hệ giữa Việt Nam và New Zealand vẫn đạt được nhiều thành tựu ấn tượng thời gian qua”. Đây là khẳng định của Đại sứ New Zealand tại Việt Nam Tredene Dobson trong cuộc phỏng vấn với phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam, nhân kỷ niệm 46 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao và 1 năm hai nước nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược.
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV: Trân trọng cám ơn Đại sứ đã trả lời phỏng vấn của Đài TNVN. Thưa Đại sứ, năm 2021 đánh dấu 46 năm Việt Nam và New Zealand thiết lập quan hệ ngoại giao và 1 năm hai nước nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược. Trước hết, Đại sứ có thể đưa ra những đánh giá về sự phát triển trong quan hệ song phương qua các dấu mốc quan trọng này?
Đại sứ New Zealand tại Việt Nam Tredene Dobson - Ảnh nguồn: Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam |
Đại sứ Tredene Dobson: Tôi rất vui khi nói rằng mối quan hệ giữa Việt Nam và New Zealand đang tiến triển rất tốt đẹp. Như bạn đã nhắc tới, năm 2020, các nhà lãnh đạo của chúng ta đã nâng cấp mối quan hệ lên đối tác chiến lược. Đây là một cột mốc quan trọng trong mối quan hệ hai nước và là tiền để để Việt Nam và New Zealand tiếp tục đạt được nhiều thành quả tốt đẹp. Từ đó đến nay, dù đại dịch Covid-19 gây nhiều khó khăn và thách thức, nhưng quan hệ hai nước vẫn đạt được nhiều thành tựu. Chúng ta vẫn tổ chức các cuộc họp cấp cao theo hình thức trực tuyến. Hợp tác về an ninh quốc phòng cũng tiếp tục được đẩy mạnh. Tôi cũng rất vui khi nói rằng, mặc dù dịch bệnh gây nhiều khó khăn đến chuỗi cung ứng, nhưng thương mại hai chiều giữa Việt Nam và New Zealand vẫn tiếp tục tăng. Dù giao lưu nhân dân không thể như trước khi dịch bệnh xảy ra, chúng ta vẫn tiếp tục củng cố hợp tác về giáo dục. Các Bộ trưởng Ngoại Giao và Bộ trưởng Thương mại hai nước cũng đã có cuộc đối thoại trực tuyến 3 lần trong năm nay. Do đó có thể nói, hợp tác giữa hai nước vẫn diễn ra rất tốt đẹp!
Về hợp tác thương mại, cần phải nói rằng, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 14 của New Zealand. Tháng 3 vừa qua, thương mại hai chiều đạt tới 1,95 tỉ đô-la New Zealand. Các lĩnh vực thế mạnh của New Zealand cũng đạt được nhiều kết quả tốt như thực phẩm và đồ uống, với mức tăng trưởng đạt 25%. Điều này cho thấy rõ sự tương hỗ trong hợp tác giữa hai nước. Cùng lúc, xuất khẩu máy móc từ Việt Nam tới New Zealand cũng tăng tới 28%. Điều này cho thấy rõ lợi thế cạnh tranh mà hai nước có trong thương mại song phương.
Đại sứ Tredene Dobson: Không chỉ thương mại, như tôi đã nói, hợp tác an ninh quốc phòng cũng đạt được kết quả tốt đẹp. Chúng ta đã ký Kế hoạch Hành động Hợp tác Quốc phòng trong 3 năm (2018-2021), đặc biệt là chương trình hợp tác đào tạo cho lực lượng gìn giữ hoà bình. Các lực lượng hành pháp cũng đang phối hợp với nhau chặt chẽ. Điều này giúp chúng ta có thể cùng nhau giải quyết các vấn đề liên quan đến tội phạm xuyên biên giới. New Zealand cũng đang phối hợp đào tạo với lực lượng công an Việt Nam trong ứng phó và giải quyết một số lĩnh vực đặc biệt như chống rửa tiền, hay các vấn đề liên quan đến nhập cư.
