(VOV5) - Trong khuôn khổ kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, Ủy ban thường vụ Quốc hội kiến nghị Quốc hội xem xét Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 gồm 24 dự án luật và 01 dự thảo nghị quyết của Quốc hội. So với các năm trước, việc lập đề nghị đưa các dự án vào Chương trình đã có nhiều cải tiến. Phóng viên Đài TNVN phỏng vấn bà Hồ Thị Kim Ngân, ủy viên ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn xung quanh nội dung này.
Nghe âm thanh tại đây:
PV: Thưa bà, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và thống nhất kiến nghị Quốc hội xem xét Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018. Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội xem xét, thông qua 10 luật, 01 nghị quyết; tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội thông qua 10 luật và cho ý kiến về 04 dự án luật khác. Bà đánh giá như thế nào về số lượng văn bản luật được cho ý kiến cũng như dự kiến được xem xét thông qua?.
Bà Hồ Thị Kim Ngân: Đối với chương trình xây dựng luật pháp, lệnh năm 2018 tôi thấy cơ bản các dự án luật có sự chuẩn bị. Các dự án luật sẽ được xem xét cho ý kiến cũng như sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 5, thứ 6 có mặt phù hợp nhất định. Tuy nhiên có thông qua được hay không thì hồ sơ trình phải đầy đủ, chuẩn bị thật kỹ lưỡng. Trong các dự án luật, tôi chú ý dự án luật sẽ được xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6. Đó là dự án Luật hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Trong chuyên đề giám sát năm 2018 , Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đưa nội dung thực hiện chính sách pháp luật hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số và miền núi để xin ý kiến Quốc hội trong chuyên đề giám sát 2018. Tôi cho rằng để có thể đưa dự án luật ra xin ý kiến Quốc hội thì cần thiết phải có sự đánh giá thực tiễn về thực hiện chế độ chính sách pháp luật đối với việc hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đây là cơ sở thực tiễn rất quan trọng, để quy định cụ thể của luật đảm bảo điều kiện cho miền núi phát triển hơn nữa.
PV: Căn cứ vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 có thể thấy có sự ưu tiên các dự án luật để triển khai thực hiện văn kiện Đại hội XII của Đảng, các nghị quyết, kết luận của các Hội nghị Trung ương; đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội. Để bảo đảm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh một cách có hiệu quả, theo bà cần phải chú trọng vấn đề gì?
Bà Hồ Thị Kim Ngân: Cá nhân tôi cho rằng tất cả các dự án luật khi được đưa ra lấy ý kiến cũng như thông qua thì cơ quan trình phải đảm bảo hồ sơ, gửi tài liệu để đại biểu có thời gian nghiên cứu sớm, cần phải có ý kiến nhìn nhận khách quan để khi dự án được thông qua sẽ đảm bảo tính khả thi.Nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng thì khi đưa vào thực tế sẽ vướng rất nhiều, nhiều quy định chưa đảm bảo tính thực tiễn.
PV: Ở trên bà có nhắc đến dự án Luật hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi sẽ được đưa ra lấy ý kiến tại kỳ họp thứ 6. Đây là dự án Luật quy định về những chính sách rất quan trọng của Đảng và Nhà nước đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Theo bà, việc đưa dự án luật này vào Chương trình năm 2018 có đúng thời điểm không.?.
Bà Hồ Thị Kim Ngân Hệ thống văn bản pháp luật hay chế độ chính sách hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số và miền núi cũng đã có rất nhiều văn bản rồi tuy nhiên để đưa lên thành luật vào thời điểm này tôi cho rằng là phù hợp. Bởi vì những quy định của luật sẽ xuất phát từ đánh giá cụ thể, sát với thực tiễn và khi đã được Quốc hội thông qua thì có nghĩa chế độ, chính sách đó sẽ được đảm bảo thực hiện hoặc có lộ trình thực hiện phù hợp để làm sao chế độ đó đến với người dân một cách đầy đủ nhất cũng như là những yêu cầu, mong mỏi của người dân về thực hiện chế độ này.
PV: Là người gắn bó với vùng dân tộc, miền núi, bà mong muốn dự án Luật hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi điều chỉnh những lĩnh vực nào để đời sống người dân miền núi này càng phát triển.?.
Bà Hồ Thị Kim Ngân: Mong muốn đầu tiên là phải có sự đánh giá thật kỹ chế độ chính sách mà từ trước đến nay chúng ta áp dụng đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Trên cơ sở đánh giá tác động đó, chúng ta sẽ đưa vào dự án luật cơ chế chính sách cụ thể về tất cả các nội dung liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, đến đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển du lịch, đào tạo con người cũng như các ưu tiên về vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Mặc dù các ưu tiên này đã được quy định trong các chế độ chính sách rồi nhưng khi nâng lên thành luật thì cần có đánh giá thật cụ thể về những yếu tố đó để những quy định của luật khi đưa vào cuộc sống thì những chế độ chính sách đó thật cụ thể, đảm bảo được thực hiện, có thể thi hành được luôn. Điều này giúp người dân ở đó yên tâm với chế độ mà Đảng, Nhà nước dành cho, yên tâm sinh sống và phát triển, gắn bó với quê hương. Người dân vùng dân tộc thiểu số rất mong chờ điều này.