(VOV5) - Một trong những bài học mà chúng ta rút ra từ cuộc Cách mạng tháng 8/1945 là bài học phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
76 năm trôi qua, nhưng bài học của Cách mạng tháng 8/1945 vẫn còn nguyên gia trị cho tới ngày nay. Đó là sự đúc kết việc tập hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó là những kinh nghiệm quý từ cuộc cách mạng này vẫn tiếp sức trong thời đại ngày nay, khi mà cả nước đang phải đối mặt với dịch bệnh COVID-19. Đây cũng là nội dung cuộc trao đổi giữa phóng viên đài TNVN với đại tá, phó giáo sư tiến sĩ Trần Ngọc Long, nguyên phó Viện trưởng Viện nghiên cứu lịch sử quân sự Việt Nam.
Nghe âm thanh tại đây:
PV: Thưa ông, Cách mạng tháng 8 /1945 là bài học về việc tập hợp khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy nội lực và nắm bắt thời cơ, ý kiến của ông về vấn đề này?
PGS-TS Trần Ngọc Long: Một trong những bài học mà chúng ta rút ra từ cuộc Cách mạng tháng 8/1945 là bài học phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Có thể nói một trong bài học rút ra đó là cuộc cách mạng tháng 8 mau lẹ,kịp thời, nổ ra đúng lúc phải nổ. Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng, nhưng ở Việt Nam vẫn rất là mạnh. Cuộc cách mạng này diễn ra khi mà ở trong nước, phong trào kháng nhật cứu nước đã lên tới đỉnh cao. Không phải ngẫu nhiên mà lúc bấy giờ, lãnh tụ Hồ Chí Minh trước thời cơ, ngàn năm có một, Người đã phải căn dặn đồng chí Võ Nguyên Giáp thế này: lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù có phải hy sinh tới đâu, dù có phải đốt cả dãy Trường Sơn, cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập. Tình hình đó đặt ra yêu cầu phải động viên tới mức cao nhất, sức mạnh tổng hợp của mọi tầng lớp, không phân biệt giai cấp, đảng phái, dựa chính vào lực lượng quần chúng, sử dụng lực lượng vũ trang và bán vũ trang, tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Đảng cộng sản đông dương chủ trương liên minh với các đảng phái, các tôn giáo, dân tộc. Mặt trận Việt Minh chính là ngọn cờ để tập hợp lực lượng rộng rãi chống Nhật Pháp và giành độc lập. Ở đây nhấn mạnh một điều, trong quá trình tạo thế, tạo lực, tiến lên tổng khởi nghĩa, Đảng ta đã đề ra phương châm: khơi thêm nước cho cá vẫy cùng. Cuộc Cách mạng tháng 8 là một cuộc biểu dương lực lượng lớn chưa từng thấy, cuộc hội tụ và tỏa sáng tinh thần dân tộc của người việt, của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
PV: Vậy những yếu tố nào dẫn tới thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa, thưa ông?
PGS-TS Trần Ngọc Long: Trong quá trình chuẩn bị tập hợp sức mạnh của quần chúng, đại đoàn kết, chúng ta không thể không nhắc đến phong trào truyền bá quốc ngữ do Đảng cộng sản Đông dương phát động từ năm 1938. Phong trào này chính là vươn ươm cung cấp cho cách mạng nhiều cán bộ, từ học sinh, sinh viên, công chức, trí thức… Chúng ta không thể không nhắc tới đông đảo đội ngũ trí thức xuống đường tham gia cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền như Hà Nội có thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu, Huế có trường quân sự thanh niên tiền tuyến, hay như ở Sài Gòn có tổ chức thanh niên tiền phong. Trên thực tế, thông qua phát động cao trào dân tộc, những mặt lợi ích của giai cấp công nông cũng đã được điều chỉnh. Công tác tuyên truyền cũng đóng góp rất to lớn vào việc huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Tôi cho lúc bấy giờ rõ ràng là tuyên truyền của Việt minh lúc đó kiểu tuyên truyền rất thiết thực, không khoa trương mà nhắm thẳng vào những vấn đề thiết yếu, cụ thể trong đời sống thường nhật của quần chúng, lan tỏa, lay động quần chúng rất mạnh mẽ, để nhân dân hiểu và biến những khẩu hiệu đó thành sức mạnh. Và trong cuộc chiến chống COVID hiện nay, thì cũng nhắc nhở chúng ta trong công tác thông tin tuyên truyền, vận động quần chúng, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn dân tộc.
PGS-TS Trần Ngọc Long. Ảnh: VOV |
PV: Như vậy là bài học về sức mạnh đoàn kết dân tộc của cuộc Cách mạng tháng 8 mang giá trị trường tồn và bất biến, nhất là có ý nghĩa quan trọng với thế hệ trẻ hiện nay?
PGS-TS Trần Ngọc Long: Phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, không phải là một điều gì mới mà đó là phát triển của Đảng ta, của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh trong hệ thống chính trị của Mặt trận Việt Minh, trong thời đại mới, trong điều kiện hoàn cảnh mới. Rõ ràng hiện nay, trong điều kiện lịch sử mới, bài học đại đoàn kết không vì thế mà bị giảm giá trị. Đối với thế hệ trẻ, cho họ niềm tin, trước hết là đường lối, chủ trương chính sách phù hợp, sự quan tâm tới thế hệ trẻ, bản thân lớp đàn anh, lớp cha chú phải là những tấm gương để họ nhìn vào, soi vào đó, phải tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống đấu tranh Cách mạng của thế hệ cha ông
PV: Từ cuộc cách mạng tháng 8, sức mạnh đoàn kết cũng đã được tiếp nối như thế nào trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 hiện nay, thưa ông?
PGS-TS Trần Ngọc Long: Chúng ta thấy bài học đại đoàn kết hiện nay đang được tỏa sáng ở trong cuộc chiến chống COVID. Thông qua cuộc chiến chống COVID19 mà chúng ta thấy trong suốt 1 năm nay, đó là tinh thần đại đoàn kết dân tộc của người Việt. Người việt ở trong nước cũng như ở nước ngoài. Thưc ra là trong cuộc chiến chống đại dịch, không chỉ có những chiến sĩ áo trắng, mà cuộc chiến này của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân của cả hệ thống chính trị, của mọi tầng lớp nhân dân và của cả những người việt xa xứ, của cả bạn bè nước ngoài, những người có tình cảm, có thiện cảm với nhân dân Việt Nam. Mặc dù trước những thiệt hại, mất mát, đau thương mà đại dịch mang lại, nhưng người dân vẫn có niềm tin vào sức mạnh đại đoàn kết của cả dân tộc của người Việt, truyền thống cố kết của người dân Việt Nam, những người mang trong mình dòng máu lạc hồng. Tôi cho đó là điều hết sức đáng quý.
PV:Vâng, xin cảm ơn ông.