Và tất nhiên, chúng ta đã cùng nhau xây dựng chương trình phát triển rất thành công. Đặc biệt trong 3 năm qua, New Zealand cũng đầu tư khoảng 26,7 tỉ đô-la New Zealand thông qua một chương trình phát triển chung của hai nước. Và New Zealand cũng đẩy mạnh hỗ trợ Việt Nam trong những lĩnh vực chúng tôi có thể mạnh, và cũng là ưu tiên của các bạn như: nông nghiệp, quản trị rủi ro, thiên tai, phát triển kỹ năng, năng lượng tái tạo - lĩnh vực mà chúng tôi đặc biệt tập trung trong dịp hội nghị COP26 đang diễn ra tại Glasgow, Anh.
Ngoài ra, hỗ trợ về giáo dục với các loại học bổng vẫn tiếp tục được duy trì. Hàng năm, chúng tôi đều dành 30 suất học bổng sau đại học cho sinh viên Việt Nam, 25 học bổng tiếng Anh cho cho các cán bộ. Điều này nhằm đảm bảo chúng ta vẫn giữ vững được mối liên kết giữa nhân dân hai nước, cũng là lĩnh vực đã kết nối hai quốc gia. Tôi cũng phải nói rằng, giáo dục rất quan trọng với quan hệ hai nước. Chúng tôi luôn chào đón các sinh viên Việt Nam tới New Zealand. Chính các bạn cũng giúp sinh viên New Zealand có một tư duy cởi mở hơn, toàn cầu hơn. Đây là điều rất quan trọng với tương lai của sinh viên New Zealand. Và chúng tôi cũng hy vọng rằng, các sinh viên Việt Nam cũng được hưởng lợi từ các cơ sở giáo dục đứng trong top 3 của thế giới. Và tất nhiên những gì chúng tôi đang nuôi dưỡng và phát huy chính là tư duy phản biện, khả năng sáng tạo, đây cũng là những kỹ năng mà người lao động cần phải có trong tương lai. Như vậy, có thể thấy rõ ràng là quan hệ 2 nước đang tiến triển rất tốt đẹp trong tất cả các lĩnh vực!
PV: Thưa Đại sứ, năm nay, New Zealand vinh dự đảm nhận vai trò Chủ tịch Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và sẽ chủ trì Tuần lễ cấp cao từ ngày 8-12/11. Thông điệp và nội dung nổi bật mà New Zealand muốn chuyển tải thông qua sự kiện quan trọng này là gì, thưa Đại sứ?
Đại sứ Tredene Dobson: APEC là một sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với New Zealand trong năm nay. Bạn biết đấy, công tác chuẩn bị cho một sự kiện lớn như vậy phải bắt đầu từ nhiều năm trước đó. Chúng tôi đã lên kế hoạch cho sự kiện này trong vòng 10 năm qua rồi, cũng như là việc mời lãnh đạo các nền kinh tế tới New Zealand tham dự hội nghị. Nhưng năm nay lại có một thách thức mới đối với New Zealand. Chúng tôi phải tổ chức cuộc họp với sự tham gia của lãnh đạo các nền kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương theo hình thức trực tuyến. Và như chúng tôi nói, APEC 2021 là hình thức ngoại giao số mà trước đây chưa từng có. Nhưng tôi rất tự hào khẳng định, chúng tôi chứng minh được rằng, dù là thông qua hình thức trực tuyến, chúng tôi vẫn có thể kết nối tất cả mọi người và đạt được những thành tựu tốt đẹp.
Dịp APEC năm nay, chúng tôi hi vọng có thể đưa ra những chính sách đổi mới, để có thể tạo nền tảng cho sự phát triển mới của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chúng tôi chú trọng vào ứng phó với biến đổi khí hậu, chúng tôi kết nối cả khu vực để chống lại chủ nghĩa dân tộc vắc-xin, cũng như thảo luận về sự phục hồi toàn diện và theo hướng kỹ thuật số. Chúng tôi hiểu rằng, đây cũng là những ưu tiên của Việt Nam.
Bạn biết đấy, đầu năm nay, toàn cầu có khoảng 100 triệu ca mắc Covid-19. Và chỉ sau 6 tháng thôi, con số này đã tăng gấp đôi. Do đó, chương trình họp của APEC năm nay với 300 cuộc họp, chắc chắn chúng tôi sẽ chú trọng nhiều tới dịch Covid-19, cũng như là kêu gọi những cách ứng phó trước đây chưa từng có, từ các nền kinh tế APEC. Và khoảng tháng 7 năm nay, lần đầu tiên trong lịch sử APEC, chúng tôi đã tụ họp được các nhà lãnh đạo, cùng tham gia một cuộc họp không chính thức, chú trọng vào những nguy cơ mà chúng ta đang phải đối mặt, cũng như là làm thế nào để chúng ta có thể chung tay hỗ trợ nhau về nguồn cung vắc-xin, vật tư y tế, đồ bảo hộ…, đặc biệt là là vắc-xin có thể đến được những nơi thực sự cần đến chúng.
Giờ đây chúng ta đã bước sang tháng 11, và New Zealand đang nỗ lực tập trung các nhà lãnh đạo, cả các nhà lãnh đạo quốc gia, các nền kinh tế và cả lãnh đạo doanh nghiệp vào một thời điểm rất quan trọng, để cùng trao đổi về tương lai của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, và rằng, các nhà lãnh đạo muốn khu vực phát triển như thế nào. Điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta chuyển trọng tâm chú ý sang phát triển theo hướng xanh. Chúng ta phải đảm bảo rằng, sự phát triển sẽ bao gồm tất cả mọi đối tượng, mọi thành viên trong cộng đồng, trong đó có cả những người bản địa, các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là những đối tượng thường bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển.
Đó là một số nội dung trọng tâm mà New Zealand muốn chú trọng vào năm APEC cũng như tuần lễ cấp cao này. Dù có nhiều khó khăn và thử thách, nhưng thực sự rất tuyệt vời khi được thấy các nhà lãnh đạo, các nền kinh tế APEC cùng nhau tập trung tại sự kiện và cùng bàn luận về những thách thức, những chủ đề có ý nghĩa quan trọng đối với tất cả chúng ta.
PV: Thưa Đại sứ, thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực có những hoạt động, đóng góp cho cộng đồng quốc tế thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình trong các vấn đề chung. Đại sứ đánh giá thế nào về những đóng góp cũng như vị thế, tiếng nói của Việt Nam trong khu vực và trên toàn cầu?
Tôi tin rằng, Việt Nam đã và đang thể hiện tốt vai trò lãnh đạo, không chỉ trong khu vực mà còn cả trên thế giới. Việt Nam cũng là một quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn và luôn theo đuổi chiến lược hội nhập kinh tế toàn cầu.
Việt Nam cũng đã làm sâu sắc hơn mối quan hệ với các nước láng giềng, và tôi nghĩ Việt Nam cũng là một quốc gia kết nối giữa Đông Nam Á và Đông Bắc Á. Điều này cũng có ý nghĩa quan trọng đối với mối quan hệ Việt Nam - New Zealand. Việt Nam rất chủ động chia sẻ những hiểu biết về ASEAN cũng như vai trò trung tâm của ASEAN. Việt Nam cũng thiết lập quan hệ với các nước ở phía Bắc khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Việt Nam thực sự có những hiểu biết rất sâu sắc về khu vực mà New Zealand có thể học hỏi. Và Việt Nam hiện nay vẫn tiếp tục thể hiện rõ sức ảnh hưởng của mình, theo cách rất chủ động và cũng rất chân thành. Quan điểm này của Việt Nam cũng rất giống với đường lối đối ngoại của New Zealand và các giá trị mà chúng tôi hướng tới, đặc biệt trong việc thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, cũng như việc tuân thủ luật pháp quốc tế, và tất nhiên là việc gìn giữ hòa bình và an ninh khu vực.
Năm nay, Việt Nam đã giữ vai trò quan trọng nhưng cũng rất khó khăn tại Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc. Và thật tuyệt vời khi chúng tôi có cơ hội được làm việc với các đồng nghiệp ở Bộ Ngoại Giao và được hiểu về những ưu tiên của Việt Nam khi có mặt trong Hội đồng bảo an. New Zealand hiện nay thì không phải thành viên của Hội đồng bảo an nên những sự hợp tác bên ngoài cũng rất hữu ích. Và tôi phải nói rằng, cả New Zealand và Việt Nam đều cam kết mạnh mẽ với chủ nghĩa đa phương và trật tự thế giới dựa trên luật pháp quốc tế. Và tôi tin tưởng đó sẽ là lĩnh vực mà hai nước tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong tương lai trên cấp độ toàn cầu.
PV:Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